Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 10:35 GMT+7

“Chìa khóa” khởi nghiệp thành công của nữ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Dục

Biên phòng - “Mỗi điển hình tiên tiến là một bông hoa tỏa sáng, tỏa hương về tinh thần đạo đức, ý thức trách nhiệm và sự tận tâm, tận lực cống hiến, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì lợi ích của quốc dân đồng bào; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì cộng đồng, vì xã hội và tỏa sáng tinh thần yêu nước”.

Chị Y Chon (thứ 3, từ phải sang) cùng các chị em trong HTX Dục Nông chuẩn bị nguyên liệu làm sản phẩm thịt heo gác bếp. Ảnh: Thúy Hạnh

Đó là lời phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 vừa qua. Và Y Chon, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đăk Dục, đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dục Nông, người phụ nữ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chính là một trong những điển hình tiên tiến ấy.

Ngọc Hồi là huyện biên giới, nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em. Nhắc đến ẩm thực truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người ta nghĩ ngay đến những món ăn đơn giản truyền thống. Qua “bông hoa rừng” Y Chon, sinh năm 1986, người dân tộc Giẻ - Triêng (thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), những sản vật của đại ngàn như: rượu cần men lá, nếp cẩm, măng khô..., nhất là thịt heo gác bếp được đông đảo người dân trong nước biết đến.

Chị Y Chon bộc bạch: “Trước kia, người Giẻ - Triêng thường săn bắt heo rừng để cúng tế và ăn, nhưng không thể dùng hết trong ngày, nên bà con đã treo thịt lên gác bếp ăn dần, tạo thành món thịt heo gác bếp rất thơm ngon. Giờ đây, bà con chủ động nuôi heo đen, heo sọc dưa thả rông trong vườn nhà, trên rẫy. Thức ăn cho heo là các loại cám gạo, mì, bắp, thân cây chuối, rau lang nên thịt săn chắc. Để heo trở thành sản phẩm hàng hóa, bắt đầu từ năm 2017, HTX Dục Nông đã nuôi hàng trăm con heo đen, heo sọc dưa; chế biến theo phương pháp an toàn (hút chân không), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên các sản phẩm có ghi hạn sử dụng, mã QR để truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin khách hàng. Món thịt heo gác bếp của HTX nay được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường”.

Chia sẻ về cách chế biến thịt heo rừng gác bếp của người Giẻ - Triêng, chị Y Chon nói: “Con heo sau khi mổ, được rửa sạch, lọc thịt, thái ra từng miếng, tẩm ướp các loại gia vị (nước mắm, muối, ớt, hành, tiêu rừng, dầu ăn...), rồi đưa lên gác bếp. Sau một thời gian, khói bếp từ củi bám vào đến chín miếng thịt. Khi khách tới thăm nhà, hoặc mỗi khi tổ chức lễ hội, chủ nhà lại mang thịt heo gác bếp ra đãi khách”. Qua bàn tay đảm đang, khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Giẻ - Triêng, món ăn dân dã này đã được nâng tầm lên thành sản vật.

Chị Y Chon giới thiệu sản phẩm của HTX Dục Nông. Ảnh: Thúy Hạnh

Tạo đà phát triển, giúp phụ nữ thoát nghèo, năm 2019, chị Y Chon đã đứng ra vận động 7 thành viên lập ra HTX Dục Nông (thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục). HTX đã liên kết, tạo việc làm cho 45 hội viên nữ trên địa bàn xã có thêm thu nhập, từ 80-100 triệu đồng/năm. Đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục, chị Y Chon lại đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, vay trên 28 tỷ đồng, giúp cho 584 hộ gia đình có điều kiện đầu tư, phát triển kinh tế. Với số tiền 170 triệu đồng, chị đã tạo mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi heo đen” cho 48 hội viên phụ nữ. Hiện, HTX có chính thức 9 thành viên với mức thu nhập bình quân 2,3 triệu đồng/tháng/người. Đến nay, các sản phẩm của HTX Dục Nông đã có chỗ đứng, thương hiệu, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng ủng hộ.

Sáng kiến chế biến “thịt heo gác bếp” và “rượu ghè men lá” đã được Hội đồng phân hạng của UBND tỉnh Kon Tum công nhận là sản phẩm OCOP năm 2020. Sáng kiến “Thành lập mô hình chợ làng online kết hợp” của chị Y Chon cũng được Hội đồng thi đua “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2022” của Hội LHPN tỉnh Kon Tum công nhận. Ông Võ Văn Út, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi cho biết: “HTX Dục Nông là đơn vị phát triển kinh tế rất tốt từ các sản vật của địa phương. Đặc biệt, đây là HTX mà 100% các thành viên là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, thật đáng được ghi nhận trong việc phát triển kinh tế”.

Hơn 7 năm làm công tác Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục Y Chon cũng luôn chủ động quan tâm đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, kết hợp với các buổi sinh hoạt, chị tranh thủ trò chuyện, chia sẻ với hội viên về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế gia đình. Chị luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các hội viên phụ nữ phản ánh để kịp thời báo cáo cấp trên giải quyết. Chị thường tổ chức buổi đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy xã với hơn 80 hội viên phụ nữ tham gia và hơn 20 nội dung đối thoại. Nhờ giúp nhau cùng vượt khó, đến nay, Hội LHPN xã Đăk Dục đã thu hút hơn 210 hội viên mới vào hội, nâng tổng số hội viên lên 910 người, đạt 100%.

Bà Y Phương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum cho biết: “Giữ vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục, chị Y Chon đã dám nghĩ, dám làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ những cách làm hay, ý tưởng tốt, nội dung gần gũi với cuộc sống, chị Y Chon đã thu hút, tập hợp được đông đảo chị em phụ nữ tích cực tham gia công tác hội, phát triển kinh tế tại địa phương”.

“Chìa khóa” khởi nghiệp thành công của chị Y Chon chính là luôn toàn tâm, toàn ý với công việc. Với những hoạt động tích cực, hiệu quả, chị Y Chon đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp. Đặc biệt, chị Y Chon vinh dự được tham gia Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023, tổ chức tại Hà Nội và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Bằng khen. Đây chính là động lực quan trọng để “bông hoa đẹp đại ngàn” Y Chon tiếp tục nỗ lực phấn đấu, góp phần giúp chị em phụ nữ giảm nghèo bền vững, xây dựng vùng biên ngày một phát triển.

Thúy Hạnh

Bình luận

ZALO