Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 02:49 GMT+7

Chiếm lĩnh thị phần gạo toàn cầu

Biên phòng - 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu cả nước đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng tới 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh: minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu của ngành hàng lúa gạo vẫn là một điểm sáng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản chịu tác động lớn của tình hình lạm phát, ảnh hưởng của nguồn cầu giảm dẫn đến giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Diễn biến thuận lợi này tiếp tục được dự báo sẽ tiếp diễn trong các tháng cuối năm và cho cả năm sau. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm tiếp tục thuận lợi do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, niên vụ 2023-2024, sản lượng gạo toàn cầu đạt mức 523,8 triệu tấn, lượng gạo tồn kho giảm 8,9 triệu tấn so với niên vụ trước. Điều này cho thấy, nhiều thị trường trên thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn, trong đó, Việt Nam có rất nhiều dư địa để tăng tốc xuất khẩu đến thị trường các nước, chiếm lĩnh thị phần.

Cụ thể, trong năm 2023, Philippines sẽ nhập khẩu lượng gạo lên tới 3,9 triệu tấn; Indonesia dự kiến vào khoảng 1,75 triệu tấn, trong đó Việt Nam là nước cung cấp lớn nhất. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc đã tăng từ 10,3% cùng kỳ năm ngoái lên mức 33% trong năm nay...

Thời cơ đã đến nhưng nhiều chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này hay không còn đang phụ thuộc vào chính việc tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn hiện nay của ngành hàng lúa gạo cũng như chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vấn đề đầu tiên cần được tháo gỡ là nắm bắt kịp thời thông tin thị trường để điều tiết lượng hàng xuất khẩu đạt giá trị tối ưu.

Mặt khác, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, giành thị phần xuất khẩu, ngành lúa gạo phải giữ vững năng suất và tăng chất lượng của hạt gạo. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến khâu bảo quản sau thu hoạch – hiện đang là khâu yếu khi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của Việt Nam vẫn cao, từ 10-30% tùy thời tiết của mỗi vụ.

Thực tế cho thấy, hạt gạo Việt Nam tổn thất nhiều về phần giá trị tăng thêm vì chế biến mới được 30%, sấy, hao hụt rất là lớn. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư xây nhà máy chế biến sâu và lưu kho chất lượng cao. Hệ lụy thấy rõ trong quá trình thu hoạch mà có mưa, hạt gạo không được trữ và sấy đảm bảo, khiến chất lượng giảm, đồng nghĩa với giảm giá trị xuất khẩu.

Một “điểm nghẽn” lớn là năng lực logistic hạn chế, gặp thời điểm mùa vụ rộ lên thì không đủ nguồn lực để vận chuyển. Trong khi các nhà khoa học đã chỉ ra, sớm nhất trong vòng 3 tiếng đồng hồ từ lúc thu hoạch, gạo được sấy luôn sẽ có chất lượng tốt, nếu để thời gian quá lâu thì chất lượng sẽ giảm đi rất nhiều. Do đó, logistic là bài toán cần đầu tư bài bản, doanh nghiệp cần phải tiên phong xây dựng hệ thống này để chủ động hoàn toàn trong quá trình vận tải.

Rõ ràng, để tháo gỡ những khó khăn về tín dụng, nguồn vốn, ngành Ngân hàng cần ưu tiên và đồng hành với ngành hàng lúa gạo, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tiếp tục gia tăng giá trị xuất khẩu gạo.

Do vậy, từ nay đến cuối năm, các Bộ, ngành cần đặc biệt quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng với các doanh nghiệp và người trồng lúa để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là các vấn đề về thông tin thị trường, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tăng cường hệ thống logistic, hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến...Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, có đủ nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, mang lại giá trị cao cho ngành nông nghiệp.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO