Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 03:38 GMT+7

Chồi xuân

Biên phòng - Thật tình cờ, trong chuyến đi dự giao ban cuối năm Cụm thi đua số VII, Hội Người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tại Gia Lai, tôi gặp Đàm Quang Cơ. Lúc lên xe tại chung cư A Dã Tượng, trời đang còn tối nên dù có nghe giọng ai đó quen quen, tôi vẫn không để ý. Khi xe ra đến Lương Sơn, trời sáng hẳn, thì người đó thốt lên:

- Biệt! Có phải Biệt C4 không?

- Đúng rồi, ông là... là...

- Là Đàm Quang Cơ, C3 đây!

- Trời ơi, Cơ, ông đi đâu lạc vào đây vậy? Sao lại bất ngờ thế này?

- Đi thăm một người thân ở Công ty Than, trú tại phường Phước Long, còn giờ lại ngược Kon Tum thăm thằng chắt nội của A Văn. Ông còn nhớ A Văn không?

- Đoàn Văn. Văn Hưng Yên, C1. Vợ là YZung, "bông hoa rừng" của Đắk Glêi?

- Đúng rồi, chính hắn.

- Rồi sao nữa? Kể đi.

Quang Cơ từ ghế sau, nhảy tót lên ngồi cạnh tôi. Rồi chúng tôi bắt đầu câu chuyện về đời chiến binh của mình và đồng đội.

Dạo đó, từ năm 1968 - 1975, chúng tôi đều là lính mới của Tiểu đoàn Đặc công 44, Quân khu V, nổi tiếng đánh đâu thắng đó. Vừa vào chiến trường được mấy tháng, chúng tôi được tham gia một trận đánh lừng danh. Đó là trận Khâm Đức, Ngok-TàVạt. Khâm Đức, một thung lũng thuộc Tây Quảng Nam, nằm trên Đông Trường Sơn, có đường 14 chạy qua, sang Tây Nguyên vào ngã ba Đông Dương và miền Đông Nam bộ. Từ đây, con đường còn đi sang Hạ Lào, ra Khu 4, hậu phương miền Bắc và xuống đồng bằng Trung Trung bộ.

Từ năm 1963, Mỹ-ngụy đã xây dựng ở Khâm Đức sân bay và trại huấn luyện biệt kích. Năm 1966, 1967, khi đổ quân vào miền Nam, Mỹ tăng cường cho căn cứ này nhiều đơn vị bộ binh, pháo binh thiện chiến, biến Khâm Đức thành khu liên hợp quân sự, được xem như là Khe Sanh thứ 2 của miền Nam. Thế nhưng, ngày 12-5-1968, Khâm Đức Ngok-Tà Vạt đã bị quân giải phóng giáng cho một đòn tả tơi. Các đơn vị tham chiến có nhiều, trong đó, Tiểu đoàn 44 của chúng tôi cũng góp phần quan trọng. Sau 4 ngày đêm chiến đấu, Tiểu đoàn 44 Đặc công cùng các đơn vị bạn tiêu diệt trên 500 tên Mỹ-ngụy, làm bị thương nhiều tên khác, bắt sống 104 tên, có 2 cố vấn Mỹ; bắn rơi 2 máy bay CH47, 2 máy bay C130 và 9 máy bay trực thăng; phá hủy nhiều xe quân sự, thu toàn bộ vũ khí, khí tài. Sau trận đánh, đơn vị chúng tôi hành quân về hậu cứ tại một cánh rừng thuộc xã Kà Tun, huyện 40, nay gọi là Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Tại đây, Đoàn Văn, chiến sĩ của Đại đội 1, quê  Hưng Yên, do bị thương nên được phân công nhiệm vụ vừa điều trị, vừa coi kho. Là vùng hậu cứ nên quan hệ quân với dân hết sức gần gũi. Hồi đó, ở Kà Tun có một cô gái người dân tộc Dẻ-Triêng, là Bí thư Đoàn Thanh niên xã tên là YZung. YZung rất xinh, bộ đội chúng tôi đặt cho cô cái tên "Bông hoa rừng Tây Nguyên". Nhiều anh bộ đội tỏ lòng mến yêu YZung, nhưng kỷ luật chiến trường không cho phép. Nếu yêu thì để trong lòng, còn biểu hiện ra ngoài dù chỉ là lời nói, lập tức đêm về sinh hoạt đơn vị, sẽ bị kiểm điểm, phê bình ngay. Vậy mà, chẳng biết từ lúc nào, anh chàng Đoàn Văn đã "động phòng" cô gái. Sự việc bị bại lộ lúc YZung mang cái bầu đến báo cáo với chỉ huy Tiểu đoàn:

- Thủ trưởng ơi, chúng mày làm lễ cưới cho tao với A Văn đi. Tao với A Văn có với nhau đứa bộ đội con trong bụng rồi.

Nghe YZung nói, cả Tiểu đoàn trưởng Lê Sơn và Chính trị viên Hồ Quảng toát mồ hôi. "Trời đất, quản lý thế nào mà để bộ đội gây nên cái chuyện động trời này". Tối hôm đó, Tiểu đoàn gọi Đại đội; Đại đội gọi Trung đội; Trung đội gọi Tiểu đội. Đoàn Văn đứng như phỗng. 

- Bây giờ đồng chí tính sao? Đơn vị chuẩn bị hành quân về đồng bằng. Hay đào ngũ luôn, ở lại Ka Tun trồng sắn? - Chính trị viên Đại đội nổi cáu.

- Đừng, thủ trưởng ơi! Thà thủ trưởng giết em đi chứ đừng cho em đi trồng sắn. Vào chiến trường là để đánh Mỹ chứ đâu phải...

Giọng Đoàn Văn nghẹn lại.

- Biết vậy sao cậu còn toòng teng với gái bản. Con gái dân tộc đã lấy được chồng là nó không chịu xa đâu. Cậu hiểu chưa?

- Thủ trưởng tha cho em. Em yêu YZung mà.

- Yêu với kiều, đồ làm hại.

Nội bộ chưa giải quyết xong thì vài ngày sau, già làng A Đua đến:

- Thằng A Văn, làm con YZung có thằng bộ đội con trong bụng rồi, giờ bộ đội phải cúng cho làng một con heo 4 nắm*, 2 ang muối và 5 gói mì chính. Lệ làng đấy.

Cả Đại đội lẫn Tiểu đoàn bối rối, nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng không được, cuối cùng đành chấp nhận nộp phạt. Hôm cúng Ziàng, già làng A Đua mời đại diện đơn vị. Cả Đại đội trưởng lẫn Chính trị viên không ai dám đi, cuối cùng "đẩy" cho Chính trị viên phó Nguyễn Toàn Thắng. 

- Hôm nay coi như đám cưới rồi. Từ giờ phút này, con YZung của bản làng Kà Tun đã có chồng là A Văn, xin Ziàng chứng kiến và bắt vợ chồng nó phải thương yêu suốt đời, không được bỏ nhau!

Già làng A Đua, sau khi thắp nhang cúng Ziàng, đã tuyên bố với dân bản Kà Tun để YZung về sống với A Văn trong đơn vị bộ đội. Chính trị viên phó Đại đội Nguyễn Toàn Thắng gãi đầu, gãi tai một chặp rồi mới lên tiếng:

- Không được đâu già làng, dân bản ơi. Đơn vị của chúng tôi là đơn vị cơ động chiến đấu, nay đây mai đó. Phụ nữ bụng mang dạ chửa làm sao theo được. Già làng, dân bản cho chúng tôi gửi YZung. Nay mai hết giặc rồi, chúng tôi sẽ cho A Văn về đón.

- Không chịu đâu, tao lấy chồng là phải theo chồng. Ít tháng nữa đẻ con xong, bộ đội cho tao đi đánh giặc với.

Vậy là bó tay, Chính trị viên phó Đại đội chứ Tiểu đoàn trưởng hay Chính trị viên Tiểu đoàn cũng phải chịu thua. Lý đồng bào dân tộc là vậy. Họ nói là làm, chẳng ai ngăn cản nổi. Tối hôm đó, Nguyễn Toàn Thắng về báo cáo lại tình hình, chỉ huy Tiểu đoàn đành cho YZung đi theo đơn vị. Đoàn Văn vẫn ở Đại đội 1, còn YZung được "biên chế" vào Tiểu đoàn bộ, làm phụ bếp, nhặt rau, nhóm bếp. Thời gian YZung mang thai, A Văn không được đơn vị cho đi chiến đấu, ở nhà trông vợ. Anh ta phàn nàn thì bị anh em trong đơn vị mắng: "Ăn vụng sớm thì giờ phải chịu thiệt chứ biết làm sao em!". A Văn đành im lặng. Mấy tháng sau, YZung sinh được con trai, đơn vị đặt tên là A Khoa. Bố Văn, con Khoa, hay quá rồi còn gì. Thằng Khoa được cả đơn vị yêu mến. Ai cũng nựng: "Bố đây, bố đây". Sữa mẹ tốt, thằng nhỏ lại hay ăn, nên chóng lớn. Tuy nhiên, thời gian yên ổn của mẹ con YZung không được lâu. A Văn bị "treo giò" lâu, không chịu nổi. Đến giữa 1972, trước tình hình chiến trường hết sức sôi động, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 44 liên tục lập công, A Văn đã viết đơn bằng máu xin đi chiến đấu. Chỉ huy Tiểu đoàn thấy A Khoa đã khôn lớn nên chấp nhận đề nghị của A Văn. Nhưng điều kiện dành cho anh chàng này là thuyết phục vợ con ở lại tuyến sau. YZung đồng ý. Tiểu đoàn gửi YZung lại Ban Hậu cần Huyện đội Tuy Phước trước ngày mở chiến dịch giải phóng quận lỵ. Đó là ngày 5-9-1972. Trận đánh đó quân ta thắng lớn, giải phóng hoàn toàn chi khu. Nhưng một tháng sau, địch tập trung lực lượng phản công chiếm lại. Ta và địch tranh chấp nhau từng tấc đất. Cuộc chiến đấu kéo dài hằng tháng và trong lửa đạn khốc liệt đó, A Văn đã hy sinh. Nhận được tin, mẹ con YZung vô cùng đau khổ, nhưng không còn cách nào khác, đành bồng bế nhau về Kon Tum. Tiểu đoàn 44, theo kế hoạch tác chiến, đi sâu vào Quảng Ngãi rồi Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Mãi năm 2010, lần đầu tiên mới có cuộc hội ngộ "Trở lại chiến trường xưa" của các cựu chiến binh tại Đắk Glei, Kon Tum.

- Đó là cuộc hội ngộ lịch sử, sau 35 năm đất nước giải phóng - Quang Cơ nhấn mạnh - Người móc nối và tổ chức là ông Huỳnh Sơn, nguyên Chính ủy Trung đoàn Đặc công 94. Trung đoàn này là tập hợp các Tiểu đoàn 44, 43 và 49. Ngoài ra, còn được phối thuộc một Tiểu đoàn Bộ binh có phiên hiệu K8.

- Cuộc hội ngộ thiếu nhiều, trong đó có ông. Đúng là Biệt. Ông biệt vô âm tín đâu vậy? - Đàm Quang Cơ "hoạnh tội" Nguyễn Biệt.

- Thì ai về nhà nấy, sau đó, tớ vào đại học. Học xong xin vào Phú Khánh làm việc ở một cơ quan văn hóa, viết văn, báo nhì nhằng, lúc nghỉ hưu nhờ một anh bạn ở Trung ương xin làm cộng tác viên báo Người cao tuổi. Ếch ngồi đáy giếng, có ai thông báo đâu mà biết.

- Tại ông đó thôi. Kín như bưng, ai biết đâu mà tìm.

- Buổi hội ngộ ấy có gì xảy ra nữa. Mẹ con YZung sao rồi. Nơi yên nghỉ của 16 liệt sĩ Tiểu đoàn mình nữa?

- Chuyện về chỗ yên nghỉ 16 liệt sĩ còn vòng vo tam quốc, sẽ kể sau. Riêng tin về YZung và cháu A Khoa thì buồn lắm, chết hết rồi.

Giọng Quang Cơ chùng xuống, anh im lặng hồi lâu rồi mới rỉ rả: Lần gặp trước, mới nghe tin vậy, đến lần gặp năm ngoái thì bọn mình tìm được chỗ ở của YZung. Cô ấy không còn nữa. Tội nghiệp. Bà con Kà Tun cho biết, sau khi A Văn hy sinh, Y Zung bế con về bản sống với ông bà ngoại. Sau giải phóng, mẹ con cô chẳng biết quê nội ở đâu để tìm. Hai mẹ con cứ sống vậy nuôi nhau. Năm 1990, A Khoa cưới vợ. Vợ Khoa cũng là một cô gái Dẻ-Triêng. Hai năm sau, vợ A Khoa sinh đứa con đầu lòng đặt tên là A Học. Được dăm tháng thì YZung mắc một căn bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Hơn một năm sau, A Khoa theo mẹ đi về thế giới bên kia bởi một tai nạn rủi ro. Năm 2010, A Học cưới vợ, sinh được thằng con trai đặt tên là A Vị. Năm ngoái 2012, chúng tôi gặp A Vị còn đỏ hỏn. Đúng là cây một hoa, hoa một quả và quả một hạt. Hy vọng lần này, hạt nảy mầm và mầm thành cây, cây sẽ sai hoa, trĩu quả.

Xe vào thành phố Pleiku. Tôi phải xuống, còn Quang Cơ đi tiếp. Móc vội mấy trăm dúi vào tay Cơ. Tôi dặn:

- Mua sữa cho thằng chắt. Hôm nào bốc mộ đồng đội và cố nội nó, ông báo cho tôi biết nhé! Số điện thoại đây, nhớ a lô trước vài ngày.

- Sẽ báo, nhất định mình báo. Lần này lên Kon Tum, nhiệm vụ của mình là bàn bạc với cháu A Học, khi bốc hài cốt ông nội nó thì đưa về Kon Tum hay Hưng Yên? 

Mắt tôi bỗng cay cay. Tôi nắm chặt tay Cơ, lắc lắc mấy cái rồi bước xuống xe. Cơn gió khô nồng cuối năm của Tây Nguyên phả nhẹ. Tôi nhận ra không khí của mùa Xuân. Ôi, cái mùa con ong đi lấy mật, em đi phát rẫy làm nương, mùa đâm chồi nẩy lộc của cây cối đại ngàn; mùa của yêu thương và hy vọng!
Nguyễn Xuân

Bình luận

ZALO