Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 04:00 GMT+7

Cần những quyết sách kịp thời

Biên phòng - Còn hơn tháng nữa bước vào năm học mới 2023-2024 nhưng bài toán thiếu giáo viên vẫn chưa có lời giải ở nhiều địa phương.

Hà Nội là một trong những địa phương đang thiếu giáo viên mầm non. Ảnh minh họa: Bảo Hà

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến tháng 6/2023, cả nước thiếu hơn 84.000 giáo viên, chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học, và với một số môn học theo chương trình mới như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh. Trầm trọng nhất là tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10.250 giáo viên, thành phố Hà Nội thiếu 8.939 giáo viên...

Thiếu giáo viên dẫn đến số lượng học sinh/lớp đang quá tải so với quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT ở nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dạy và học. Thế nhưng ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để bù đắp lượng giáo viên thiếu hụt.

Theo Quyết định 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, có 65.980 biên chế giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022 - 2026; riêng năm học 2022 - 2023 tạm giao 27.850 biên chế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả nước mới tuyển được gần 16.000 giáo viên.

Nguyên nhân được Bộ GD&ĐT chỉ ra do nhiều địa phương bất cập trong dự báo nhu cầu, kế hoạch đào tạo cho chương trình nên đã dẫn đến thiếu nguồn để tuyển dụng. Mặc dù, ngành giáo dục các địa phương liên tục tuyển dụng nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình mới.

Tình trạng thiếu giáo viên thêm trầm trọng khi một số lượng lớn giáo viên nghỉ việc, chuyển ngành, chuyển sang các cơ sở giáo dục tư thục, trường quốc tế có môi trường làm việc, thu nhập hấp dẫn hơn. Nguy cơ “chảy máu” nhân lực trong hệ thống trường công lập đang rất đáng lo ngại tại các đô thị lớn, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Cùng với đó, các đô thị lớn đang đối mặt với thực trạng thiếu trường, thiếu lớp, nhất là trường công lập bậc THPT. Qua khảo sát tại nhiều địa phương, số trường THPT công lập được đầu tư xây mới thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu đầu vào lớp 10. Trong khi, hầu hết phụ huynh, học sinh muốn vào trường THPT công lập do chi phí thấp hơn trường tư thục.

Với mức tăng dân số cơ học chóng mặt như hiện nay thì áp lực học hành không chỉ dừng lại ở trường THPT công lập, dẫn đến hệ thống trường lớp không theo kịp tốc độ tăng của dân số. Tính riêng tại Hà Nội, mỗi năm, có thêm khoảng 40.000 - 50.000 học sinh, đồng nghĩa với việc cần thêm ít nhất 20 trường công lập.

Mỗi năm, các đô thị lớn có thêm nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên nhưng số lượng trường công lập được xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi trường lớp không đủ sẽ gây ra tình trạng thiếu chỗ học cho học sinh, khiến cho hàng vạn gia đình phải vất vả, lo lắng để kiếm suất học cho con ở trường công.

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, các ngành với tinh thần “Tất cả vì sự nghiệp trồng người”. Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo viên; cơ chế, chính sách về tiền lương; định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp cho phù hợp với vùng, miền, địa phương; đẩy mạnh tự chủ, khuyến khích xã hội hóa; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước.

Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn 2022 - 2026 để tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả số chỉ tiêu biên chế giáo viên được Bộ Chính trị giao; có cơ chế đặt hàng, thu hút giáo viên từ các cơ sở đào tạo. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí quỹ đất để xây mới thêm trường học, điều chỉnh lại quy hoạch, nhu cầu phát triển về quy mô trường, lớp, học sinh trong từng giai đoạn, từng năm học trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế.

Phụ huynh và học sinh mong mỏi các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên một cách tổng thể để có quyết sách kip thời theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO