Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 02:37 GMT+7

Cây nêu trong đời sống người Việt

Biên phòng - Cây nêu với nhiều dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam ta có một vị trí đặc biệt, không chỉ để trừ ma quỉ mà còn là biểu tượng của cây vũ trụ, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Bởi vậy, cây nêu không chỉ được trồng trong ngày Tết, còn được trồng trong những dịp trọng đại của cộng đồng, như: Lễ tiễn Táo quân của người Kinh, hội Lồng tồng, tức hội xuống đồng của người Thái, Tày..., hội Gầu tào, tức hội cầu tự của người Mông, hội Mừng mùa măng mọc của người Khơ Mú...

 2038.gif
 Lễ hội Đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Internet

Dân tộc Kinh dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (là ngày Táo quân về trời), với quan niệm rằng từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, đến ngày 7 tháng Giêng Âm lịch mới làm lễ hạ cây nêu.

Trong lễ hội mừng mùa măng mọc của người Khơ Mú, thường tổ chức vào mùa xuân hàng năm, trung tâm của hội là biểu tượng Cây quấn hoa, được làm bằng một cây chuối còn tươi có cắm nhiều loại hoa rừng như: Hoa đào, hoa mận, hoa mơ trắng tinh, hoa vông đỏ rực, hoa mạ mầu vàng, hoa ban tượng trưng cho núi rừng. Trên cây quấn hoa còn treo những con giống đan bằng tre, nhuộm màu xanh đỏ và treo những hạt ngũ cốc như: Lúa, ngô, đỗ... tượng trưng cho muôn loài chờ gieo xuống bản làng, sinh sôi, nảy nở. Trong ngày hội, trai gái nắm tay nhau sôi nổi trong các điệu dân vũ truyền thống như: Tăng bu, tăng bẳng, hưn mạy... và cùng cất cao tiếng hát bài dân ca Phôn xtốc “mưa rơi”. Cây quấn hoa không chỉ là hình ảnh của cây vũ trụ mà còn chuyên chở những ước mơ cháy bỏng của con người về một cuộc sống mãi mãi sinh sôi, ấm no hạnh phúc, khát vọng chinh phục và làm chủ thiên nhiên.

Hội Gầu tào của người Mông Tây Bắc, mà bản chất của hội này là cúng thần núi, cầu tự của những người hiếm muộn con cái, mong thần núi ban phúc cho có con trai nối dõi. Vào dịp Tết, chủ nhà dựng cây nêu bằng một cây tre có treo những dải vải đỏ, giấy bản, quả bầu khô đựng nước, chiếc khèn... Khi dân bản đến dự đã đông, chủ nhà hát kể về nỗi khổ hiếm muộn con, cầu xin thần núi ban phúc và cảm ơn bà con đã đến chia sẻ, chúc phúc. Trai gái cùng vui, đua tài trong các trò chơi cổ truyền như: Đua ngựa, múa khèn, đẩy gậy, ném pao, hát dân ca... Kết thúc hội, cây nêu được hạ xuống làm dát giường cho đôi vợ chồng cầu tự.

Hội Lồng tồng, tức hội xuống đồng của bà con người Thái, Tày... ở Tây Bắc, thường tổ chức vào tháng Giêng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cây nêu được treo những hạt giống như: Ngô, đỗ, lúa, bông... giấy màu. Trong ngày hội không thể thiếu nghi thức tung còn vòng. Cây còn làm bằng một cây tre tươi cao khoảng 10 đến 15m, trên ngọn có treo một vòng tròn đường kính độ 60cm. Người tham dự hội đều cố gắng tung quả còn vào trúng vòng vì cho đó là điềm may mắn. Thầy mo bao giờ cũng làm lễ cúng cây còn, cầu xin các đấng siêu nhiên phù hộ cho dân bản. Quả còn của người Thái mô phỏng Rồng còn, tức hồn của cải. Quả còn làm bằng vải to bằng vốc tay, khâu thành hình vuông bằng vải màu, trong có hạt ngũ cốc, muối ăn... Chính giữa quả còn được buộc dây và các tua như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa. Người tung còn bay lên mang theo những hạt giống và bao ước mơ, mong gieo xuống bản mường, nẩy nụ, đơm hoa kết trái.

Trên Sàn hoa Hạn khuống của người Thái Tây Bắc, bao giờ cũng có 5 cây nêu làm bằng 5 cây tre để cả ngọn, được treo những con ve, chim, hoa quả, hạt giống... Cây chính giữa được gọi là "Lắc sáy cốc”, tức là cây gốc, bốn cây còn lại ở bốn góc sàn. Sàn hoa Hạn khuống như đất trời thu nhỏ, ươm những mùa hò hẹn lứa đôi.

 Cây nêu của người dân tộc Gia Rai và Ba Na... Tây Nguyên được dựng lên để tế thần linh trong trong lễ hội đâm trâu, cầu mong mùa màng tươi tốt được tổ chức từ đầu tháng 12 cho đến tháng 3 âm lịch. Cây nêu được coi là cây thần chuyên chở thông điệp của cộng đồng gửi tới thần linh. Sau lễ cúng dựng cây nêu, trâu được cột chặt phải chạy vòng quanh cây nêu, mọi thành viên trong cộng đồng nhảy múa xung quanh...

Cây nêu của mỗi dân tộc tuy có những hình thức khác nhau, song cùng với sự phát triển xã hội, cây nêu mang nhiều ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Dựng nêu ngày Tết như một sự khẳng định sự hiện diện của con người trên thế gian, cầu mong con người có đủ sức mạnh, tài trí và niềm tin để trừ ma, quỷ cùng những thế lực hắc ám; thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, giải trừ những điều xấu, không may mắn của năm cũ. Đồng thời, cây nêu còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, mong muốn hòa hợp với tự nhiên thông qua yếu tố tâm linh, hướng tới một ngày mai tươi sáng hơn.

Trần Vân Hạc

Bình luận

ZALO