Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 06:05 GMT+7

Cảnh giác với những chất ma túy mới

Biên phòng - Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra những cảnh báo về các loại chất ma tuý mới gây nghiện và tạo ảo giác mạnh, đầu độc người dùng, song giới trẻ còn nhận thức mơ hồ về hậu quả, tác hại của việc sử dụng chất gây nghiện. Thậm chí, không ít người còn ngộ nhận chất ma túy mới không gây nghiện, không bị xử lý khi mua bán, sử dụng nên đã tham gia hoặc tiếp tay cho việc mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Ảnh: minh họa

Theo Bộ Công an, năm 2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến các loại ma túy “núp bóng” và thuốc lá điện tử. Trong đó, đã khởi tố 345 vụ án, hơn 600 bị can phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy dạng “núp bóng” (tăng gần 7 lần so với năm 2022).

Đặc biệt, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã triệt phá thành công nhiều vụ ma tuý tổng hợp được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống… Đây cũng là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng như nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc) rồi trộn với cà phê, nước ngọt, soda hoặc bánh, kẹo để bán cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng.

Điển hình, tháng 11/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phá chuyên án 0323 H, triệt phá xưởng pha chế, đóng gói ma túy tổng hợp “nước vui” quy mô lớn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; thu 217 kg ma túy tổng hợp để pha chế, đóng gói 1 tấn ma túy “nước vui”.

Mới đây, Công an các địa phương liên tiếp phát hiện các đối tượng sử dụng một chất ma tuý mới - chất ADB-4en-PINACA tại các nhà hàng, quán bar, tiệc sinh nhật... Chất này gây ảo giác mạnh, hoang tưởng, dẫn đến những hành động không kiểm soát, mất nhân tính, nhưng khi tiến hành giám định bằng các phương pháp thông thường rất khó phát hiện. Tuy nhiên, Chất này không có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam nên tội phạm lợi dụng để mua bán, sử dụng công khai gây khó khăn cho công tác xử lý, đấu tranh.

Các chuyên gia y tế khẳng định, các loại ma tuý “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, thuốc lá điện tử, đồ uống… có tác động khác nhau đến tâm, sinh lý của người sử dụng nhưng đều gây hại tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp. Nguy hiểm hơn là sẽ gây ra tình trạng “nghiện” ở người sử dụng, tức là lệ thuộc hoàn toàn vào chất ma túy, sử dụng một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh, thậm chí có thể gây nguy cơ tử vong nếu sử dụng quá mức độ chịu đựng của cơ thể.

Điều đáng lo ngại là các dạng ma tuý này hiện đang được giới trẻ “ưa dùng” vì chúng có giá thành rẻ, dễ sử dụng, có tác dụng gây hưng phấn, ảo giác mạnh.

Do ảnh hưởng các chất ma tuý mà người sử dụng không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Khi đã lệ thuộc ma tuý, người nghiện rơi vào tình trạng ảo giác, loạn thần sẽ có nguy cơ tự thương, tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền mua ma túy thoả mãn cơn nghiện, kể cả giết người, cướp của...

Đối với học sinh, sinh viên sử dụng ma túy sẽ dẫn đến không còn hứng thú với việc rèn luyện, tiếp thu các kiến thức mà có xu hướng muốn hưởng thụ các tệ nạn xã hội. Không chỉ vậy, các đối tượng này sẽ lôi kéo thêm những bạn học của mình tham gia vào tệ nạn ma túy, thậm chí hoạt động phạm tội về ma túy.

Để ngăn chặn các loại ma tuý mới xâm nhập vào giới trẻ, cùng với các biện pháp đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma tuý, triệt phá các đường dây, ổ nhóm chế xuất, mua bán, vận chuyển các loại ma tuý mới, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước các loại ma túy; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma tuý, cũng như kỹ năng phòng tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma tuý cho học sinh, sinh viên.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO