Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:38 GMT+7

Cần tập trung chính sách “cú đấm thép” để làm tốt cơ giới hóa và chế biến nông sản

Biên phòng - “Thời gian qua chúng ta ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp nhưng chưa tập trung, vậy từ hội nghị hôm nay, Nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là "cú đấm thép" của Nhà nước để tháo gỡ, làm tốt cơ giới hóa và chế biến nông sản?”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương với chủ đề Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp, tổ chức sáng 21-2.

qzameh1d0p-25184_f_k6vyqrz90_Th_tng_Nguyn_Xun_Phc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng cho rằng xuất khẩu nông sản rất quan trọng nhưng thị trường trong nước gần 100 triệu dân càng quan trọng mà nếu chúng ta không quan tâm, không lo thị trường trong nước thì sẽ là thiếu trách nhiệm với người dân. Vậy cần có chính sách, biện pháp gì để tháo gỡ cho chế biến, nhất là chế biến sâu, cho cơ khí hóa khi mà hiện nay, số lao động nông nghiệp còn đông, chủ yếu làm thủ công, mức độ cơ giới hóa còn thấp nên năng suất thấp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, 10 năm qua, công nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh, áp dụng trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%...

Nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10% trong nhiều năm qua (năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỷ USD).

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với những thách thức về hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp.

Do vậy, ông Cường nhấn mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với ý kiến của doanh nghiệp cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”.

Thủ tướng cũng cho rằng, phải giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp mạnh mẽ bằng cách áp dụng cơ giới hóa. 

Về định hướng chính sách, Thủ tướng gợi mở, cần kéo dài thời gian, giảm lãi suất vì tỷ suất lợi nhuận trong nông nghiệp thấp. Tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ như có các giống mới chịu hạn, mặn tốt, ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, cơ khí để nâng cao giá trị, chất lượng. Đồng thời giảm giá thành, giảm chi phí, nhất là chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, cần xây dựng một nền nông nghiệp tín nhiệm, đó là nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ.

Về định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh: Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đứng trong tốp 10 thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. Phấn đấu đến 2030, cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Để bảo đảm triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030 và Đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong tốp 5 nước hàng đầu thế giới về: Chế biến rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam; Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trong lĩnh vực nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ưu đãi các doanh nghiệp, dự án đầu tư chế biến nông lâm thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp.

Tố Như

Bình luận

ZALO