Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:23 GMT+7

Chuyện đời ngư phủ đi bám biển Trường Sa

Biên phòng - Khó có thể nói hết những khó khăn, nhọc nhằn, gian khổ của những ngư phủ chọn nghề “làm bạn với hà bá” cho cuộc đời của họ. Chỉ biết, ngoài mưu sinh, họ đang chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây - điểm tựa của ngư dân Việt Nam. Ảnh: Mai Thắng

Biển đã ngấm vào máu thịt

Tháng tư, mùa biển lặng - mùa của hàng ngàn tàu cá của bà con ngư dân hành trình ra vùng biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam để khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Ngoài mưu sinh, những ngư phủ đang chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Một ngày làm việc của 12 ngư phủ tàu cá BV 0306 TS do anh Trần Văn Kiểu (ở Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm thuyền trưởng mà chúng tôi gặp ở đảo Đá Tây bắt đầu từ 4 giờ sáng khi mặt trời chưa ló dạng. Những ngư phủ “chuyên lặn” đã phải “trầm mình” trong nước biển mặn lạnh buốt, úp mặt xuống mặt biển, dùng ống nhòm tìm luồng cá. Họ đã quen với mình trần, không áo phao và nổi trôi tự do trên mặt biển với sự quan sát của các ngư phủ bạn từ tàu. Khi phát hiện được luồng cá, họ đánh dấu bằng phao quả nhót và thông báo cho chủ tàu thả lưới vây. Việc thả lưới vây ở giữa biển khơi gian khổ chứ không như ở sông, lạch; bởi thường xuyên gặp luồng nước chảy xiết, sóng gió dập dềnh, dễ bị “chuột rút”, hiểm nguy rình rập bất cứ lúc nào.

Đầu quân vào tàu BV 0306 TS hơn 13 năm, chuyến biển này, ngư phủ Lê Hữu Hưng (quê ở huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hi vọng sẽ bắt được nhiều cá, chia được nhiều tiền để “bù lỗ” những chuyến biển trước. “Chúng tôi làm công cho chủ tàu, ăn chia theo sản phẩm. Mỗi chuyến biển kéo dài từ 25-30 ngày, thậm chí 40 ngày mới vào đất liền một lần. Trước khi xuất bến, chủ tàu cho mỗi người tạm ứng trước 8 -10 triệu đồng để mua đồ cá nhân. Nếu cá đầy khoang, trừ chi phí ứng trước, mỗi người cũng còn 15-18 triệu đồng, nếu đánh được ít cá thì huề vốn, thậm chí lỗ. Tất cả đồ dùng cá nhân đều riêng, góp tiền mua gạo nấu cơm chung. Nói thật với anh, đời ngư phủ như bọn em vất vả lắm, nhưng biết làm gì khi đã chọn nghề này. Cực nhọc lắm, nhưng cứ mỗi lần tàu rẽ sóng ra khơi, cái cảm giác tự hào được “vùng vẫy” trên biển của Tổ quốc mình, sướng lắm. Biển đã ngấm vào máu thịt rồi” - anh Hưng phân trần.

Cùng thời gian “đầu quân” vào tàu BV 0306 TS với anh Lê Hữu Hưng, ngư phủ Lê Xuân Giá có nước da đen xì mà anh em trong tàu gọi là “Bao Công nhí”. Hàng trăm chuyến biển dài ngày, hàng ngàn lần úp mặt xuống biển tìm luồng cá và hơn chục năm “sống với biển, vui buồn với biển”, Giá già nhiều so với tuổi 34 của anh. Do thời gian ở biển nhiều hơn đất liền nên từ giọng nói đến cách xưng hô, lúc nào anh Giá cũng như “quát” người đối diện. “Nếu không nói to như thế thì ở biển sao mà nghe được. Tiếng gió, tiếng máy nổ suốt đêm ngày inh tai nhức óc. Nhiều khi ghé sát tai “thét to”, người khác mới nghe được” - Anh Giá chia sẻ.

Được biết, ngư phủ Lê Xuân Giá có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ chia tay, anh sống với bà ngoại từ nhỏ rồi lang bạt vào Bà Rịa – Vũng Tàu. Chọn nghề đi biển đối với Giá vừa mưu sinh, vừa tìm kiếm cơ hội “đổi đời”. Nhưng giấc mơ ấy biết bao giờ thành hiện thực khi biển dần cạn kiệt cá tôm và nhiều hiểm nguy rình rập trong những lần “úp mặt dò cá” dưới lòng đại dương. “Nghề “làm bạn với hà bá” ai nói sướng bao giờ. Nhưng biết làm gì khi mình đã chọn biển để mưu sinh. Gian khổ, nhọc nhằn đấy nhưng không ra biển là cảm giác nhớ lắm. Vậy mới nói, làm nghề này coi như sống chết với biển” - anh Giá tâm sự.

Ngư dân được cán bộ Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tặng cờ Tổ quốc và cấp thuốc chữa bệnh miễn phí. Ảnh: Mai Thắng

Cuộc rượt đuổi giữa đêm khuya

Tôi gặp anh Trần Minh Cường, chủ tàu cá Bình Định có số hiệu BD 94726 TS khi tàu của anh vào đảo Đá Tây mua nhiên liệu và đá lạnh. Mái tóc xơ cứng như rễ tre và khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, không ai nghĩ anh ở tuổi 42. “Tui 53 tuổi rồi đấy. Nghề đi biển mà, nhanh già lắm. Anh thấy đấy, trên nắng nóng, dưới biển mặn, không đen không già ai bảo “dân ghe” (ý nói những người đi biển cực khổ)" - anh Cường hóm hỉnh.

Anh Cường kể cho chúng tôi nghe chuyện bị tàu “lạ” rượt đuổi giữa đêm khuya trên biển hồi năm 2014. “Lần đó, suýt tui bỏ mạng ở biển. Nó (tàu) xuất hiện bất thình lình không kịp trở tay. Bỏ cả lưới vây chạy thục mạng. May mà thoát nạn chứ không chừ đâu được ra khơi nói chuyện ở đây với các anh”- anh Cường bắt đầu câu chuyện.

10 năm trước - tháng 7/2014, tàu lưới vây của anh đánh bắt hải sản ở khu vực biển Hoàng Sa của Việt Nam. Hôm ấy, anh cùng 11 ngư phủ đang kéo mẻ lưới vây lúc 9 giờ đêm, bỗng dưng nghe tiếng máy tàu nổ lúc một rõ dần. Mọi người chỉ kịp ngước nhìn thấy một tàu đen xì (đoán là tàu lạ nước ngoài) hú còi ầm ầm lao tới tàu cá của anh. Tình huống quá nguy cấp. Mẻ cá hàng chục tấn đã vào trọn lưới đang bắt đầu thu lưới kéo lên. Bỏ thì tiếc, tiếp tục kéo lưới thì sẽ bị tàu “lạ” lao đến phá hoại, thu lưới vây, thậm chí đâm thủng tàu và bắt người. Cố thu lưới, nhưng không kịp nữa. Khi tàu “lạ” cách tàu cá của anh khoảng chừng 1.000m, anh rú ga chạy về hướng biển Trường Sa. “Thấy tàu tui chạy, nó rượt đuổi theo. Lúc đó, trong đầu nghĩ sẽ bỏ mạng rồi. Tui cố bình tĩnh tăng hết tốc độ cho tàu chạy về đảo Đá Tây. Tầm hơn 3 giờ sáng thì nó không đuổi nữa. Lúc đó, 11 anh em chúng tôi mới biết mình thoát nạn” - anh Cường nhớ lại.

Anh Cường cười hiền để lộ hàm răng “xỉn màu biển mặn” bảo: “Nhà tui hơn 3 đời làm nghề biển. Biết là nghề này cực khổ lắm, bỏ mạng lúc nào không hay, nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Con tui rồi cũng làm nghề này thôi. Biển, đảo của ta, ta cứ khai thác đánh bắt, sợ gì không đi”...

Anh Cường cùng các thuyền viên của anh trở lại tàu cá BD 94726 TS sau khi mua hơn trăm cây đá lạnh và 8 khối dầu máy của Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây cho đợt đánh bắt hải sản dài ngày. Gương mặt ai cũng hớn hở vui cười vì mua đá lạnh, dầu tại đảo giá cả rẻ như ở đất liền. Anh Cường ngoảnh lại nói: “Chào các anh nhé. Hết đá lạnh, hết dầu, chúng tui lại ghé vào đảo để mua hàng”. Trong tiếng gió ào ạt của biển khơi, tôi kịp nghe tiếng hát người chủ tàu lạc quan: “Tàu anh ra khơi khi chân mây ửng hồng, tàu anh ra khơi có ngại chi sương gió ớ hờ”...

Mai Thắng

Bình luận

ZALO