Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 03:30 GMT+7

Chảy mãi sông ơi...

Biên phòng - “Ơi con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa. Ơi con sông thiết tha, ấp ôm bến bờ xứ sở...”. Lời bài hát “Chảy đi sông ơi” của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương cứ thì thầm trong tôi mỗi chuyến ngược xuôi trên dòng sông ấy. Dù rằng, trước khi chảy sang bên kia biên giới, sông Sê San uốn lượn giữa trập trùng đồi núi thác ghềnh, tạo nên “cá tính” thật dữ dội. Sông Sê San không hiền như cảm xúc của người nghệ sĩ, nhưng bên trong nó có một “dòng chảy” vô cùng dẻo dai, mượt mà và ấm áp của những người lính Biên phòng (BP) bảo vệ biên giới để cho đôi bờ được mãi bình yên...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia Chia tuần tra trên sông Sê San. Ảnh: Thái Kim Nga

1. Tôi gọi những người lính Đồn BP Ia Chia (BĐBP Gia Lai) là chủ nhân của dòng Sê San, bởi toàn bộ 7,146km đường biên giới đơn vị này được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ nằm gọn dưới lòng sông. Điều này có nghĩa công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ hệ thống cột mốc và các dấu hiệu trên biên giới của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia Chia phải thực hiện trên dòng chảy ẩn chứa rất nhiều rủi ro và đương nhiên yếu tố an toàn cần được đặt lên hàng đầu.

Thực tế cho thấy, trong suốt 22 năm kể từ ngày được thành lập cho đến nay, Đồn BP Ia Chia luôn chủ động, an toàn trong mọi tình huống, kể cả khi đỉnh lũ đạt đến... ngọn cây, hay ròng rã hơn 1.000 ngày căng mình phòng chống đại dịch Covid-19. Bên dòng sông cuộn sóng, lính BP cần mẫn thực hiện nhiệm vụ- nhịp nhàng như những chiếc thoi đưa để giữ cho biên giới “ngoài thật êm mà trong cũng thật ấm”.

Bên cạnh công tác tuần tra kiểm soát biên giới, có thể nói, công tác đối ngoại BP là nhiệm vụ được Đồn BP Ia Chia triển khai thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao. Nằm bên “cánh gà” cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - một trong những cửa ngõ quan trọng bậc nhất trên vùng Tam giác phát triển, đoạn biên giới Đồn BP Ia Chia quản lý tuy không thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh, nhất là hoạt động qua lại bất hợp pháp. Chính vì lẽ đó, việc triển khai công tác đối ngoại, tăng cường mối quan hệ phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng chức năng bảo vệ biên giới hai bên là hết sức cần thiết. Điều này vừa tạo ra tiếng nói chung trong thế trận an ninh liên hoàn, vừa là “nhịp cầu” kết nối những bờ vui với người dân vùng biên giới, hướng đến mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng nhau phát triển.

Cũng như “cá tính” của dòng sông, đoạn biên giới do Đồn BP Ia Chia quản lý có thời điểm “dậy sóng” bởi thực trạng một bộ phận người dân bị bọn phản động lừa đảo xúi giục vượt biên trái phép sang Campuchia để đi nước thứ ba. Tiếp đến là những trận thiên tai lũ lụt, nhấn chìm nhiều làng mạc dọc hai bên biên giới. Và gần đây nhất là “cuộc chiến” hơn 1.000 ngày căng mình phòng chống đại dịch Covid-19... Những vấn đề liên quan đến an ninh truyền thống và phi truyền thống tác động dồn dập đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với lực lượng chức năng bảo vệ biên giới hai nước, nhưng không hề làm suy giảm ý chí, lòng quyết tâm của những người lính “gác cửa”.

Trong tình đoàn kết, thấu hiểu và sẻ chia, mọi khó khăn, gian khổ đã được lực lượng bảo vệ biên giới hai nước từng bước được giải quyết thấu đáo. Bằng chứng sinh động nhất đó là những ngày biên giới dựng lên “tấm khiên” chặn dịch, hai bên tuy phải “xa mặt” nhưng không “cách lòng”. Mọi thông tin liên quan đến biên giới, hoạt động của các loại đối tượng, diễn biến dịch bệnh được trao đổi cập nhật liên tục 24/24 giờ.

Đặc biệt là sự chia sẻ về lương thực, thực phẩm, cơ sở vật chất, y tế của Đồn BP Ia Chia dành cho hai đơn vị bảo vệ biên giới phía đối diện là bằng chứng sinh động cho tình đoàn kết thủy chung Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững. Chỉ riêng năm 2023, Đồn BP Ia Chia đã hỗ trợ các đồng nghiệp bên kia biên giới số tiền hơn 300 triệu đồng. Cùng với đó là việc duy trì các hoạt động kết nghĩa giữa các khu dân cư hai bên biên giới, hỗ trợ học đường và trợ giúp người nghèo ở ngoại biên... siết chặt vòng tay đoàn kết cùng nhau xây dựng biên giới ổn định và phát triển.

2. Mượt mà, ấm áp - đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến thăm đội công tác địa bàn, Đồn BP Ia Chia, đứng chân trên làng Beng, xã Ia Chia, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Từ mái nhà nhỏ bé này, các “cánh quân” dân vận của đồn BP như Đội Vận động quần chúng, Trinh sát, Phòng chống ma túy và tội phạm, cán bộ tăng cường xã, đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, làng và phụ trách hộ gia đình, ngày qua ngày đồng hành với các chủ nhân đất rừng biên giới bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm.

Không dạt dào, cuồn cuộn như dòng sông biên giới, dấu ấn người lính Đồn BP Ia Chia trong công tác xây dựng địa bàn tựa tiếng đàn T’rưng “thả” vào không gian chiều biên giới một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền tập trung và nhỏ lẻ, tham gia xây dựng củng cố thực lực chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, duy trì các mô hình tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn làng..., cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia Chia tìm đến những thân phận éo le không nơi nương tựa, những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để truyền vào đó nguồn năng lượng tích cực. Câu chuyện của bà Ksor Byơnh (sinh năm 1957) ở làng Beng, xã Ia Chia là minh chứng sinh động.

Hơn 10 năm qua, căn nhà nhỏ của người phụ nữ dân tộc thiểu số Jrai này là địa chỉ quen thuộc của lính BP. Họ tìm đến không phải để giúp bà làm kinh tế (vì bà không còn khả năng lao động) nhưng không có họ chắc chắn bà sẽ khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn “bữa đói, bữa no”. Đều đặn 15kg gạo mỗi tháng được chắt chiu từ tấm lòng người chiến sĩ, cùng với đó là sự trợ giúp ngày công lao động sửa chữa nhà ở, chỉnh trang các công trình điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ y tế chăm sóc sức khỏe... đã tiếp thêm niềm vui cho người phụ nữ đơn thân khi tuổi đã xế chiều. “Nếu không có BĐBP chắc chắn mình sẽ không sống khỏe mạnh như ngày hôm nay. Cảm ơn các con đã luôn bên cạnh giúp đỡ mẹ...” - bà Ksor Byơnh xúc động chia sẻ với chúng tôi như thế.

Đồn BP Ia Chia phối hợp với cán bộ thôn, làng hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật canh tác cây cà phê. Ảnh: Thái Kim Nga

Tình người là sự sẻ chia hết sức nhẹ nhàng, vô điều kiện. Tuy nhiên, với người lính Đồn BP Ia Chia, sự chia sẻ đôi khi cũng cần đến lòng kiên trì và tính quyết đoán. Câu chuyện hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ gia đình ông Rơ Châm Toen ở làng Beng và ông Rơ Lan Kih, làng Nú 2, xã Ia Chia là ví dụ. Đây là những hộ gia đình vừa nghèo, lại vừa thiếu kiến thức trong phát triển chăn nuôi. Nói một cách khác, họ chỉ quen với việc thả rông đàn gia súc chứ không thích nuôi nhốt tập trung. Riêng gia đình ông Rơ Lan Kih kiên quyết nhận tiền chứ không nhận bò vì “nuôi trong chuồng mình không biết phòng chống dịch bệnh thì sớm muộn bò cũng sẽ chết”. Vậy là BĐBP lại phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để bà con tự tin hơn khi mang “mười mấy triệu” về nuôi nhốt, chăm sóc trong vườn nhà.

Đến nay, bò giống của cả hai gia đình nói trên đều đã sinh sản với chất lượng con giống tốt, sức đề kháng cao. Trò chuyện với chúng tôi, ông Rơ Châm Toen cho biết: “Bò giống nhà mình đã đẻ được hai con, giờ mà bán cũng được mấy chục triệu đồng rồi đó. Với mình, đây là số tiền rất lớn, tuy nhiên, theo hướng dẫn của BĐBP, mình đã giữ lại làm giống để phát triển chăn nuôi. Với sự giúp đỡ của BĐBP, chắc chắn vài năm nữa, gia đình mình sẽ ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững...”.

Cần mẫn cống hiến để giữ cho biên giới “trong thật ấm mà ngoài cũng thật êm”, có thể nói, ở nơi con sông “uốn mình” cuộn sóng trước khi chảy sang đất bạn Campuchia có một dòng chảy vô cùng mượt mà, dẻo dai của người lính Đồn BP Ia Chia. Cùng với con sông, “dòng chảy” đó vẫn chảy mãi, chảy mãi theo thời gian.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO