Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 04:10 GMT+7

Câu lạc bộ 100 triệu từ cây sắn

Biên phòng - Những câu chuyện về sự đổi thay nơi đôi bờ sông Sê Pôn, không thể không nhắc đến cây sắn (mì), một loại cây nông sản chịu được khô hạn nơi dải đất miền Trung khắc nghiệt. Trong 10 năm qua, trên mảnh đất vùng Lìa (Quảng Trị), diện tích trồng sắn tăng gấp 15 lần, mang về gần 200 tỷ đồng cho nhà nông sau mỗi niên vụ. Từ đây "Câu lạc bộ 100 triệu đồng" ra đời tập trung những hộ gia đình trồng sắn giỏi nhất trong vùng...

400x322_11b-1.jpg
Chị Nguyễn Thị Cẩm chăm sóc nương sắn của gia đình mình. Ảnh: Thảo nguyên
 
"Mái nhà chung" của người trồng sắn

Nếu nói đến 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển nông nghiệp thì Quảng Trị có lẽ chỉ được thụ hưởng trọn vẹn vế thứ ba. Nói đến mảnh đất Quảng Trị là nói đến sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng với sự cằn cỗi của đất đai canh tác. Do bà con nông dân vùng Lìa hiểu rất rõ về khả năng sinh trưởng của cây sắn nên khi được tiếp cận, bà con nhận thức được rằng, đây chính là loại cây kinh tế mũi nhọn phù hợp để phát triển.

Tuy nhiên, do tập quán canh tác còn lạc hậu, mang tính tự phát nên thời gian đầu, cây sắn cũng chỉ mang đến cho nhà nông nơi đây "của ăn" chứ chưa thể tính đến chuyện "của để". Cây sắn trồng trên đất đai cằn cỗi, không được cải tạo nên củ sắn nhỏ, năng suất thấp.

Vấn đề đặt ra ở đây là tính bền vững của loại cây nông sản rất có ưu thế này và sự cần thiết là tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và nhà máy với nhau. Trước yêu cầu đó, Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa ra đời, mở ra triển vọng mới cho người nông dân ở vùng Lìa, Quảng Trị.

Sau ngày đi vào hoạt động, Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa đã triển khai ý tưởng thành lập một "mái nhà chung", để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình sản xuất sắn bền vững, áp dụng khoa học, kỹ thuật; phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mình, đồng thời cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà máy. "Mái nhà chung" ấy có tên gọi là "Câu lạc bộ 100 triệu đồng".

Để gia nhập vào Câu lạc bộ (CLB) đặc biệt này, có hai tiêu chuẩn đề ra gồm: Hộ gia đình phải có sản lượng sắn trong năm đạt 70 tấn hoặc thu nhập trên 100 triệu đồng; hai là có ảnh hưởng với cộng đồng trong việc khuyến khích bà con phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt. Ra đời năm 2009 với 12 thành viên, "CLB 100 triệu đồng" luôn dành nhiều ưu tiên cho các hộ gia đình đáp ứng đủ hai tiêu chí nói trên. Người dân cần cái gì, nhà máy sẽ cung cấp cái đó: Từ phân bón đến cây giống, kỹ thuật canh tác.

Thậm chí trong thời gian đầu, các loại nhu yếu phẩm, lương thực, vật dụng trong gia đình cũng được nhà máy chuyên chở miễn phí cho người dân từ thị trấn Khe Sanh vào đến bản. Mùa lũ về, nhà máy sẽ có chính sách ưu tiên thu mua trước đối với những hộ có sắn bị ngập, đồng thời động viên người dân vùng chưa bị ngập thu hoạch sắn muộn hơn, giảm sự quá tải cho nhà máy, tránh hư hỏng. Khi đến kỳ thu hoạch, các thành viên của CLB sẽ được ưu tiên thu hoạch trước để kịp triển khai cho niên vụ sau.

Tính hiệu quả của CLB được thể hiện rõ nét qua con số, sản lượng sắn vùng Lìa tăng nhanh qua từng năm. Năm 2004, toàn vùng chỉ có 300ha thì nay diện tích đã tăng lên gần 4.500ha (Hướng Hóa 4.000ha, Đakrông 500ha). Công suất nhà máy từ 50 tấn sản phẩm/ngày, giờ đã tăng lên con số 200 tấn/ngày (tương đương với 700 tấn củ tươi/ngày, đêm). Bình quân mỗi năm người trồng sắn ở Hướng Hóa và Đakrông thu về gần 200 tỷ đồng. Riêng với "CLB 100 triệu đồng", qua 5 niên vụ, đến nay, số thành viên đã lên tới 70 hộ gia đình. Có những thành viên "chạm" ngưỡng sản lượng lên tới 167 tấn, tương đương mức thu nhập gần 300 triệu đồng.

