Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 10:27 GMT+7

Chung tay xây dựng vùng biên ngày càng phát triển

Biên phòng - Trong năm 2023, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã được Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp triển khai với nhiều hoạt động cụ thể, trọng tâm; các hoạt động hỗ trợ phù hợp, thiết thực, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp, các ngành, sự chung tay của các đơn vị đồng hành và toàn xã hội.

BĐBP Long An phối hợp tổ chức trao tặng quà cho các hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Văn Long

Với những hiệu quả đã đạt được, có thể khẳng định, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần tích cực trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ nói riêng, người dân các xã vùng biên nói chung xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, chung tay xây dựng vùng biên ngày càng phát triển.

Tại 26 tỉnh biên giới trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các đơn vị đồng hành đã hỗ trợ duy trì và thành lập mới 534 mô hình sinh kế/1.758 thành viên, trong đó, hỗ trợ 46.365 con giống, 47.810 cây giống các loại (trâu, bò, lợn, gà, dê, cá, cây dược liệu, cây ăn quả...); hỗ trợ duy trì, củng cố 100 mô hình tiết kiệm, tín dụng - tiết kiệm/1.939 hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế với tổng vốn hơn 23,7 tỷ đồng. Nhiều mô hình sinh kế xoay vòng được vốn, hỗ trợ cho các phụ nữ nghèo khác trên địa bàn. Tại 8/26 tỉnh, các đơn vị đồng hành tổ chức 12 lớp hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề tại chỗ cho 317 người... Theo rà soát năm 2023 của 9/26 tỉnh, các hoạt động hỗ trợ sinh kế đã góp phần giúp 1.974 phụ nữ và hộ gia đình dân tộc thiểu số và miền núi biên giới thoát nghèo...

Năm 2023, gần 2.400 thông tin, hình ảnh về Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội cấp Trung ương, địa phương. Các đơn vị đồng hành đã sử dụng gần 200 trang Facebook, Zalo, Youtube... đăng tải các hoạt động về chương trình; tuyên truyền hơn 210 gương tập thể, cá nhân nữ điển hình, cách làm hay ở vùng biên giới... Hầu hết các địa phương đều đạt và vượt các chỉ tiêu về hàng năm mỗi cơ sở Hội tổ chức ít nhất 2 hoạt động truyền thông về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình; tham gia phòng, chống, giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới, nhất là tội phạm mua bán người...

Cụ thể, các đơn vị phối hợp tổ chức 1.304 cuộc tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tập huấn, truyền thông, giao lưu phổ biến cho gần 62.240 lượt người tham cuộc thi tìm hiểu về Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Bình đẳng giới, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...; tổ chức 805 cuộc truyền thông, vận động, hướng dẫn triển khai các phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch/5 có, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, phòng chống mua bán người, xâm hại trẻ em, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, di cư lao động không an toàn/xuất, nhập cảnh trái pháp luật cho hội viên, phụ nữ. Củng cố, thành lập mới các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục; thúc đẩy bình đẳng giới, tham gia tự quản đường biên, mốc giới..., tạo “sân chơi" lành mạnh, thắt chặt tình quân dân, khẳng định vai trò của hội viên, phụ nữ vùng biên trong tham gia bảo vệ biên giới...

Cán bộ BĐBP Cao Bằng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng trao tặng "Mái ấm biên cương" cho gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên biên giới. Ảnh: Văn Tuân

Mặt khác, trên cơ sở khảo sát khó khăn, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội khu vực biên giới được các đơn vị đồng hành tăng cường với nhiều công trình, phần việc hiệu quả, thiết thực, phù hợp: Hỗ trợ kinh phí, ngày công lao động xây dựng “Mái ấm tình thương”, “Mái ấm biên cương”, công trình dân sinh; xóa mù chữ; tặng quà, trao học bổng, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”; tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân... Cụ thể, trong năm 2023, các đơn vị đồng hành hỗ trợ xây dựng 238 công trình dân sinh, trao tặng 172 “Mái ấm tình thương”, “Mái ấm biên cương”; trao tặng gần 30.620 suất quà và 3.206 suất học bổng cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách, các cấp ủy, chính quyền, đồn Biên phòng, Hội Phụ nữ cơ sở; phối hợp tổ chức khám chữa bệnh cho gần 11.000 lượt người.

Là một trong các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình " Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", từ nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng và các đơn vị đồng hành triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng, trong thời gian qua, các hoạt động của Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc tiếp tục được duy trì có hiệu quả. Đến nay, các xóm/xã biên giới vẫn duy trì hoạt động 119 Tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc/118 xóm biên giới. Các tổ phụ nữ đã đóng góp 9.159 ngày công lao động tham gia phát quang đường biên, mốc giới, góp phần bảo vệ trật tự, an ninh biên giới. 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã biên giới phối hợp tổ chức các hoạt động tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vận động hội viên phụ nữ thực hiện tốt Luật Biên giới quốc gia, tăng cường quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuyên truyền cho phụ nữ không vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm trong việc phòng chống mua bán người, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội... được 753 cuộc với 37.062 lượt hội viên tham gia.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong năm 2024, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” sẽ tập trung vào vấn đề định hướng, ưu tiên đầu tư, huy động nội lực và ngoại lực; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn vay...; tăng cường các hoạt động xã hội hóa, phát huy vai trò, thế mạnh của BĐBP, Hội Phụ nữ các cấp, các đơn vị phối hợp đồng hành và hoạt động ủy thác cho vay nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo cơ hội cho phụ nữ ở biên giới tiếp cận tài chính phát triển sinh kế. Cùng với đó, củng cố các mô hình, hoạt động sinh kế trong chương trình theo hướng liên kết chuỗi bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo nhu cầu thiết yếu của phụ nữ và trẻ em gắn với vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Mặt khác, để phát huy các kết quả trên trong năm 2024, hai ngành xác định tiếp tục tập trung triển khai tuyên truyền, vận động phụ nữ, người dân khu vực biên giới tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong đời sống, sinh hoạt; khuyến khích chị em mạnh dạn, tự tin thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; tham gia có hiệu quả chương trình hỗ trợ một triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ số...

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO