Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 07:55 GMT+7

Chặng đường mới trên biên giới Việt - Trung

Biên phòng - 71 năm qua, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng đã luôn được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp vì nguyện vọng thiết tha và lợi ích của nhân dân hai nước, hợp với xu thế chung của thời đại là hòa bình, hợp tác, cùng phát triển. Từ nền tảng đó, mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đến nay đã nâng tầm lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Quan hệ quốc phòng ngày càng được đẩy mạnh, đi vào thực chất và là một trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, mở ra một chặng đường mới với nhiều kỳ vọng trên biên giới hôm nay.

BĐBP Quảng Ninh (Việt Nam) và BĐBP thành phố Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức tuần tra song phương trên sông Bắc Luân năm 2021. Ảnh: Xuân Hùng

Quan hệ quốc phòng hữu nghị

Từ năm 2017 đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết gần 100 văn kiện hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý là: “Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng” giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm 2025; “Hiệp định khung hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền” giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc; “Thỏa thuận hợp tác biên phòng” giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc... Những nội dung đã ký kết và thống nhất giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đã được các cấp thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều nhận thức chung về củng cố và thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện.

Có thể thấy, hoạt động hợp tác quân sự diễn ra rộng khắp, sôi nổi từ trên đất liền ra hướng biển, giữa BĐBP, Hải quân và Cảnh sát biển hai nước... Trên biển, thực hiện Thỏa thuận “Về tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ giữa Hải quân QĐND Việt Nam và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”, Hải quân hai nước thống nhất lập văn phòng đại diện của mỗi bên để phối hợp giải quyết công việc. Đồng thời, tiến hành tuần tra liên hợp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, góp phần duy trì trật tự, an ninh trên vịnh Bắc Bộ, đảm bảo cho ngư dân hai nước khai thác hải sản thuận lợi.

Cùng với Hải quân, lực lượng Cảnh sát biển hai nước cũng tổ chức các hoạt động kiểm tra liên hợp nghề cá trên vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ. Mục tiêu là góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, vừa tuần tra, vừa kết hợp luyện tập tình huống tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền của nhân dân hai nước gặp sự cố. Hai bên đã phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật, nguyên tắc ứng xử trên biển, quy định hoạt động trong vùng đánh cá chung và tặng cờ Tổ quốc, áo phao cho ngư dân.

Trên biên giới đất liền, các cuộc diễn tập phòng, chống khủng bố, thiên tai, cứu trợ thảm họa và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được lực lượng bảo vệ biên giới hai nước tổ chức thường xuyên. Năm 2015, cuộc diễn tập chống khủng bố mang tên “Sông Hồng 1” lần đầu tiên được tổ chức tại Lào Cai. Năm 2016, có đến 3 cuộc diễn tập được triển khai như Diễn tập phòng chống khủng bố “Sông Hồng 2” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai/ Lào Cai - Hà Khẩu/ Vân Nam; “Diễn tập liên hợp chống khủng bố và xử lý tình huống đột xuất” tại cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái/ Quảng Ninh - Đông Hưng/ Quảng Tây; Diễn tập liên hợp chống khủng bố “Thiên Thanh” tại cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy/ Hà Giang - Thiên Bảo/ Vân Nam. Năm 2017, hai bên tiếp tục Diễn tập liên hợp chống khủng bố tại cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng/ Lai Châu - Kim Thủy Hà/ Vân Nam.

Gần đây nhất, năm 2018, hai bên đã tổ chức “Diễn tập chung về cứu trợ thảm họa, dịch bệnh ở khu vực biên giới Việt - Trung” tại Tà Lùng/ Cao Bằng - Thủy Khẩu/ Quảng Tây. Chương trình là cơ hội để quân y hai nước giao lưu, trao đổi chuyên môn, học thuật... góp phần mở rộng quan hệ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho quân nhân và nhân dân mỗi nước. Đại tá Trình Lê Dương, bác sĩ Bệnh viện Quân khu Quảng Châu, Trung Quốc phát biểu: “Được tham gia hoạt động lần này là niềm vinh dự và tự hào của bản thân tôi. Hai nước chúng ta từ xưa đã có sự gần gũi và hiểu biết rất rõ về nhau”. Còn Đại tá Vương Thụ Thiên, Bộ Bảo đảm hậu cần Quân ủy Trung ương Trung Quốc thì khẳng định: “Chúng ta có thể thấy thông qua hoạt động này, sự hợp tác giữa hai bên ngày càng được tăng cường, sự giao lưu giữa hai bên ngày càng mạnh mẽ”.