Cây kinh tế mũi nhọn

Qua 5 năm là thành viên của CLB, gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm (thôn Thuận Hòa, xã Thuận, huyện Hướng Hóa) không chỉ trồng được nhiều sắn, mà còn phát triển chăn nuôi và làm dịch vụ. Từ chỗ tay trắng, năm 1998, gia đình chị Cẩm vào đây theo diện kinh tế mới, trong tay chỉ có vỏn vẹn 5 ngàn đồng. Số tiền này, lúc đó chỉ đủ mua 3 cái cuốc, 2 cái rựa, 2 cái xẻng để có dụng cụ đi... làm thuê.

Nhờ chịu thương, chịu khó, chắt chiu tiết kiệm, gia đình chị đã mua được mảnh đất 2ha để trồng sắn với niềm hy vọng cuộc sống sẽ ổn định hơn. Đất không phụ lòng người, vườn sắn của gia đình chị Cẩm mấy mùa liền cho năng suất cao, nhờ đó, diện tích và sản lượng không ngừng được tăng lên. Đến nay, gia đình chị Cẩm đã có 6ha đất trồng sắn, mỗi năm thu hoạch được gần 150 tấn, đạt mức thu nhập hơn 250 triệu đồng/niên vụ.

Chị Cẩm vui vẻ cho biết: "Liên kết với nhà máy, tham gia vào "CLB 100 triệu đồng", nhà nông được hưởng lợi nhiều thứ. Bên cạnh môi trường phát triển kinh tế thuận lợi, các hội viên có con học giỏi hàng năm còn được nhà máy khen thưởng. Hội viên sản xuất giỏi được cử đi tập huấn, tham quan các mô hình làm kinh tế hiệu quả ở cả trong nước và nước ngoài...".

a8ze_11a-1.JPG
Xe chở sắn của các thành viên "CLB 100 triệu đồng" nhập sản phẩm về nhà máy.
 
Để tìm hiểu sâu hơn câu chuyện về cây sắn ở vùng Lìa, Quảng Trị,  chúng tôi tìm vào bản Úp Ly II, xã Thuận, huyện Hướng Hóa gặp gỡ trò chuyện với ông Hồ Văn Lương, người dân tộc Vân Kiều, một hội viên của "CLB 100 triệu đồng". Chỉ vào căn nhà đang xây dở bên cạnh chiếc nhà sàn kiên cố của gia đình, ông Lương vui vẻ tâm sự: "Cả nhà giờ đã đủ ăn, đủ mặc rồi, mình lấy tiền xây thêm một căn nhà, để dành nơi ở sau này cho cậu con trai 12 tuổi đấy.

Mặc dù cái nghề trồng sắn đã đến với Úp Ly II từ rất sớm, song, trước khi nhà máy xuất hiện ở Hướng Hóa, mức thu nhập của cả gia đình tôi chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng/năm thôi. Nay thì khác rồi, nhờ nhà máy sắn, tôi được học hỏi cách trồng sắn hiệu quả hơn, được hỗ trợ từ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến cả việc đầu tư phân bón nữa. Gia nhập vào "CLB 100 triệu đồng", gia đình tôi đã có vườn sắn 3ha, mỗi năm thu hoạch được 150 triệu đồng.

Số tiền này đủ để chăm lo cho cuộc sống gia đình, con cái ăn học đến nơi đến chốn". Ông Hồ Văn Lương còn cho biết thêm, thấy nhà ông tham gia vào CLB, cả bản ai cũng muốn vào. Các hộ gia đình quyết tâm thoát nghèo. Bà con tăng cường giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh tế nên sau mỗi năm, số thành viên "CLB 100 triệu đồng" lại tăng lên.

Với vùng Lìa, giờ đây cây sắn không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu. Việc duy trì "CLB 100 triệu đồng" đã giúp cho bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về mặt kỹ thuật canh tác cây sắn đạt được hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn.
Thảo Nguyên

Bình luận

ZALO