Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:35 GMT+7

Chàng trai dân tộc Giáy tiên phong phát triển tinh dầu dược liệu

Biên phòng - Vàng Văn Sưởng, sinh năm 1985, người dân tộc Giáy (hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mường Kim, thôn Cửa Cải, xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) có gần 10 năm trăn trở và khởi nghiệp thành công với việc phát triển sản phẩm tinh dầu làm dược liệu.

x2zt_8b
Khu vực trồng gừng tía của HTX Mường Kim.  Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sự khác biệt tạo nên thành công

Vàng Văn Sưởng khởi nghiệp với lối đi riêng khi đầu tư xây dựng mô hình trồng cây dược liệu kết hợp sản xuất tinh dầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Tuy mới thành lập từ tháng 12-2016, nhưng hiện nay, Mường Kim là một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Bắc núi non trùng điệp, Vàng Văn Sưởng hiểu và nắm rõ được thế mạnh về dược liệu của quê hương mình. Ngay từ những ngày đầu thành lập HTX Mường Kim, anh đã tận dụng những khu đất trống, đồi trọc để trồng thử nghiệm và từng bước nghiên cứu, nhân rộng các loại dược liệu như chù dù, màng tang, ngùng lải, gừng tía. Với tâm niệm, khởi nghiệp được ở vùng non cao trùng điệp này cũng là giúp đỡ bản làng của mình phát triển kinh tế, Vàng Văn Sưởng đã mạnh dạn bỏ vốn ra để mua giống, hỗ trợ kĩ thuật, phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân địa phương, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

HTX Mường Kim giao hạt giống cho bà con và quy hoạch trồng tại 3 xã Pa Cheo, Rèng Thàn, Y Tý, với tổng diện tích 30ha và cam kết tiêu thụ sản phẩm, giá 2.000 – 5.000 đồng/kg. Nhờ sự chủ động từ nguyên liệu đầu vào và các quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh, nên những sản phẩm của HTX Mường Kim luôn đạt chất lượng cao. Theo anh Sưởng, hiện nay HTX Mường Kim duy trì 6 – 10 lao động thường xuyên làm các phần sơ chế như rửa, gọt và chế biến, chiết xuất tinh dầu tại xưởng. Vào thời gian cao điểm, HTX Mường Kim còn thuê 20 - 30 lao động phục vụ trồng trọt và thu hoạch. Mỗi lao động thường xuyên, HTX Mường Kim trả 4,5 triệu đồng/tháng.

Với hơn 10 tấn/tháng sản phẩm khô và 200 lít/tháng sản phẩm tinh dầu, HTX Mường Kim hiện là nhà phân phối thường xuyên cho Công ty dược của Trường Đại học Dược, Công ty các sản phẩm bản địa Sa Pa, HTX Nậm Đăm, Công ty Indochina Trần Anh... HTX Mường Kim cung cấp ra thị trường các loại tinh dầu và các sản phẩm như đương quy, giảo cổ lam, giây giấm, huyết đằng, đìa giản... được nấu cao hoặc phơi khô.

Vàng Văn Sưởng cho biết, thời gian tới, HTX Mường Kim sẽ tung ra thị trường sản phẩm tinh dầu massage trị giải cảm và giảm đau, được pha chế từ các nguyên liệu là tinh dầu tự nhiên. Bên cạnh đó, tinh dầu chù dù trên thị trường đang khan hiếm và loại cây này chỉ mọc ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, thích hợp trồng ở các xã Pa Cheo, Rèng Thàn, Y Tý, Chung Lành Hồ, nên thời gian tới, HTX Mường Kim sẽ đầu tư trồng, chiết xuất và phân phối sản phẩm này.

x64l_8a
Vàng Văn Sưởng, Giám đốc HTX Mường Kim bên lề Gala khởi nghiệp: “Khát vọng khởi nghiệp – Bừng sáng bản làng”. Ảnh: Thùy Trang

Bền bỉ khởi nghiệp

“Đằng sau thành công của HTX Mường Kim là hành trình gần 10 năm trăn trở, mày mò, tìm tòi và thử sức mình. Điểm xuất phát của hành trình cũng là cái duyên và may mắn đối với tôi” - Vàng Văn Sưởng chia sẻ.

Từ năm 2010, Dự án “Nâng cao năng lực tự chủ về sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số” của Oxfam I-ta-li-a (tên gọi trước đây là UCODEP), được triển khai tại xã Mường Vi và Rèng Thàn, trong đó có nội dung “Bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền”. Gia đình anh Sưởng được chọn làm thí điểm. Cán bộ của dự án đã giúp anh dựng vườn thuốc nam và chọn cây gừng tía để thử nghiệm chiết xuất tinh dầu. Gần 10 năm vừa nghiên cứu tìm cách chiết xuất được nhiều nhất lượng tinh dầu, vừa xoay sở tìm đầu ra cho sản phẩm, được anh ví von như hành trình “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Ban đầu, Vàng Văn Sưởng chiết xuất tinh dầu ở quy mô hộ gia đình với nồi đun bằng củi 50 cân/mẻ. Anh chia sẻ: “Tôi không còn nhớ được bao nhiêu mẻ tinh dầu thất bại. Từ năm 2011, mỗi năm tôi thử nghiệm 4 đến 5 lần”. Trải qua nhiều lần thất bại, từ khi trưng cất bằng dụng cụ thô sơ, tốn nguyên liệu, nhân công, cho đến nay, HTX Mường Kim đã có nồi chưng cất tinh dầu đốt bằng điện 3 pha, công suất 3 tạ/mẻ.

Tháng 5-2018, Vàng Văn Sưởng được vinh danh và được tặng Bằng khen của Ủy ban Dân tộc trong chương trình Gala khởi nghiệp: “Khát vọng khởi nghiệp – Bừng sáng bản làng”. HTX Mường Kim được trao tặng Bằng khen của Ủy ban Dân tộc về việc khởi nghiệp phát triển kinh tế bản làng.

Việc tìm cách chiết xuất được nhiều nhất lượng tinh dầu đòi hỏi sự tỉ mẩn và tính kiên trì, còn việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại cần sự nhanh nhạy với thị trường và một quyết tâm cao. Vàng Văn Sưởng còn nhớ như in, kỉ niệm anh và gia đình điêu đứng vì không liên lạc được với khách hàng bên Thái Lan, hậu quả là 500 lít dầu, ước tính trị giá 700 triệu đồng tồn kho. Nhớ về kỉ niệm khó quên đó, anh ngậm ngùi nói: “Đó là một số tiền lớn. Tôi loay hoay và gần như bế tắc. Có lẽ “hữu xạ tự nhiên hương” nên nhiều khách hàng đã tự tìm đến, dùng thử tinh dầu và giới thiệu cho người khác. Khó khăn dần được tháo gỡ, tôi vững tin trên con đường đã chọn”.

Chia sẻ với người trẻ có niềm đam mê khởi nghiệp, anh Sưởng cho biết: “Trước khi đầu tư, các bạn nên tìm hiểu kĩ về nhu cầu của thị trường và tốt nhất là tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng của địa phương nơi mình sinh sống, tận dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ và không ngừng học hỏi, giao tiếp qua internet”.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO