Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 10:52 GMT+7

Cảnh giác với thủ đoạn dụ dỗ đưa người xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh trái phép

Biên phòng - Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, lao động, đoàn tụ gia đình... nên thời gian qua, các đối tượng tội phạm tăng cường tổ chức đưa người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép. Hoạt động trên diễn ra rất phức tạp, tác động tiêu cực tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân cũng như hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, BĐBP Điện Biên phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên tiếp nhận từ lực lượng Công an Lào các nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài. Ảnh: Gia Minh

Chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, tin tưởng vào những thông tin hấp dẫn mời chào, không ít lao động vẫn bị "mắc bẫy" các đối tượng.

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam di cư, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia giáp biên giới với Việt Nam như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar... với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần chứng minh tài chính, bằng cấp, thủ tục nhanh gọn. Sau khi công dân Việt Nam được đưa ra nước ngoài, sẽ được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại các khu biệt lập, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, cắt liên lạc với gia đình, người thân, bị thu giữ hộ chiếu, ép buộc ký hợp đồng lao động và cưỡng bức làm việc, nếu muốn nghỉ việc sẽ phải đền bù một số tiền lớn. Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng chính sách miễn thị thực ở một số nước, hoặc qua con đường du lịch, thương mại, học tập để “gom” người xuất cảnh hợp pháp, sau đó, tổ chức cho trốn ở lại hoặc xuất cảnh bất hợp pháp đi nước thứ ba”.

Tìm hiểu về tình hình tội phạm và những thủ đoạn đưa người ra nước ngoài trái phép hiện nay, chúng tôi được biết, nhiều đường dây tội phạm tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép đã được hình thành, với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài. Địa bàn hoạt động của các đường dây này rất đa dạng từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, nhiều nước châu Âu, Mỹ, Canada... Các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép sẽ thường tập trung lôi kéo, dụ dỗ những người trong độ tuổi lao động, không có việc làm, có người nhà lao động ở nước ngoài, có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài...

Quá trình liên lạc, thỏa thuận, các đối tượng thường sử dụng sim rác, qua tài khoản mạng xã hội ẩn danh, giao dịch chuyển, nhận tiền trực tiếp, không có biên nhận, biên bản hoặc qua tài khoản ngân hàng mang tên người khác, qua các dịch vụ chuyển tiền trung gian... Hành trình xuất cảnh trái phép ra nước ngoài bằng cả bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không. Về phía người dân, bên cạnh nhiều trường hợp bị lừa đảo, lôi kéo trở thành nạn nhân, cũng có rất nhiều trường hợp chủ động kết nối với các đối tượng trong đường dây phạm tội để xuất cảnh trái phép, sau đó trở thành nạn nhân và chịu hậu quả nặng nề.

Nhiều người vẫn sập bẫy

Nghe quảng cáo trên mạng xã hội về công việc là lao động chân tay, không phải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Thông tin này đã đánh vào tâm lý “việc nhẹ, lương cao” nên nhiều người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, thậm chí cả các xã nội địa cũng bị “sập bẫy”. Không ít người lao động thiếu kiến thức, thiếu thông tin liên quan đến các quy định về xuất khẩu lao động, nhưng lại muốn đi nhanh với chi phí thấp nên đã tìm đến các đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp và tự biến mình trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo.

Trong số các nạn nhân, có cả các cháu nhỏ dưới 3 tuổi. Ảnh: Gia Minh

Đơn cử, ngày 9/4/2024, lực lượng BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tại Hà Nội đã giải cứu thành công 4 nạn nhân từ đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào) về nước qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Trong số 4 công dân được giải cứu có 3 nam, 1 nữ (2 nạn nhân quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, 1 nạn nhân quê ở tỉnh Thái Nguyên và 1 nạn nhân quê ở tỉnh Bến Tre). Trước đó, những nạn nhân này đã bị các tổ chức tội phạm mua bán người dụ dỗ, lôi kéo làm việc văn phòng ở đặc khu kinh tế Bò Kẹo với mức lương 30 - 40 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi các nạn nhân đã bị sập bẫy, chúng bắt ép làm việc với hình thức sử dụng các tài khoản ảo trên App Price, App Walmark, Facebook, Zalo... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam và người Trung Quốc. Hằng ngày, chúng bắt các nạn nhân làm việc từ 13 đến 15 giờ, nếu không đủ chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, chích điện, hành hạ, tra tấn về thể xác, tinh thần, yêu cầu nạn nhân gọi cho người nhà đòi tiền chuộc từ 200 - 300 triệu đồng. Vì quá lo lắng, nên một số gia đình nạn nhân đã nộp tiền chuộc, song các đối tượng lừa đảo vẫn tiếp tục đưa các công dân này bán cho công ty lừa đảo khác ở đặc khu kinh tế Bò Kẹo để lấy thêm tiền.

Mới đây nhất, ngày 23/4/2024, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP giải cứu thành công cháu gái 13 tuổi bị lừa bán ra nước ngoài về tới cửa khẩu quốc tế Cầu Treo an toàn. Nạn nhân là cháu Lò P.L, dân tộc Thái, quê ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Theo lời khai của nạn nhân, tháng 9/2022, cháu L quen một người phụ nữ qua Facebook, bị dụ dỗ, lôi kéo và bị lừa bán sang Myanmar. Sau đó, chúng bắt ép cháu lao động vất vả. Đến tháng 12/2023, cháu lại bị các đối tượng bán cho một công ty Trung Quốc ở đặc khu kinh tế Bò Kẹo. Ở đây, cháu bị ép lao động, làm việc vất vả, nếu muốn thoát khỏi đây, các đối tượng yêu cầu cháu thông báo với gia đình đưa số tiền chuộc là 10.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 350 triệu đồng). Cháu L đã tìm cách viết đơn kêu cứu tới BĐBP Hà Tĩnh. Sau khi giải cứu thành công cháu Lò P.L, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tiếp tục phối hợp mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng trong đường dây và bàn giao cháu cho Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tại Hà Nội để hỗ trợ tâm lý, sức khỏe trước khi bàn giao cháu cho gia đình.

Đại tá Bùi Hồng Thanh, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh khuyến cáo: “Qua những vụ việc trên đã có thêm lời cảnh báo về nạn lừa đảo xuất khẩu lao động. Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ, nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh; có ý thức cảnh giác, nắm và nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo. Khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài, người dân cần liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín có giấy phép lữ hành quốc tế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục; không nghe và làm theo các đối tượng môi giới, tổ chức để được xuất cảnh hợp pháp”.

Trần Hoàng Anh

Bình luận

ZALO