Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:09 GMT+7

Chung tay gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu

Biên phòng - Bằng nhiều hình thức linh hoạt, cách làm sáng tạo, thời gian qua, cùng với việc quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức người dân trong chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thổ Châu tổ chức tuyên truyền pháp luật và phát tài liệu cho ngư dân. Ảnh: Khánh An

Chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức cho nhân dân

Nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, tỉnh Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200km. Ngoài vùng biển rộng khoảng 63.290km2, Kiên Giang còn có chung vùng nước lịch sử với Campuchia rộng khoảng 16.000km2 và 143 hòn đảo lớn nhỏ (trong đó, có 43 đảo có dân sinh sống). Do điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy nên nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản ở Kiên Giang phát triển rất mạnh. Tính đến thời điểm hiện nay, Kiên Giang có đội tàu đánh bắt hải sản nhiều nhất nước, với 9.806 chiếc, trong đó, gần 4.000 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên.

Những năm gần đây, mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã rất nỗ lực trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, nhưng do ý thức của một số thuyền trưởng, chủ tàu cá nên việc vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định vẫn diễn ra. Báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, vẫn có 12 tàu của Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Việc vi phạm này không chỉ ảnh hưởng tới tỉnh Kiên Giang, mà còn làm phương hại tới ngành thủy sản của cả nước. Bởi theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC), sẽ không rút “thẻ vàng” dù chỉ còn 1 tàu cá vi phạm IUU.

Quyết tâm chống vi phạm IUU và gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, từ cuối năm 2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đưa cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc. Đây được xem là nỗ lực của tỉnh Kiên Giang trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC và chống vi phạm IUU. Cùng với việc triển khai quyết liệt các biện pháp hành chính, để quyết tâm việc gỡ “thẻ vàng”, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chú trọng tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân chấp hành, thực hiện Luật Thủy sản, chống khai thác IUU.

Những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo, BĐBP Kiên Giang đã rất nỗ lực trong phối hợp với các ngành, các lực lượng liên quan đẩy mạnh các hoạt động nhằm kéo giảm vi phạm IUU. Một trong những hoạt động được BĐBP triển khai thường xuyên, liên tục là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.

Theo Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy BĐBP Kiên Giang, cùng với thực hiện các biện pháp hành chính, điều cốt lõi nhất chính là làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức của các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân. Khi người dân đã nhận thức được đủ, đúng vấn đề, biết từ bỏ cái riêng cá nhân để hướng tới lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, thì việc vi phạm IUU mới chấm dứt...

Tiến hành linh hoạt các biện pháp công tác

Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và chính quyền các địa phương đi đến từng doanh nghiệp, chủ tàu (đặc biệt là những đối tượng có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài), vận động, yêu cầu chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy sản. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, BĐBP Kiên Giang đã 6 lần phối hợp với các lực lượng liên ngành tiến hành tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra 16 doanh nghiệp khai thác hải sản, 26 chủ tàu có dấu hiệu vượt ranh giới biển, 47 chủ tàu bị mất kết nối dài ngày trên biển.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thổ Châu tặng cờ Tổ quốc, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Ảnh: Khánh An

Cùng với việc tổ chức tuyên truyền tập trung, công tác tuyên truyền của BĐBP Kiên Giang còn được tiến hành linh hoạt ở mọi lúc, mọi nơi. Đối với các đồn, trạm Biên phòng, khi làm thủ tục cho tàu cá ra vào cửa sông, cửa biển thì tranh thủ tuyên truyền, phổ biến cho chủ tàu, thuyền trưởng các quy định của pháp luật về khai thác hải sản. Vận động họ cam kết không đánh bắt hải sản trái phép, không vi phạm IUU. Các tổ, đội đi công tác địa bàn, khi tiến hành các buổi họp dân, đã biết lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các nội dung không vi phạm IUU, trong đó, tập trung đối tượng là chủ tàu đánh bắt xa bờ.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị BĐBP Kiên Giang đã phối hợp với địa phương tổ chức trên 300 buổi tuyên truyền cho 5.040 lượt chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân; hướng dẫn cho 5.504 chủ phương tiện (tàu dài trên 15m) ký cam kết không vi phạm IUU. Ngoài ra, các trạm kiểm soát Biên phòng còn tặng ngư dân trên 2.300 lá cờ Tổ quốc và kết hợp tuyên truyền cho 18.102 phương tiện/32.858 thuyền viên chấp hành nghiêm quy định khai thác IUU và các quy định hoạt động trên biển; phát 1.150 tờ rơi, 3.500 thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và 100 cuốn tài liệu tuyên truyền chống khai thác IUU. Qua những đợt tuyên truyền của BĐBP đã giúp cho người dân nâng cao ý thức về IUU.

Ông Trương Văn Ngữ, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Kiên Giang thông tin: “Việc tuyên truyền của BĐBP và các ngành chức năng đã giúp ngư dân nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành các quy định về khai thác thủy hải sản, nhất là không vi phạm IUU”.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, BĐBP Kiên Giang còn tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển để phát hiện, ngăn chặn vi phạm IUU. 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang đã triển khai 2 đợt cao điểm tuần tra, truy quét trên biển, qua đó, kiểm tra, nhắc nhở 1.125 lượt phương tiện; kịp thời ngăn chặn, xua đuổi 15 phương tiện/60 ngư dân Campuchia vi phạm vùng biển Kiên Giang. Cùng với đó, các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng đã kiểm tra chặt chẽ trên 181.000 lượt tàu xuất, nhập bến; phát hiện, xử lý 121 tàu cá vi phạm và 3 thuyền trưởng không có văn bằng chứng chỉ theo quy định.

Phương Vy

Bình luận

ZALO