Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 03:50 GMT+7

Chiến sĩ - Nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh với cây kèn bầu

Biên phòng - Vừa trở về từ Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023, Trung úy Trần Hoàng Oanh (nhạc công của Đoàn Văn công BĐBP) vẫn còn nguyên cảm xúc vui mừng, hạnh phúc khi giành giải Nhì với 2 tiết mục độc tấu kèn bầu: “Nẻo biên cương” và “Hồi tưởng Đà Giang”.

Chiến sĩ - Nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng, nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh cho biết, để chuẩn bị cho cuộc thi này, anh đã ấp ủ, lên ý tưởng từ nhiều tháng qua với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Mặc dù anh vừa tham gia một cuộc thi quốc tế, đó là thi đấu tại Army Games diễn ra ở Liên bang Nga.

“Cuộc thi tại Army Games vượt xa so với khả năng chuyên môn của tôi lúc đó. Vì quá áp lực nên tôi thiếu ngủ trầm trọng, rồi quá trình luyện tập thể dục, thể thao không điều độ nên tôi bị ảnh hưởng dây thần kinh tọa và bị thoát vị đĩa đệm. Cơn đau lưng âm ỉ đã làm giảm sức khỏe và gây cản trở cho tôi trong việc tập luyện” - nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh trải lòng.

Đến với Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023, nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh mang tới 2 tác phẩm với âm hưởng núi rừng biên cương. Tác phẩm “Nẻo biên cương” được nhạc sĩ Cao Xuân Dũng, Lê Minh Cừ cùng Trần Hoàng Oanh sáng tác dựa trên chất liệu các dân tộc miền núi Tây Bắc.

Trong tác phẩm này, Trần Hoàng Oanh đã thể hiện toàn bộ những kỹ thuật độc đáo của kèn bầu, sử dụng lưỡi đơn, lưỡi kép, phi lưỡi, kha lưỡi, gằn họng... và đặc biệt là phần Cadaza được thể hiện xuất sắc, khoe được hết kỹ năng điêu luyện, trình độ biến tấu độc đáo, tinh xảo của người nghệ sĩ...

Tác phẩm thứ hai là “Hồi tưởng Đà Giang” được nhạc sĩ Cao Xuân Dũng viết dành riêng cho kèn bầu và cũng là “món quà” nhạc sĩ dành cho anh - một người con xứ Mường ở Hòa Bình. Tác phẩm đưa người nghe đến với sự huyền ảo của dòng sông Đà, lúc nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc thét gào... Đoạn A có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, ảo diệu, rất khó cho nhạc công thể hiện vì xử lý sắc thái to, nhỏ trên cây kèn là một sự khổ luyện rất dài. Đoạn B được tác giả biến tấu, ly điệu xa, sử dụng các quãng nghịch nối tiếp nhau, tiết tấu phức tạp, nhịp điệu được thay đổi liên tục từ 4/4 qua 7/4, rồi 5/8 đến 7/8 khiến nhạc công phải rất bản lĩnh trong biểu diễn.

“Khi biểu diễn “Hồi tưởng Đà Giang”, tôi cảm tưởng có những lúc không còn điểm trống để lấy hơi ngoài, tuy nhiên, trong quá trình học tập, tôi đã được các thầy truyền dạy kỹ thuật độc đáo của cây kèn bầu, đó là kỹ thuật truyền hơi trong, khi đó, nhạc công có thể thổi một hơi mà khán giả cảm nhận được tôi đang không lấy hơi. Thông qua tác phẩm, tôi muốn gửi gắm tới khán giả thông điệp về dòng sông Đà sẽ không ngừng chảy, qua bao năm tháng vẫn cứ đong đầy, cũng như tình cảm, con tim tôi luôn hướng về Đà Giang, về mảnh đất xứ Mường thân thương” - nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh bộc bạch.

Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh (giữa) động viên 2 nghệ sĩ của Đoàn Văn công BĐBP tham gia Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023. ẢNH: NVCC

Nói về thành công trong cuộc thi này, nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh luôn biết ơn sự giúp đỡ, tạo điều kiện của thủ trưởng Đoàn Văn công BĐBP, sự động viên, thân ái, nghĩa tình của anh em đồng nghiệp trong Đoàn.

“Người mà tôi phải cảm ơn đầu tiên là Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP. Trong suốt thời gian qua, đồng chí đã quan tâm sát sao, ủng hộ không những về mặt tinh thần, mà còn hỗ trợ tôi những điều kiện tốt nhất để đảm bảo sức khỏe. Đồng chí còn chỉ đạo bộ phận hậu cần chuẩn bị từng bữa ăn giàu chất dinh dưỡng để nâng cao thể lực cho chúng tôi sau giờ tập luyện. Ngay khi cuộc thi khai mạc tại Nha Trang, đồng chí đã nhắc nhở tôi phải bám sát, theo dõi các thí sinh của các nhà hát, các đoàn biểu diễn để học hỏi thêm về chuyên môn, về phong cách biểu diễn để rút ra kinh nghiệm xử lý tình huống trên sân khấu” - nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh chia sẻ.

Đến với cuộc thi lần này, nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh đã mang một tâm thế hoàn toàn thoải mái. Mặc dù đó là một cuộc thi lớn, ai cũng sẽ cố gắng mong muốn có giải thưởng cho riêng mình, nhưng với anh, đó là một lần được đi học, được giao lưu, được xem các bậc cha chú, các anh chị thế hệ đi trước trình diễn để bản thân có thể học hỏi được nhiều điều. Và điều quan trọng nhất đối với anh là được chơi nhạc một cách hào sảng và cống hiến.

“Tôi coi đây là sự chiến thắng bản thân, tôi đã chơi với một phong cách mới mẻ, sáng tạo và đã được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Giải thưởng lớn nhất đối với tôi, đó là tình cảm và sự ghi nhận của khán giả. Đó cũng là trách nhiệm của tôi, góp phần cùng các nghệ sĩ duy trì, bảo tồn và phát huy cây kèn bầu Việt Nam trong đời sống âm nhạc hôm nay” - nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh nhấn mạnh.

Trở về từ cuộc thi, nghệ sĩ Trần Hoàng Oanh lại tiếp tục tham gia luyện tập cho chuyến công tác phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình những ngày tới đây. Với anh, được thăng hoa cùng nhạc cụ dân tộc, được đến biểu diễn cho bộ đội và người dân nơi biên cương, hải đảo là nguồn cảm hứng bất tận, dồi dào.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO