Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 01:18 GMT+7

Chợ nổi - di sản văn hóa của miền Tây Nam Bộ

Biên phòng - Chợ nổi mang nét văn hóa độc đáo trong đời sống thường ngày của người dân miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của chợ nổi đang có nguy cơ mai một dần. Do vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân chung tay gìn giữ, phát huy di sản văn hóa chợ nổi miền Tây.

Người dân buôn bán trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Thúy Hạnh

Ngoài chức năng mua bán truyền thống, nhiều chợ nổi còn được khai thác như một sản phẩm du lịch. Đó là chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, chợ nổi Phụng Hiệp ở Hậu Giang... Đặc biệt là văn hóa độc đáo của chợ nổi Cái Răng, với phương thức “4 treo”. Vì sự đa dạng về các mặt hàng nên người buôn bán trên sông gặp khó khăn. Nguyên nhân là do không gian vùng sông nước rộng lớn, tiếng máy chạy, tiếng người hòa lẫn vào nhau át đi tiếng rao. Chính vì thế, phương thức “4 treo” đã xuất hiện để giúp người mua dễ dàng nhận biết được chiếc ghe, xuồng đó đang bán gì. Thứ nhất là “treo gì bán nấy”, chủ ghe treo thứ cần bán lên cao để người mua có thể dễ dàng nhận biết được mặt hàng. Thứ hai, “treo mà không bán”, là quần áo của người dân sống trên ghe thuyền.

Thứ ba, “treo mà bán”, là những chiếc ghe phục vụ ẩm thực trên sông cho du khách như bún, hủ tiếu, cà phê, bánh mỳ thịt... Thứ tư, “treo cái này nhưng bán cái khác”, chủ ghe muốn bán đi chiếc ghe của họ, thì sẽ treo một tấm lá lợp nhà trên cành cây. Nét văn hóa độc đáo của các chợ nổi được tạp chí nổi tiếng thế giới, như National Geographic hay Rough Guide đánh giá là độc nhất và vô cùng hấp dẫn, không chỉ bởi cảnh quan, hoạt động buôn bán, sinh hoạt, diễn xướng ca, hò vè ở đây. Năm 2016, “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Thế nhưng, gần chục năm trở lại đây, chợ nổi miền Tây gần như giảm sức hút, thu hẹp quy mô và dần biến mất. Chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ, đoạn đường sông dài khoảng 6km. Từ bến Ninh Kiều tới chợ nổi Cái Răng, ghe tàu chở khách du lịch các loại to nhỏ chạy nườm nượp. Vậy nhưng, nhiều lái tàu, chủ ghe cho biết, lượng khách du lịch tham quan chợ nổi năm nay giảm nhiều so với mọi năm. Ông Lê Văn Chợ, một chủ ghe ở chợ nổi Cái Răng nói: “Tôi làm ở chợ nổi này đã mấy chục năm rồi, tôi thấy năm nay lượng khách ít hơn mọi năm. Sống bằng nghề lái đò nên tôi sẽ cố gắng theo nghề, chứ không thể chuyển nghề”.

Tại chợ nổi Cái Răng, khoảng hơn 100 ghe thuyền của thương hồ buôn bán trái cây, đặc sản miền Tây và kinh doanh các dịch vụ du lịch như ăn sáng, thưởng thức trái cây, ngắm chợ nổi. Hầu hết, tàu chở khách chỉ đến ngắm chợ nổi, dạo một vòng, hoặc mua thử vài loại trái cây, quà bánh rồi đi. Dù vẫn còn chợ nổi nhộn nhịp, nhưng bây giờ đã khác xưa rất nhiều.

Hiện nay, chợ nổi lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long là Cái Răng chỉ còn khoảng 200-300 ghe tàu phục vụ giao thương, du lịch, giảm hơn nửa so với thời hoàng kim. Riêng loại ghe thương hồ, buôn bán sỉ, lẻ các loại cây trái, đặc sản miền Tây, làm nên cái hồn, biểu tượng của chợ nổi miền Tây đã giảm rất mạnh.

Giảm quy mô, vắng khách cũng là tình cảnh chung của chợ nổi Ngã Bảy ở Hậu Giang, chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, chợ nổi Long Xuyên ở An Giang. Nhiều nơi khác, chợ nổi đìu hiu, dần biến mất. Anh Võ Nhật Huy, một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Người dân ở khu vực miền ngoài vào đây cũng không nhiều. Mà đối với người dân ở tại khu vực miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long thì đây là nét văn hóa truyền thống quen thuộc với họ, nên dần dần họ cũng lựa chọn những điểm đến hấp dẫn hơn”.

Chợ nổi dần nhạt nhòa, mất sức hút bởi nhiều nguyên nhân. Trước những năm đầu của thế kỷ XXI, khi du lịch chợ nổi đang phát triển mạnh mẽ, do áp đặt ý chí chủ quan, chính quyền địa phương quyết định di dời các chợ nổi lên bờ với lý do cản trở giao thông đường thủy. Đồng thời, giao thương đường bộ phát triển, người dân cũng không còn mặn mà với sinh hoạt, mua bán trên sông. May mắn khi chợ nổi Cái Răng phải di dời, nhưng lại liền kề với nhà vựa và chợ trên bờ nên chợ Cái Răng được hưởng lợi từ các đợt di tản của giới thương hồ ở chợ nổi Ngã Bảy, Trà Ôn, Phong Điền...

Hiện nay, trong khi chợ nổi miền Tây Nam Bộ - biểu tượng văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long đang mai một dần, thì ở một số nước khác, nhất là Thái Lan, chợ nổi vẫn hoạt động rất hiệu quả, thu hút nhiều du khách, trong đó có du khách từ Việt Nam. Gìn giữ, khôi phục và phát huy chợ nổi miền Tây dù nhỏ, nhưng là điều cấp thiết lúc này.

Thúy Hạnh

Bình luận

ZALO