Giao lưu biên giới hài hòa

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, các cửa khẩu luôn trong không khí nhộn nhịp giao thương, du lịch... Về cơ bản, hai bên đã phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới và triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân. Quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc và nhân dân biên giới hai nước đã có những bước tiến mới.

Từ năm 2013, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành tiến hành cải cách thủ tục hành chính, cũng như nâng cấp cửa khẩu, lối mở, kéo dài thời gian thông quan... tạo điều kiện cho nhân dân hai nước làm ăn, phát triển kinh tế. Hữu nghị, thân thiện, hài lòng... cũng là các tiêu chí được BĐBP Việt Nam và Công an Biên phòng Trung Quốc cùng các lực lượng chức năng khác luôn đặt lên hàng đầu và nỗ lực từng ngày để làm tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, có những cặp cửa khẩu song phương đã và đang được mở, đơn cử như cặp cửa khẩu Chi Ma/ Lạng Sơn - Ái Điểm/ Quảng Tây, cho thấy quyết tâm của hai bên trong tăng cường hữu nghị, hợp tác thương mại. Như vậy, đến nay, tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã có 32 cặp cửa khẩu, trong đó, có 8 cặp cửa khẩu quốc tế.

Đặc biệt, cần kể đến hiệu quả đáng trân trọng của 6 kỳ Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. “Hoạt động này đã cho bạn bè quốc tế thấy được quyết tâm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thúc đẩy kinh tế biên giới phát triển của hai nước. Có thể nói, những năm gần đây, Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc được tổ chức đã góp phần mở rộng quy mô hợp tác kinh tế thương mại, thúc đẩy sự giao thương giữa nhân dân biên giới hai nước. Hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội khu vực biên giới phát triển, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định” - Đại tá La Tân, Tùy viên Quân sự Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Là địa phương đăng cai tổ chức Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: “Sau khi tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5 tại Cao Bằng năm 2018, chúng tôi thấy hoạt động ở hai bên biên giới tấp nập hơn, các sản phẩm nông sản của đồng bào các dân tộc Cao Bằng và các vùng phụ cận được lưu chuyển hàng hóa sang Trung Quốc nhiều hơn và ngược lại, sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc cũng sang Việt Nam đều đặn hơn”.

Tất cả các yếu tố đó đã góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại biên giới, cửa khẩu của hai bên không ngừng tăng trưởng với kim ngạch thương mại chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng. Khu vực biên giới của hai nước đã hình thành nhiều đô thị, khu biên mậu sầm uất. Nhiều hoạt động ý nghĩa như kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên”, giao lưu văn hóa bản địa, giúp nhau phát triển kinh tế..., qua thời gian đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Điều đáng nói là, đồng bào các dân tộc sống hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc từ khi tham gia các hoạt động kết nghĩa đã hiểu rõ hơn về chủ quyền lãnh thổ, vì biên giới quốc gia, ý thức quốc gia, quốc giới cũng như chấp hành các quy định của hiệp định quy chế biên giới, pháp luật của mỗi nước; tích cực tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý. Mỗi làng bản trở thành một đồn - trạm biên phòng, người dân biên giới và lực lượng biên phòng cùng gắn bó, đoàn kết, tạo nên phòng tuyến thép trên biên cương. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định, biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc không chỉ đóng vai trò xác định ranh giới lãnh thổ của mỗi nước mà đã thực sự là không gian hợp tác và phát triển, là cầu nối của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước và nhân dân biên giới.

Nhật Phong

Bình luận

ZALO