Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 11:22 GMT+7

Chính ủy Nguyễn Quang Việt - Người kiến tạo các biện pháp nghiệp vụ Biên phòng

Biên phòng - Chính ủy Nguyễn Quang Việt (tên khai sinh Nguyễn Ngọ, bí danh là Hùng, Phong, Ba Nam), là một vị tiền bối cách mạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh phó Công an nhân dân vũ trang. Ông sinh năm 1917, trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Thượng Hòa, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Chính ủy Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh phó Công an nhân dân vũ trang (1961-1968). Ảnh: Tư liệu

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng sục sôi trong những năm 30 của thế kỷ XX, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, thấy rõ sự tủi nhục của người dân mất nước; nhận thức được lý tưởng và con đường đấu tranh chống thực dân, phong kiến, giải phóng nhân dân, vì thế đã hăng hái đi theo con đường cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Năm 1930, ông tham gia phong trào "Thanh niên dân chủ", hoạt động công khai trong Mặt trận Bình dân ở địa phương. Tháng 11/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông là Bí thư chi bộ xã, kiêm Đội trưởng Đội Tự vệ chiến đấu. Cuối năm đó, ông được bầu làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thái Bình, phụ trách phong trào thanh niên, học sinh và huấn luyện, tổ chức Tự vệ đội, tuyên truyền phong trào Việt Minh ở thị xã Thái Bình.

Đầu năm 1942, thực dân Pháp truy lùng ráo riết cán bộ cách mạng, ông bị địch bắt và bị chúng kết án 20 năm tù khổ sai, ban đầu giam ở Hỏa Lò, sau bị đầy ra nhà tù Côn Đảo. Trong những năm bị tù đày, ông một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, là cán bộ nòng cốt tuyên truyền tư tưởng cách mạng, tổ chức hoạt động bí mật và đấu tranh với bọn cai tù, chống đánh đập dã man, đòi quyền lợi cho tù nhân. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được giải thoát khỏi nhà tù đế quốc. Sau khi ra tù, tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, ông được giao làm Bí thư Chi đội ủy, Chính trị viên Chi đội 18 Sa Đéc. Tháng 1/1947, ông làm Bí thư Trung đoàn ủy, Chính trị viên Trung đoàn 15 và là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Sa Đéc. Cuối năm 1949, ông được Xứ ủy điều lên miền Đông Nam Bộ làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Khu ủy viên Khu 7, Chính ủy Trung đoàn 301, Khu ủy viên Khu ủy miền Đông và Chính trị viên Liên Trung đoàn 301, 310; sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Thủ Biên (tỉnh Thủ Biên là hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa). Đây là thời kỳ cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp diễn ra rất ác liệt, đặc biệt là ở miền Đông Nam Bộ, địa bàn của chiến khu Đ. Không chỉ gian khổ ác liệt trong đánh địch mà còn khổ vì đói, đau (bệnh), nên Chiến khu Đ còn được gọi là chiến khu 3Đ (địch, đói, đau). Địch càn quét ngày đêm, nhổ từng gốc khoai, cướp từng hạt thóc. Dân đói, quân đói. Vì thế mới có những câu ca truyền miệng đến tận sau này: "Con ngậm củ mài, cha nhai củ chuối/Ướt mắt chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai". Chiến khu Đ những năm tháng ấy còn đầy thú dữ, đáng sợ nhất là cọp ba móng hoành hành. Loại cọp này tinh quái và liều lĩnh, cả ngày lẫn đêm, rình bắt người như mèo rình chuột. Gian khổ là vậy, nhưng quân và dân chiến khu Đ vẫn không lùi bước, đoàn kết một lòng, quyết tâm kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Không biết bao lần địch muốn "làm cỏ" chiến khu Đ, nhưng đã thất bại thảm hại. Vì thế, lại có câu: "Khu Đ đi dễ khó về/Lính đi bỏ mạng, quan về mất lon".

Trong chiến công chung ấy, có đóng góp quan trọng của ông, người Bí thư Tỉnh ủy Thủ Biên - Chính ủy Liên Trung đoàn 301-310 Nam Bộ, nhất mực trung kiên, sáng suốt và rất quyết đoán, vừa kiên quyết vừa mềm dẻo. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông được tập kết ra miền Bắc và được giao làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 338. Tháng 11/1955, ông được bổ nhiệm Cục phó Cục Quân báo, Đảng ủy viên Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 8/1958, ông được Đảng, Nhà nước điều chuyển sang Bộ Công an, giữ chức Cục trưởng Cục Bảo vệ cơ quan và Văn hóa của Bộ. Tháng 6/1959, ông được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định bổ nhiệm làm Phó Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, được bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Trung ương và tham gia Đảng đoàn Bộ Công an. Tháng 1/1961, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh phó Công an nhân dân vũ trang và được phong quân hàm Đại tá - vị Đại tá đầu tiên và duy nhất của lực lượng Công an nhân dân vũ trang vào thời điểm đó. Đây cũng là cấp hàm đầu tiên và cấp hàm cuối cùng trong suốt cuộc đời quân ngũ của ông.

Với bản lĩnh vững vàng và kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm phong phú được tích tụ qua nhiều năm đảm đương các cương vị lãnh đạo ở chiến trường Nam Bộ và thời gian công tác trong ngành Công an, Chính ủy Nguyễn Quang Việt bước vào nhiệm vụ mới với lòng tự tin và nhanh chóng thích ứng với môi trường, lĩnh vực công tác mới.

Năm 1959 và những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Phó Chính ủy rồi Chính ủy Nguyễn Quang Việt đã đóng góp nhiều công sức cho sự ổn định, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang và triển khai nhiệm vụ chính trị trong những bước đi ban đầu với nhiều khó khăn. Trên cương vị của mình, ông đã cùng tập thể trước hết chăm lo, củng cố, ổn định bộ máy giúp việc; chỉ đạo các cơ quan Chính trị, Tham mưu, Trinh sát, Hậu cần theo chức năng, nhiệm vụ vừa tập trung tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương (sau đó là Bộ Tư lệnh) chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa củng cố chăm lo xây dựng lực lượng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức ở các cấp, nhất là công tác tư tưởng, công tác cán bộ. Song song với đó là tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị quán triệt nhiệm vụ, xác định trách nhiệm, đẩy lùi những nhận thức lệch lạc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tư tưởng, tạo khí thế phấn khởi thông suốt của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Mặt khác, ông rất quan tâm đến việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu; bố trí cán bộ có trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ, có phẩm chất tốt cho các tuyến biên giới trọng điểm như Lai Châu, Quảng Bình, Nghệ An, khu vực giới tuyến... Riêng về công tác xây dựng Đảng, thời điểm này cơ chế lãnh đạo giữa Trung ương và Đảng đoàn Bộ Công an đối với Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang cũng chưa rõ ràng. Song, ông đã cùng đồng chí Bí thư, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ trao đổi thống nhất và cùng tập thể Đảng ủy ra nghị quyết về chế độ, nề nếp sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng ủy theo từng quý để quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và đề ra chủ trương lãnh đạo quý tới, thực hiện nề nếp chế độ tự phê bình, phê bình. Đồng thời xác định rõ phương hướng xây dựng cấp ủy các tổ chức Đảng trong toàn lực lượng là then chốt, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở đồn Biên phòng là trọng tâm, duy trì nề nếp các chế độ sinh hoạt chi bộ, phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên, tăng cường công tác phát triển đảng.

Công tác tổ chức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới thời kỳ miền Bắc mới bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội bước đầu thu được những thành tựu to lớn; nhưng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh với bọn gián điệp Mỹ câu kết với bọn phản động trong nước, diễn ra phức tạp và gay gắt. Ở biên giới Việt-Lào, chi nhánh Đặc ủy tình báo Trung ương Mỹ, câu kết với bọn phản động Lào, liên tục gây rối, gây bạo loạn. Vùng giới tuyến Vĩnh Linh, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn công khai phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hô hào Bắc tiến. Trên biển, tàu chiến địch rập rình, liên tục tung gián điệp, biệt kích xâm nhập dọc bờ biển từ Vĩnh Linh đến Quảng Ninh. Thời kỳ này, Bộ Tư lệnh có chủ trương đi cơ sở để chỉ đạo trực tiếp. Ông được phân công đi Hải Ninh, địa bàn vùng biển Đông Bắc tỉnh này có nhiều "làng chài nổi" của người Hán sinh sống, làm ăn. Người Hán có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do chính sách tàn bạo của các triều đình phong kiến Trung Quốc trước đây, những người Hán nghèo khổ phải phiêu bạt đi khắp nơi, chủ yếu về phương Nam. Người Hán ở vùng Đông Bắc Hải Ninh sinh sống bằng nghề chài lưới là chính.

Hàng nghìn chiếc thuyền quần tụ lại thành "làng chài nổi" trên biển, "sống vô gia cư, chết vô địa táng". Nghề chài lưới trên biển, nay đây, mai đó rất cơ cực. Lúc trúng vụ, bát cơm, tấm áo thừa thãi. Khi biển động, mất mùa, không kiếm nổi miếng ăn. Đời sống bà con người Hán ở đây phó mặc cho sông nước.

Nhiều vụ gián điệp, biệt kích của Mỹ-ngụy xâm nhập vùng biển Hải Ninh, thường tìm đến những "làng chài nổi" để ẩn náu, sinh sống, chờ thời cơ hoạt động. Giải quyết vấn đề này như thế nào để giúp cho công tác quản lý mặt biển, xây dựng cơ sở tai mắt, phát hiện được kẻ địch và nắm chắc di biến động của các loại đối tượng hoạt động trên biển? Sau nhiều đêm trăn trở, ông bàn bạc với Thường trực Tỉnh ủy (Hải Ninh sau này sáp nhập với khu Hồng Quảng và tỉnh Quảng Yên thành tỉnh Quảng Ninh), vận động người Hán lên bờ, xây dựng thành "làng đánh cá". Được Tỉnh ủy Hải Ninh đồng tình ủng hộ, ông chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh và Đồn Biên phòng đảo Cô Tô tổ chức nhiều đội công tác đến các "làng chài nổi" vận động người Hán lên bờ, dựng "làng đánh cá".

Ông đến làm việc với Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh và chính quyền đảo Cô Tô, đề xuất hỗ trợ người dân kinh phí làm nhà, bố trí những vùng đất thuận lợi cho bà con để lập làng đánh cá. Hằng ngày, các đội công tác vận động quần chúng xuống các thuyền của bà con người Hán, cùng họ ra biển đánh cá, từ đó tuyên truyền chủ trương, chính sách định canh, định cư của Đảng. Tại đây, ông chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang phải thực hiện 3 cùng, đó là: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng Hán với bà con, qua đó tạo niềm tin trong nhân dân. Họ đã cung cấp cho các chiến sĩ nhiều nguồn tin quan trọng, giúp cho công tác bảo vệ an ninh trên biển. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Tô còn giúp hàng trăm ngày công, dựng nhà ở và dựng trường dạy học cho con em họ để từng bước ổn định nơi ăn ở. Chính ủy Nguyễn Quang Việt còn chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh phối hợp với chính quyền đảo tổ chức các "đội tàu thuyền đánh cá thanh niên", vừa ra khơi đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời vận động bà con nuôi trai lấy ngọc, làm hàng xuất khẩu cho Hợp tác xã Thanh Lâm. Đời sống của bà con người Hán ngày càng ổn định, khấm khá, sản xuất liên tục phát triển, từ đó, phong trào bảo vệ trị an biển, đảo cũng đi vào chiều sâu.

Ngày 9/5/1961, một vinh dự lớn đến với đồng bào và chiến sĩ trên đảo Cô Tô là được đón Bác Hồ ra thăm. Bác đến thăm nhiều gia đình bà con trên đảo, từng cơ sở sản xuất và thăm đồn Biên phòng... Đến đâu, Bác cũng vui mừng vì Cô Tô đã thay da đổi thịt, bà con người Hán yên tâm định cư sản xuất và đã vào Hợp tác xã đánh cá mang tên Hải Tiến.

Từ kinh nghiệm tổ chức "làng chài nổi", đưa lên bờ định cư cho bà con trên đảo Cô Tô, Chính ủy Nguyễn Quang Việt bàn bạc với lãnh đạo các tỉnh Hồng Quảng, Hải Ninh, tiếp tục tổ chức nhiều cụm dân cư đánh cá ở các khu vực Bãi Cháy, Hòn Gai, Cẩm Phả... giúp cho công tác quản lý con người, phương tiện, gìn giữ trật tự trên biển và kịp thời phát hiện những vụ vi phạm quy chế biên phòng khu vực bờ biển và hải phận. Mô hình này đã thực sự có hiệu quả trong đấu tranh chống gián điệp biệt kích của Mỹ-ngụy sau này.

Vụ gián điệp biệt kích Mỹ-ngụy xâm nhập vùng biển Hải Ninh đêm 15/7/1963 đã được bà con ngư dân đi biển đánh cá phát hiện, kịp thời báo cho Đồn Biên phòng Cô Tô. Nhận được tin nhân dân báo, đồn đã nhanh chóng báo cáo cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh. Đúng thời điểm ấy, Chính ủy Nguyễn Quang Việt đang có mặt ở Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh để kiểm tra công tác thường trực chiến đấu, ông liền chỉ đạo đưa đơn vị tàu thuyền cơ động, phối hợp với dân quân và đồn Biên phòng trên đảo tổ chức đón lõng, chờ địch tới. Đêm đó, cách bờ khoảng 2km, một tàu lạ thả thuyền cao su chở 7 tên gián điệp biệt kích, bơi vào đảo. Bất ngờ từ các hướng, tàu thuyền của ta lao tới, tóm gọn 7 tên gián điệp biệt kích khi chúng còn chưa kịp xâm nhập. 10 ngày sau, Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh lại lập thêm chiến công mới. Đó là bắt gọn vụ gián điệp biệt kích Mỹ - Tưởng, do tên Thượng tá Trịnh Kỳ Thiệu chỉ huy. Bọn chúng có 26 tên, thuộc Chi đội 3, Trung đội 41, Cơ quan Tình báo Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ở tỉnh Quảng Đông. Âm mưu của chúng là thâm nhập vùng núi Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc), nằm sát biên giới Việt - Trung, với ý đồ xây dựng cơ sở, lập căn cứ, chuẩn bị lực lượng nội ứng, tiếp tay cho Tưởng Giới Thạch chống lại nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đêm 28/7, những ngư dân của "làng chài nổi" năm xưa đã phát hiện 3 chiếc xuồng máy của địch đổ bộ vào bờ biển. Bà con kịp thời báo cho Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh tổ chức lực lượng truy kích, bắt gọn toán này (21 tên bị bắt, 5 tên bị tiêu diệt).

Đại tá Chử Lương Thi, nguyên Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Lai Châu kể về Chính ủy Nguyễn Quang Việt: Những năm đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, địa bàn khu vực ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào do Đồn Leng Su Sìn phụ trách rất phức tạp. Lợi dụng núi cao, rừng rậm, giao thông đi lại khó khăn, bọn phỉ Vàng Chung từ Si Ca Hồ (Lào), thường xuyên vượt biên giới phá hoại, cướp thóc lúa của nhân dân, bắt thanh niên ra rừng theo phỉ. Người dân tộc Hà Nhì ở đây bao đời nay sống theo lối du canh, du cư, hằng năm thiếu đói từ 5 đến 6 tháng. Trước tình hình đó, Chính ủy Nguyễn Quang Việt trực tiếp lên Lai Châu bàn bạc với Tỉnh ủy và chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Lai Châu lập kế hoạch báo cáo và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời làm nòng cốt cùng các cấp, các ngành tuyên truyền vận động bà con dân tộc xuống núi lập bản mới, làm ruộng nước, ổn định đời sống, bước đầu rất thành công, tạo thuận lợi cho việc xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới. Mặt khác, để hỗ trợ cho nhân dân yên tâm định canh, định cư, ông chỉ đạo đưa Đại đội 6, Tiểu đoàn Cơ động 12 của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, phối hợp với Đại đội 2, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu tiến hành truy quét, gọi hàng, tiêu diệt cụm phỉ Si Ca Hồ và tên trùm phỉ Vàng Chung.

Để có cơ sở vận động thuyết phục bà con Hà Nhì xuống núi lập bản, làm ruộng nước, Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo, vận động số thanh niên tích cực ở các bản, cùng với đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng Leng Su Sìn tổ chức thành đội sản xuất, làm thí điểm 2ha ruộng lúa nước. Anh em đã tập trung mọi sự cố gắng, chăm bón đúng yêu cầu kỹ thuật, nên 2ha ruộng lúa nước bước đầu cho thu hoạch rất khả quan. Trong quá trình làm, đồn vận động bà con các dân tộc đến tham quan, chỉ cho họ cách làm. Từ thực tế đó, các đội công tác đến từng gia đình sống rải rác ở các triền núi, vận động bà con xuống thấp, lập thành bản mới, khai phá đất đai làm ruộng nước. Bản mới được ông đặt tên là bản "Đoàn Kết".

Trên cơ sở kết quả thu được của cuộc định canh, định cư ở bản Đoàn Kết, ông chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Lai Châu thực hiện phương thức: Công tác vận động "định canh, định cư", kết hợp với công tác xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và lấy bản Phú Bì làm trước để rút kinh nghiệm. Việc này giao cho Đồn Biên phòng Leng Su Sìn làm nòng cốt. Theo sự chỉ đạo của ông, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu tăng cường thêm Đội Vận động quần chúng cho Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, từ kết quả đạt được ở bản Đoàn Kết, bàn bạc với địa phương, cùng nhau vạch kế hoạch tiến hành từng bước ở bản Phú Bì.

Sau một thời gian lăn lộn vất vả, kiên trì vận động từng gia đình, từng người, các đội công tác cơ sở của tỉnh, của đồn cùng với địa phương đã đưa được 100% số hộ của bản Phú Bì sống trên lưng chừng núi xuống thung lũng định cư, làm ruộng nước và xây dựng hợp tác xã. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính ủy Nguyễn Quang Việt còn trực tiếp gặp Chủ tịch tỉnh, đề nghị hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, để cùng với đồn Biên phòng giúp đỡ bà con. Kết quả là vụ sản xuất lúa nước đầu tiên đem lại kết quả ngoài mong muốn. Tính bình quân mỗi đầu người thu gần một tạ thóc, bà con các dân tộc ai cũng phấn khởi. Từ đó, đời sống của đồng bào bản Phú Bì khấm khá hẳn lên. Bà con tin tưởng vào đường lối, chính sách hợp tác hóa của Đảng, qua đó thúc đẩy phong trào bảo vệ an ninh biên giới ngày càng phát triển. Năm đó, bản Phú Bì được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đại tá Chử Lương Thi kể tiếp: Lấy kết quả của bản Phú Bì, Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Lai Châu đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, phát động phong trào quần chúng làm tốt cuộc Vận động "định canh, định cư" và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi. Địa bàn hai xã giáp biên do Đồn Biên phòng Leng Su Sìn phụ trách, đã trở thành lá cờ đầu của tỉnh về công tác "định canh, định cư" và hợp tác hóa nông nghiệp. Nạn nghiện hút ở đây giảm đáng kể. Các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan dần dần được xóa bỏ. Con em đồng bào các dân tộc có đủ trường, lớp học, từ lớp 1 đến lớp 4. Từ chỗ hai xã chưa có đảng viên, đến năm 1963 đã có hai chi bộ mạnh, với 30 đảng viên. Đội ngũ cán bộ hai xã trưởng thành nhanh chóng, nhiều người sau này trở thành Huyện ủy viên, Tỉnh ủy viên và cán bộ chủ chốt ở huyện. Đặc biệt là, phong trào bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững. Nhiều gia đình đã ra rừng gọi chồng, con, em mình đang theo phỉ, mang súng về nộp cho chính quyền nhân dân, đồng thời chung sức cùng với Đồn Biên phòng Leng Su Sìn truy quét tàn quân phỉ còn sót lại ở Si Ca Hồ. Riêng đồng chí Trần Văn Thọ và Đội Vận động quần chúng của Đồn, được nhân dân giúp đỡ, đã gọi 5 tên phỉ ẩn náu trong rừng ra đầu hàng, bắt 6 tên đặc vụ, thu nhiều vũ khí và tài liệu quan trọng.

Về vấn đề Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo phá "Trại đón tiếp di cư" của địch ở Na-lầm (Lào), Đại tá Chử Lương Thi cho biết: Trinh sát Đồn Biên phòng Mường Mươn (Công an nhân dân vũ trang Lai Châu) phát hiện Lò Văn Giải, Lò Văn Hên, người Thái ở Mường Mươn đã bí mật gặp Quàng Văn Oong, Chỉ huy "Trại đón tiếp di cư" ở Na-lầm. Trinh sát bí mật bắt Lò Văn Giải để khai thác, tìm hiểu ý đồ, thủ đoạn của địch ở "Trại đón tiếp di cư". Qua đấu tranh khai thác, Giải đã nhận là tay chân của tổ chức gián điệp mang tên "Trại đón tiếp di cư", do Quàng Văn Oong, Lò Văn Giót chỉ huy. Giải còn khai, Lò Văn Hên, Lò Văn Sáu, người xã Huổi Lèng, cũng đã từng được huấn luyện ở "Trại đón tiếp di cư" Na-lầm. Hai tên này hiện đang hoạt động ở hướng Huổi Mức, do tên Lùi, nhân viên trong tổ chức gián điệp ở Phong Xa Lỳ chỉ huy. Nhận được báo cáo, Thứ trưởng kiêm Chính ủy Nguyễn Quang Việt trực tiếp lên Lai Châu chỉ đạo lập Chuyên án mang bí số LB2 để đấu tranh với địch.

Quan điểm chỉ đạo của ông là: Lấy chính trị, nghiệp vụ làm gốc, kiên trì thuyết phục hai tên Giải và Hên để tìm hiểu âm mưu thâm độc của kẻ thù, từ đó giác ngộ chúng làm việc cho ta. Thực hiện chỉ đạo của Chính ủy, trinh sát tiếp tục giao nhiệm vụ cho Giải và Hên trở lại "Trại đón tiếp di cư" hoạt động, nắm tình hình quân số, vũ khí và cơ sở của chúng cài trên đất ta để báo cáo cho Ban chuyên án có kế hoạch đối phó với địch.

Kết thúc Chuyên án LB2, ta phát hiện thêm 4 "Trại đón tiếp di cư" khác, là 4 điểm đứng chân của Cơ quan Tình báo Quân đội Vương quốc Lào ở Na-lầm, Rồn-xây, Pù-ta-cọ, Huối-mức (Phong Xa Lỳ), đó là những căn cứ trực tiếp điều khiển bọn phản động Thái - Mèo lưu vong hoạt động phá hoại địa bàn biên giới nước ta. Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo tổ chức nhiều đợt tấn công chính trị vào các địa bàn biên phòng Mường Mươn, Mường Trà, Hua Phe, Thanh Nưa để bóc gỡ đường dây liên lạc địch đã cài cắm, làm trong sạch địa bàn. Qua các đợt tấn công chính trị, ta đã vô hiệu hóa hàng trăm cơ sở địch, bắt 7 tên ngoan cố. Đồng thời, Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Lai Châu phối hợp với lực lượng vũ trang Tây Bắc và Bộ đội Pa-thét Lào tổ chức truy quét, phá vỡ 4 "Trại đón tiếp di cư" của địch.

Trong thực hiện nhiệm vụ, Chính ủy Nguyễn Quang Việt thường lấy lời Bác Hồ dạy trong ngày lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ và làm phương châm sống, chiến đấu cho bản thân mình: "Chống xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của Quân đội, Công an nói riêng và của toàn dân nói chung, là nhiệm vụ mà Quân đội và Công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành tốt được. Ví dụ, một vạn Công an thì có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn chân tay, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu chân tay. Cho nên, chúng ta phải dựa vào nhân dân để hoạt động. Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được"; "Công an phải luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân đều là người giúp việc cho mình, làm thành mạng lưới Công an nhân dân, như thế công tác mới có kết quả".

Trong số những dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì ở miền Tây Quảng Bình có một nhóm người Rục còn cư trú trong hang động, sinh sống bằng nghề hái lượm, săn bắt. Họ lấy vỏ cây sui, cây móc làm quần áo, sống như người nguyên thủy. Ông Trần Kim Giá, Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình ngày ấy đã kể về Chỉnh ủy Nguyễn Quang Việt: Ông là một người rất xông xáo trong công việc, sâu sát thực tế và rất thương dân. Biết được sự việc trên, ông đã vào tận Đồn Biên phòng Ốc Sách để tìm hiểu về người Rục và chỉ đạo Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, đồn Biên phòng cần phải vạch kế hoạch đưa họ về với cộng đồng. Những ngày ở đồn, ông thường cùng tổ công tác ra tận cánh rừng Trường Ròn trùng điệp, có nhiều vách đá và hang động chạy dài sang tận đất Lào để tìm hiểu. Ông muốn tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của họ. Có hôm, ông cùng tổ công tác đã thấy một nhóm người lông lá, hình dạng kỳ lạ, trên người chỉ che một tấm vỏ cây. Vừa thấy ông và đồng đội, họ sợ hãi rú lên rồi thoăn thoắt trèo từ cành cây này sang cành cây khác, biến mất. Nhìn cảnh ấy, lòng ông đau như thắt lại.

Theo sự chỉ đạo của ông, Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình cử một đội công tác vào rừng Trường Ròn để tìm dấu vết người Rục. Nhiều lần đội công tác đã gặp đồng bào đang hái lượm. Nhưng vừa trông thấy các chiến sĩ, họ lại nhanh chóng lủi vào rừng. Không có cách nào để các chiến sĩ tiếp cận được họ. Nhớ lời Chính ủy Nguyễn Quang Việt dặn, cả đội không nản chí, kiên trì lần theo dấu chân nai, chân hoẵng trong rừng, kiên quyết tìm cho bằng được người Rục. Nghe dân bản đồn đại, có một già làng người dân tộc Mày biết nhiều hang động trong rừng mà người Rục đang cư trú. Đội công tác đã tìm đến nhà già làng và nhờ ông dẫn đi tìm người Rục. Lần đầu tiên, các chiến sĩ đã tìm được nơi cư trú của nhóm người Rục. Thấy mọi người đến, họ sợ hãi. Tổ công tác và già làng người Mày giải thích mãi mà họ vẫn không hiểu. Cuối cùng, các chiến sĩ phải cắt máu ăn thề, họ mới tin. Nhưng họ vẫn khăng khăng không chịu xuống núi định cư mà vẫn muốn sống ở trong khu rừng Trường Mã Nghi và Cù Nhái. Hiểu được tâm lý của bà con người Rục, Chính ủy Nguyễn Quang Việt chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình lập bản cho họ ở thung lũng gần cửa hang, cử đội công tác Biên phòng đến cùng sống chung ở "bản mới" với bà con người Rục. Khẩu phần ăn hằng ngày của các chiến sĩ để dành cho người già, người đau ốm và trẻ con; còn các anh và những người trẻ, khỏe ăn củ mài, củ nâu, củ nhúc và rau rừng hái lượm được. Các chiến sĩ xé chăn của mình ra, chia cho dân đắp tạm. Đêm nằm trong lán, các chiến sĩ đắp lá khô như đồng bào; ban ngày cùng bà con đi lao động và săn bắn. Các anh còn vận động thanh niên, trẻ em tắm rửa hằng ngày và vệ sinh nơi ăn ở.

Để hỗ trợ cho bà con và đội công tác, tiếp theo đó, Chính ủy Nguyễn Quang Việt làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, đề xuất một kế hoạch đưa người Rục về với cuộc sống mới. Đồng thời, ông chỉ đạo ngành Hậu cần Công an nhân dân vũ trang hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm, thuốc men, vải vóc, chăn màn cho đồng bào. Từ đó, đồn Biên phòng nhanh chóng giúp đồng bào làm nhà mới cho họ, chấm dứt cảnh "ăn lông ở lổ" trong rừng. Người Rục đêm ngủ đã có chăn của Chính phủ cho để đắp, thanh niên trong bản cắt tóc như bộ đội. Bộ đội cho đồng bào gạo ăn, dạy cho cách nấu cơm, xào thịt, trồng cây lúa nước. Đêm đêm, thanh niên trong bản cùng với các chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Cuộc sống ấm áp bắt đầu tỏa ra từ mỗi căn nhà của người Rục.

Năm 1961, người Rục ở Cù Nhái đã vào hợp tác xã. Cũng năm này, lần đầu tiên trong đời, họ được cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội. Cũng bắt đầu từ đây, ở miền Tây Quảng Bình đã chấm dứt huyền thoại “người nguyên thủy” trên núi rừng Trường Sơn.

Những vấn đề trên, là sự đặc biệt chú ý của ông từ rất sớm trong chỉ đạo xây dựng mô hình "lũy thép biên phòng", "trận địa lòng dân"; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc ở biên giới, làm cơ sở để xây dựng các phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh biên giới. Đây cũng là bài học quý giá mà Chính ủy Nguyễn Quang Việt để lại với tầm nhìn sâu rộng và lòng tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân vùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên phòng. Sau này, tôi nhớ có lần được ông giao nhiệm vụ, chấp bút bài: "Đấu tranh làm thất bại âm mưu của địch lợi dụng dân tộc Mông" để kịp đăng trên tạp chí Công an nhân dân. Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà ông trực tiếp chỉ đạo về công tác xây dựng phòng tuyến nhân dân, công tác định canh, định cư và tổ chức đấu tranh đập tan mọi âm mưu gây phỉ, gây bạo loạn, "xưng vua", "đón vua" của địch.

Công việc đầu tiên đối với công tác Trinh sát Biên phòng, ông quan tâm chỉ đạo là: Khẩn trương lựa chọn, bố trí cán bộ từ Cục Trinh sát đến các tỉnh và đồn Biên phòng. Sau khi thống nhất chủ trương với Tư lệnh Phạm Kiệt, ông đã chỉ đạo Cục Tham mưu, Cục Chính trị phối hợp với Cục Trinh sát, khẩn trương lựa chọn, bố trí ổn định bộ máy ở Cục Trinh sát, lực lượng trinh sát các tỉnh và đồn Biên phòng; xác định và cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của Trinh sát phản gián và Tình báo biên phòng. Các đội công tác Trinh sát cơ động, lần lượt được đưa về các vùng trọng điểm như Hải Ninh (Quảng Ninh), Y Tý-Bát Xát (Lào Cai), Dào San, Phong Thổ (Lai Châu), Mường Xén (Nghệ An), đặc biệt là Giới tuyến quân sự Vĩnh Linh. Mặt khác, ông trực tiếp liên hệ, hiệp đồng với Cục II, Bộ Tổng Tham mưu và Vụ 6, Vụ Bảo vệ Chính trị, Bộ Công an để họ giúp đỡ về nghiệp vụ. Ông bắt tay ngay vào chỉ đạo việc đào tạo cán bộ trinh sát, nhất là cán bộ trinh sát người dân tộc. Lớp Trinh sát đầu tiên mang bí số 100 với 100 học viên phần lớn là người dân tộc. Rồi việc chọn thầy, chưa có thầy nào học qua sư phạm nhưng vẫn phải lựa chọn và bồi dưỡng. Chính ủy Nguyễn Quang Việt đích thân dự khai giảng, bài học đầu tiên do ông lên lớp là những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân đội nói chung, Công an nhân dân vũ trang nói riêng. Để tạo khí thế trong dạy và học, ông đã chỉ đạo phát động phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" trong nhà trường, lồng ghép nội dung "5 tự quản", đã tạo nên yếu tố tự giác cao trong việc dạy và học, chấp hành các chế độ, đã tạo cho những cán bộ trinh sát tương lai những kiến thức, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng. Tốt nghiệp ra trường, các học viên nhanh chóng tỏa về các địa bàn làm nòng cốt cho lực lượng Trinh sát Biên phòng. Sau đó ông chỉ đạo phối hợp với C500 (tiền thân của Học viện An ninh ngày nay), Bộ Công an mở nhiều lớp trinh sát ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu công tác của các địa bàn biên phòng. Nhiều học viên sau khi ra trường đã lập công xuất sắc. Nhiều người sau này trở thành cán bộ chủ trì các cấp trong lực lượng.

Sự chỉ đạo dạy và học của Chính ủy Nguyễn Quang Việt không chỉ dừng ở đó, ngày 31/1/1963, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang quyết định tách trường Bổ túc sĩ quan và Đào tạo hạ sĩ quan, thành lập riêng hai trường: Trường Sĩ quan và Trường Hạ sĩ quan. "Trường Sĩ quan được giao nhiệm vụ đào tạo, bổ túc sĩ quan sơ cấp Biên phòng và nghiên cứu khoa học Biên phòng" (Lịch sử Học viện Biên phòng 1963-2008). Ban Giám hiệu đầu tiên của Trường Sĩ quan có 4 người. Quyền Hiệu trưởng là Trung tá Chu Đốc, quyền Chính ủy là Thiếu tá Cao Thượng Lương. Chính ủy Nguyễn Quang Việt là người trực tiếp phụ trách nhà trường. Ông đã dày công cùng một số cán bộ của các cơ quan và nhà trường đi nghiên cứu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của các trường lớn trong Quân đội, Công an, kết hợp với nghiên cứu thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, bảo vệ các mục tiêu nội địa để cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đề ra chủ trương lãnh đạo sát thực. Ông trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng chương trình đào tạo, bố trí cán bộ, giáo viên, tổ chức giảng dạy, đồng thời với từng bước kiện toàn tổ chức của nhà trường, đáp ứng công tác đào tạo cán bộ của lực lượng ngay từ những tháng đầu, năm đầu đối với nhà trường. Bài phát biểu nhân ngày khai giảng khóa đào tạo sĩ quan quân chính đầu tiên, ông nhấn mạnh: "Đã dạy là dạy hay, dạy thật sự, đã học là học thật tốt và chăm chỉ. Học để làm chủ và có kiến thức để cống hiến, không phải học chỉ để lấy bằng cấp".

Thời gian ông làm việc tại Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang không lâu, nhưng hình ảnh một Chính ủy tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" và những bài giảng thiết thực sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn mà ông để lại vẫn sâu đậm trong tâm trí của mọi người. Với tất cả những người thành đạt hôm qua và hôm nay, ở bất kỳ cương vị nào, vẫn luôn nhớ đến người gieo hạt giống đầu tiên, thầy Nguyễn Quang Việt.

Trong quá trình tìm tài liệu để nghiên cứu biên soạn Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng, chúng tôi tìm thấy một tập hồ sơ "Tổng kết công tác đấu tranh bảo vệ biên giới, giới tuyến và nội địa của Công an nhân dân vũ trang từ năm 1959-1963", do ông Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh phó, lực lượng Công an nhân dân vũ trang làm Trưởng ban tổng kết. Trong tổng kết, đã nêu rõ 58 vụ gián điệp, biệt kích và 35 vụ “xưng vua", "đón vua", gây phỉ, gây bạo loạn, đặc biệt là vụ Châu phà Kỳ Sơn (Nghệ An), kéo dài từ năm 1959-1963, mà Công an nhân dân vũ trang đấu tranh thắng lợi.

Cũng qua tổng kết, đã rút ra 7 kinh nghiệm đấu tranh với bọn phỉ và "xưng vua", "đón vua" ở miền núi. Đồng thời, từ thực tiễn chiến đấu, bảo vệ biên giới của Công an nhân dân vũ trang, ông đã đúc kết thành 4 biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Công an nhân dân vũ trang mà đến hôm nay, đã 56 năm vẫn còn nguyên giá trị, đó là: Trinh sát bí mật; Vận động quần chúng; Tuần tra vũ trang và Kiểm soát hành chính. Trong quá trình phát triển, sau này các nhà khoa học nghiệp vụ đã tổng kết, đưa ra 6 biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Bộ đội Biên phòng. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang - Biên phòng sau này, vẫn trân trọng, ghi nhớ công ơn người đã đưa ra ý tưởng và tổng kết những biện pháp cơ bản ấy, nó trở thành hành trang của họ trong thực hiện nhiệm vụ.

Trung tướng Trịnh Trân kể: Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt không chỉ thông minh, nhạy bén trong chỉ đạo đánh gián điệp biệt kích, tiễu phỉ, mà còn là một "nhà" lý luận về công tác nghiệp vụ, luôn đưa ra những biện pháp và cách đánh sáng tạo. Ông chính là người kiến tạo của 4 biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Công an nhân dân vũ trang. Trong 4 biện pháp nghiệp vụ đó, Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt rất tâm đắc biện pháp Vận động quần chúng. Ông cho rằng, công tác Vận động quần chúng không chỉ là một mặt của công tác đảng, công tác chính trị, mà còn là một biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Công an nhân dân vũ trang; nó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh, bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia. Thực tế qua những năm tháng xây dựng, công tác, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng, đã chứng minh điều đó. Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt thường nhắc chúng tôi, trong đấu tranh với địch, phải biết dựa vào quần chúng cơ bản, phân hóa hàng ngũ địch, tranh thủ tầng lớp trên, tạo sự đồng thuận trong quần chúng, từ đó vạch trần âm mưu thủ đoạn của bọn phản cách mạng. Trung tướng Trịnh Trân kể tiếp: Trong vụ "Châu phà" ở Kỳ Sơn (Nghệ An), khi bọn trùm phỉ Tổng Dinh, Xây Xua, Bả Cân, được kẻ địch từ bên ngoài chỉ đạo đã ngăn cản nhân dân vùng Phà Bún không cho tiếp xúc với cán bộ Biên phòng. Bọn phỉ xây dựng cứ điểm cố thủ, bắt dân sống tập trung xung quanh căn cứ để khống chế và làm hàng rào bảo vệ chúng. Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt chỉ đạo chúng tôi: Lấy chính trị làm gốc, vũ trang làm áp lực, huy động lực lượng bao vây căn cứ phỉ, dùng loa pin vạch mặt âm mưu thâm độc của địch, kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về; đồng thời vận động bà con người Mông ra rừng gọi con, em theo phỉ, buông súng về với gia đình và cuối cùng mới dùng lực lượng quân sự để làm địch tan rã.

Ngôi nhà 8 mái do bọn cầm đầu bạo loạn dựng lên làm nơi trú ngụ, đã bị lực lượng Biên phòng đốt cháy. Ta diệt tại chỗ 20 tên phỉ, bắn bị thương 5 tên khác, số còn lại chạy tan tác vào rừng. Một mặt, ta vận động bà con người Mông ra rừng gọi chồng, con, em bỏ hàng ngũ phỉ về tự thú, tự báo; mặt khác, từ ngày 30-1 đến 14-2-1964, Công an nhân dân vũ trang phối hợp với Bộ đội Pa-thet (Lào) truy quét bọn phỉ cả trong và ngoài biên giới. Các vị trí Pù Xa Bớt, Kèo Bón của phỉ Vàng Pao không còn là nơi trú chân an toàn của bọn phản động nữa. Lực lượng vũ trang của ta và Bạn đã hoàn toàn làm chủ khu vực này. Kết thúc đợt truy lùng, ta đã diệt 200 tên, thu nhiều vũ khí, phá tan các ổ phản động Thái - Mèo lưu vong. Trong vụ "Châu phà", ta đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt cả 4 biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Công an nhân dân vũ trang, được Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt chỉ đạo. Diễn biến và kết quả của chuyên án là cơ sở để sau này tổng kết, rút ra những vấn đề cơ bản của 4 biện pháp nghiệp vụ Biên phòng.

Phía ngoại biên, biên giới Nghệ An những năm từ 1964-1974, tại các huyện Mường Mày, Noọng Hét, Thà Thang (Xiêng Khoảng - Lào) là nơi đứng chân của gián điệp, biệt kích Mỹ và bọn phỉ Vàng Pao. Phía nội biên địa bàn Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn có thể là nơi trú ẩn của gián điệp, biệt kích, xâm nhập phá hoại của bọn phỉ. Quán triệt chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn: "Chủ động tiến công, tích cực phòng ngừa, đẩy mạnh vận động quần chúng, kết hợp với trinh sát bí mật đánh vào nơi trú ẩn của địch". Năm 1967, Đoàn công tác của Chính ủy Nguyễn Quang Việt, có sự tham gia của Cục phó Cục Trinh sát Hà Ngọc Tiếu, Tham mưu phó Trịnh Trân đến Nghệ An làm việc trực tiếp với đồng chí Đinh Văn Tuy - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ty Công an kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang và đồng chí Trương Đình Thảo là Chỉ huy trưởng. Sau khi bàn bạc phương hướng giải quyết tình hình trên, ông đã đến trao đổi, thống nhất với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An. Chuyến đi này của ông được Bộ Công an coi là chuyến đi quan trọng, làm cơ sở chuẩn bị mở chiến dịch K5, đánh phá sào huyệt phỉ Vàng Pao, giúp bạn Lào mở rộng vùng giải phóng tỉnh Xiêng Khoảng, đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới và tăng cường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta. Chiến dịch mở đầu vào cuối năm 1968 và đã giành được những thắng lợi quan trọng. Đập tan các đồn bốt của địch; tiêu diệt và làm tan rã lực lượng phỉ và các toán gián điệp biệt kích của chúng giải phóng một vùng đất rộng lớn cho Bạn với diện tích trên 5.000km2.

Là Chính ủy của lực lượng, ông rất quan tâm đến những vấn đề về chính trị, xã hội ở biên giới, đặc biệt là những vấn đề ấy có quan hệ mật thiết với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Nhiều cán bộ làm việc dưới quyền ông thường nói: "Ông là người rất chú ý lắng nghe, phản ánh từ cơ sở, suy ngẫm những gì đang diễn ra trong các hoạt động của Công an nhân dân vũ trang, từ đó đúc rút thành ý niệm, đặc trưng, có khi trở thành một phương châm công tác, một quan điểm chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới…".

Khi nghiên cứu về xuất xứ khẩu hiệu: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", người viết đã đọc nhiều tài liệu. Rất may, trong hai cuốn sách "Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị Bộ đội Biên phòng - Biên niên" và "Lịch sử Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng" đã tìm ra lời giải. Trong cuốn "Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị Bộ đội Biên phòng - Biên niên" đã ghi: Ngày 8/1/1960, Cục Chính trị ra Chỉ thị số 15/CT, trong đó có nêu, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ thực tế và qua các gương điển hình bám dân, "vì nhân dân phục vụ", "lấy biên phòng làm quê hương thứ hai" (như ở Thanh Hóa, Tây Bắc...), đã đề cập đến vấn đề này, trong cuốn "Lịch sử Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng" đã viết: Điều có ý nghĩa nhất là từ phong trào "coi đồn là nhà" của Đồn 53 Vĩnh Linh; "coi biên giới là quê hương thứ hai" của Tiểu khu 15 thuộc khu Tây Bắc; xuất phát từ những câu chuyện cảm động giữa Công an nhân dân vũ trang và đồng bào các dân tộc coi nhau như anh em ruột thịt; từ nhân dân và các chiến sĩ Biên phòng Sơn La chuyện trò, trao đổi thân tình với nhau... Chính ủy Nguyễn Quang Việt đã đúc kết lại thành một ý niệm, một đặc trưng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, đó là “”Coi đồn là nhà, biên giới là quê hương thứ hai”. Sau này được bổ sung hoàn chỉnh hơn “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”.

Khẩu hiệu trên là sản phẩm từ thực tiễn tư duy khái quát, sáng tạo của cán bộ chủ trì lãnh đạo chỉ huy các đơn vị, mà tiêu biểu trực tiếp là đồng chí Nguyễn Quang Việt - Chính ủy của lực lượng. Khẩu hiệu ấy có ý nghĩa chiến lược, xuyên suốt chiều dài lịch sử của Bộ đội Biên phòng gần 60 năm qua. Nó là một trong những động lực quan trọng, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phấn đấu vươn lên khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam, tháng 2/1968, vừa chỉ đạo tổ chức xong Hội nghị toàn quốc tổng kết Phong trào "Vì an ninh Tổ quốc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", thì Thứ trưởng Nguyễn Quang Việt được Ban Bí thư Trung ương Đảng tin tưởng, quyết định cử đi chiến trường miền Nam, giữ chức vụ Phó Ban An ninh Trung ương Cục, phụ trách công tác xây dựng lực lượng An ninh vũ trang. Sau hai tháng tiếp cận, nghiên cứu nắm tình hình tổ chức biên chế, chất lượng hoạt động của lực lượng An ninh vũ trang, ông đã thống nhất với Thường vụ Ban An ninh miền Nam ra Nghị quyết số 17 ngày 26/4/1968, xác định nhiệm vụ và tổ chức của An ninh vũ trang, Nghị quyết chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản là: Nhấn mạnh đối với lực lượng An ninh vũ trang trọng tâm thời kỳ này là hướng vào xây dựng thực lực cho Trinh sát vũ trang, chú ý rèn luyện cho Trinh sát vũ trang có lập trường tư tưởng vững vàng, hiểu biết về kỹ chiến thuật đánh trong thành phố, trang bị vũ khí chiến đấu cho thích hợp với nhiệm vụ, trình độ, khả năng của cán bộ, chiến sĩ, phù hợp với điều kiện đánh địch trong vùng địch kiểm soát. Đến ngày 6/8/1968 Thường vụ Ban An ninh miền Nam tiếp tục ra Chỉ thị số 32, ký tên Ba Nam (bí danh của đồng chí Nguyễn Quang Việt). Chỉ thị nêu rõ: Phải khẩn trương xây dựng lực lượng An ninh vũ trang thành mũi nhọn sắc bén và xác định các đội Trinh sát vũ trang có nhiệm vụ hoạt động tại địa bàn thành phố, thị trấn, các vị trí bàn đạp mà bọn công an, tình báo, gián điệp, biệt kích dùng làm chỗ dựa để đánh phá vùng giải phóng; bọn đầu sỏ ngụy quyền, công an, tình báo, đảng phái phản động cả công khai, cả bí mật và các phần tử phản động chui vào các tôn giáo, các dân tộc ít người, các trung tâm phương tiện kỹ thuật, hồ sơ, tài liệu mật của ta... Phương châm xây dựng là: Tích cực, khẩn trương, kịp thời, sắc bén, gọn nhẹ, chú trọng cả số lượng và chất lượng, vừa xây dựng vừa chiến đấu, vừa chiến đấu vừa củng cố, từ ít đến nhiều, từ giản đơn đến hoàn chỉnh, từng bước vững chắc.

Từ những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo trên của Thường vụ Ban An ninh vũ trang miền Nam, sự trực tiếp chỉ đạo triển khai sát thực tế của ông và các đồng chí lãnh đạo đã làm cho lực lượng An ninh vũ trang có bước chuyển biến vững mạnh, hoạt động hiệu quả trên chiến trường.

Hai năm ở chiến trường miền Nam, có thể nói, ông đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Từ ngày ông vào chiến trường, lực lượng An ninh vũ trang được tổ chức chặt chẽ và bài bản hơn. Mỗi tỉnh được tổ chức một đội An ninh vũ trang, bám dân, bám địa bàn, diệt ác, phá kìm, tổ chức nhiều trận đánh vào tận hang ổ địch. Công tác huấn luyện đánh địch bí mật được ông đặc biệt chú ý và là người nhiều lần trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo và huấn luyện các đội An ninh vũ trang. Thực hiện theo phương thức chỉ đạo của ông, nhiều đội An ninh vũ trang đã lập công xuất sắc và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Đội An ninh vũ trang Tây Ninh, Bến Tre, Quảng Ngãi, An ninh vũ trang T4...

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phó Ban An ninh miền Nam, đầu năm 1970 ông được Chính phủ điều động ra miền Bắc điều dưỡng, chữa bệnh, ổn định sức khỏe. Tháng 9/1970, ông tiếp tục được bổ nhiệm lại chức Thứ trưởng Bộ Công an.

Từ sau đại thắng mùa xuân 1975, Chính ủy Nguyễn Quang Việt về lại với ngôi nhà 73 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, nơi ông đã từng sống với người con út trước khi trở lại chiến trường. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông trải qua biết bao gian nan, thử thách kể cả trong nhà tù, cũng như trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ông luôn tỏ ra là một cán bộ trung kiên, nhất là khi đảm đương các cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy Công an nhân dân vũ trang và Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Ban An ninh miền Nam, ông càng thể hiện rõ tài năng của mình, vừa nhạy bén, sắc sảo, sáng tạo, vừa có tính kiên quyết và quyết đoán cao, góp phần quan trọng vào những thành công của công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác với ông, gần gũi với ông, vẫn lại đến với ông. Những kỷ niệm vui, buồn về một thời sóng gió đã đi qua, nay lại được làm sống lại, trước sau vẫn như những hạt giống tốt đầu tiên, cho mùa gieo hạt mới; cho hôm nay và mai sau.

Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy Nguyễn Quang Việt sau một thời gian lâm bệnh nặng, ngày 26/12/1995 ông trút hơi thở cuối cùng, về cõi vĩnh hằng tại nhà riêng 73 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ông ra đi mang theo biết bao hoài bão, ước mơ đối với bước phát triển mới của công cuộc bảo vệ biên giới Tổ quốc và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng mà ông hằng mong ước. Di vật để lại trong cuộc đời hoạt động của ông chỉ có chiếc ba lô và mấy bộ quân phục cùng cái mũ mềm ông vẫn thường dùng. Quả thật, ông là một con người mẫu mực về sự liêm khiết, giản dị. Hơn thế nữa, khi còn nằm trên giường bệnh, ông vẫn dặn các con của mình khi bố "đi" rồi thì căn nhà (số 73 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) bố đang ở này nhớ trả lại cho Nhà nước.

Bộ Công an tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng ông vô cùng trọng thể. Gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội đau buồn trong niềm tiếc thương vô hạn tiễn đưa đồng chí Nguyễn Quang Việt, Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh phó Công an nhân dân vũ trang về nơi yên nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Kết thúc bài viết này, tôi muốn nhắc lại lời điếu của Trung tướng Phạm Tâm Long, lúc đó là Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, nói lên lòng tiếc thương vô hạn của tất cả mọi người đối với ông: “Trong 60 năm hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Quang Việt luôn là người chỉ huy giàu nghị lực, sắc sảo trong công việc, gần gũi quần chúng, hòa nhã, thân ái với đồng chí, đồng đội. Đồng chí là người cán bộ cách mạng trung kiên, luôn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và biết vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng; nắm vững phương châm, nguyên tắc nghiệp vụ đấu tranh của ngành Công an. Đồng chí đã xây dựng cho mình tác phong chỉ huy sâu sát, cụ thể và quyết đoán, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu. Đồng chí đã mang hết tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù cuộc sống ở chiến trường, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, công tác gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đồng chí vẫn luôn nêu tấm gương mẫu mực, trong sáng về phẩm chất cách mạng, về ý chí, nghị lực, khắc phục khó khăn, có lối sống giản dị, lành mạnh, cần, kiệm, liêm, chính, như lời Bác Hồ đã dạy, được đồng chí, đồng đội và mọi người yêu mến, kính trọng".

Thy Vũ

Bình luận

ZALO