Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 06:05 GMT+7

Chung tay phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong những ngày Hè

Biên phòng - Nghỉ Hè, thời tiết nắng nóng lại không phải đến trường nên nhiều học sinh rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao hồ và biển để giải nhiệt. Tuy nhiên, vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm, không có kỹ năng bơi và không có người lớn đi cùng nên đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Làm thế nào để bảo vệ con trẻ an toàn trong những ngày Hè luôn là nỗi trăn trở và đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Lực lượng cứu hộ dọc bãi biển Đà Nẵng đảm bảo an toàn cho người tắm biển. Ảnh: Trúc Hà

Liên tục xảy ra các vụ đuối nước

Ngày 15/4, một nhóm học sinh lớp 7 (trú tại xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) trong lúc rủ nhau đi tắm tại bãi biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) đã có 2 học sinh không may bị sóng cuốn trôi. Giữa đêm trắng, sóng lớn liên tục vỗ bờ, công việc tìm kiếm thi thể nạn nhân mất tích trở nên vô cùng khó khăn. Trên bờ cát, đôi mắt người thân đã khóc cạn, đăm đăm nhìn xuống mặt biển. Nỗi đau khó cất thành lời. Cũng địa điểm này, 1 năm về trước, đã có một học sinh lớp 7 không may bị đuối nước khi tắm ở đây. Theo người dân địa phương, khu vực này dòng chảy rất xoáy, phía xa bờ có một tảng đá nhô lên khỏi mặt biển, mỗi lần sóng đánh vào tạo bọt trắng xóa rất đẹp. Nhiều người, nhất là trẻ em thường tò mò hoặc vô tình trong quá trình tắm bị dòng nước đẩy đến gần tảng đá. Dòng chảy ngầm và xoáy ít ai ngờ đến trở thành mối đe dọa đầy nguy hiểm.

Trước đó, ngày 12/4, tại khu vực bãi biển Tân Trà (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Hai anh em song sinh P.G.B và P.B.Tr, cùng học lớp 8, trong lúc tắm biển cùng bạn đã bị sóng lớn cuốn trôi mất tích. Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã huy động hơn 100 người cùng phương tiện cứu hộ tìm kiếm thi thể nạn nhân nhiều giờ liền. Hai anh em B và Tr quê ở huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng). Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cả bố và mẹ không có việc làm nên gia đình hai em chuyển đến thuê trọ ở phường Hòa Hải để kiếm việc làm lao động phổ thông. Chiều ngày 12/4, cha mẹ vắng nhà, hai anh em rủ nhau đi tắm biển và chuyện thương tâm đã xảy ra.

Mới đây nhất, vào khoảng 17 giờ, ngày 18/5, nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cùng nhau đi tắm ở bãi biển phường Quảng Thọ. Thời điểm này biển có sóng to, các em bị cuốn ra xa và đuối nước. Phát hiện sự việc, người dân gần đó đã cứu được 5 em đưa lên bờ và tiến hành sơ cứu. Có 2 em học sinh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, tuy nhiên 1 em vẫn đang mất tích.

Không chỉ đuối nước vì tắm biển, đã có nhiều trường hợp học sinh tử vong vì ao, hồ, suối. Cuối tháng 3/2024, một nam sinh lớp 11 cùng bạn đến tắm suối ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) bị đuối nước. Trước đó, một học sinh lớp 6 trong lúc tắm suối tại thôn Tân Mỹ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) không may bị trượt chân xuống hố nước sâu bị thương vong. Việc liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đuối nước gióng lên hồi chuông cảnh báo việc quản lý con em, nhất là khi mùa Hè đã tới.

Cần nhiều hơn những hành động thiết thực vì trẻ em

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, vào ngày Hè, lượng người tham gia tắm biển trở nên đông hơn. Đơn vị đã tăng cường lực lượng cứu hộ, cứu nạn và trực 100% công suất tại các bãi tắm trọng điểm, duy trì tuần tra trong khung giờ trực từ 4 giờ 30 phút sáng đến 19 giờ hằng ngày. Bên cạnh đó, ban quản lý còn bố trí lực lượng tại bãi tắm đêm từ 19 đến 22 giờ tại khu vực bãi biển phía Bắc công viên Biển Đông và khu vực bãi biển đêm Mỹ An.

Những lớp học bơi trên kênh thủy lợi, sông suối là nỗ lực của các đoàn thể và sự lặng thầm của các giáo viên dạy bơi tình nguyện vào mỗi dịp Hè nhằm ngăn chặn tình trạng đuối nước. Ảnh: Trúc Hà

Tại các khu vực nguy hiểm, các bảng biển cảnh báo cấm tắm được lắp đặt để cảnh báo người dân khi tham gia tắm biển. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh dọc bờ biển thông qua hệ thống loa phát thanh. “Chúng tôi khuyến cáo người dân, du khách, đặc biệt là các nhóm học sinh đi biển không có người lớn dẫn dắt hãy tắm biển tại những khu vực quy định, có căng phao giới hạn an toàn, có lực lượng cứu hộ trực và trong khung giờ quy định để đảm bảo an toàn. Không nên tắm ở những nơi khuất tầm nhìn và không có người, nơi có biển báo nguy hiểm” - ông Vũ nói.

Tròn 15 năm mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh vào mỗi mùa Hè, thầy Nguyễn Viết Tước - giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Vĩnh (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Cứ mỗi dịp vào mùa Hè nắng nóng, các em học sinh thường rủ nhau đi tắm biển, sông suối, ao hồ. Tuy nhiên, các em thiếu kiến thức và kỹ năng nên dễ bị đuối nước, nhất là khi tắm biển. Tôi vẫn nói với các em, khi theo nhóm không có người lớn thì các em không nên xuống biển tắm. Thậm chí, kể cả khi có người lớn hướng dẫn thì cũng cần có sự hiểu biết về các khu vực có thể tắm được và khu vực nguy hiểm. Thông thường, các khu vực có sóng lớn, đẩy bọt biển trắng xóa thì đó là khu vực ít nguy hiểm, có thể tắm được; còn những điểm lặng sóng và có luồng nước xanh đen thì đó là dòng chảy xa bờ cực kì nguy hiểm, cần tránh”.

Tại Quảng Trị, hàng năm, các trường đều tuyên truyền về phòng chống đuối nước trong học sinh và phụ huynh. Môn bơi cũng được khuyến khích đưa vào chương trình dạy học là một môn tự chọn. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít trường có đủ điều kiện về bể bơi để phục vụ môn học này, nhất là ở vùng nông thôn. Để giúp các học sinh trang bị kỹ năng, ngành giáo dục, tổ chức Đoàn thanh niên đã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy kỹ năng bơi cho trẻ vào mỗi mùa Hè, tận dụng các khu vực sông, suối, kênh mương thủy lợi và bờ biển để dạy bơi. Dù vậy, số lượng học sinh hưởng lợi vẫn chưa được nhiều so với sĩ số học sinh các cấp ở các địa phương.

“Chúng ta có thể thấy, không ít thôn xóm dễ dàng cùng chung tay xây lên những cái cổng làng rất đẹp, thế nhưng việc xây một bể bơi để phục vụ việc học cho các cháu nhỏ, tránh những trường hợp trẻ không biết bơi dẫn đến đuối nước thương tâm thì hình như vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Đuối nước một khi đã xảy ra đều không thể khắc phục, vì vậy, vấn đề này cần sự chung tay của toàn xã hội, sự quan tâm của cả cộng đồng, sự phối hợp của phụ huynh với nhà trường và giáo viên để có thể ngăn chặn kịp thời hơn” - thầy Tước chia sẻ.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO