Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 10:23 GMT+7

Chuyển đổi tư duy, giảm nghèo bền vững nơi cực Bắc Tây Nguyên

Biên phòng - Chúng tôi dùng từ “chiến dịch” thay cho tên gọi Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững trên KVBG” là bởi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của BĐBP Kon Tum trong hai năm qua. Hơn thế nữa, đã là “cuộc cách mạng” lớn mang tên phát triển thì cần qua nhiều giai đoạn, nhiều "chiến dịch", với rất nhiều “trận đánh” lớn nhỏ khác nhau.

Năm xưa, những người lính Biên phòng (BP) nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên đã bền bỉ “đưa đò”, tiếp sức cho nhân dân vượt qua “vùng trắng”. Rồi, khi “con chữ Bác Hồ” đã phủ khắp buôn làng biên giới, họ lại miệt mài với những “trận đánh” lớn nhỏ để xóa được đói, giảm được nghèo. Còn hôm nay, một “chiến dịch” mới lại được mở ra, với quyết tâm làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo bền vững...

Cán bộ Đồn BP Sa Loong, BĐBP Kon Tum tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ những câu chuyện “chưa biết làm”...

Với diện tích tự nhiên gần bằng ½ tổng diện tích của toàn tỉnh, trong khi dân số hiện chỉ chiếm khoảng dưới 12% trong tổng số hơn 550 ngàn người của tỉnh, có thể nói, khu vực biên giới (KVBG) tỉnh Kon Tum là địa bàn có mật độ dân cư “mỏng” nhất của một tỉnh “đất rộng, người thưa” thứ 2 toàn quốc (sau tỉnh Lai Châu). Đây cũng là khu vực tập trung 24 thành phần dân tộc anh em, trong đó có gần 50 ngàn người là DTTS, chiếm tỷ lệ 75,6%, sinh sống trên 99 thôn làng thuộc 13 xã, 4 huyện là Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H'Drai. Nói như thế để hình dung những thuận lợi và khó khăn trong đầu tư phát triển, nhất là những vấn đề liên quan đến chất lượng dân số và an sinh xã hội.

Có thể khẳng định, trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân KVBG tỉnh Kon Tum đã có những bước phát triển vượt bậc. Bằng chứng là đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số còn lại cũng đang trong những “bước chạy” tăng tốc để có thể về đích sớm nhất. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh thì đời sống nhân dân, nhất là đồng bào DTTS trên KVBG vẫn còn một khoảng cách khá lớn, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều, một bộ phận nhỏ hoặc là thiếu kiến thức, tư liệu sản xuất, chi tiêu, tích lũy chưa hợp lý (tạm gọi là chưa biết làm) hoặc vẫn còn tự ti, ngại đổi mới, thậm chí là trông chờ, ỷ lại (biết mà chưa làm).

Câu chuyện gia đình ông A Liên ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi là minh chứng điển hình cho nhóm thứ nhất và tính hiệu quả trong tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ bà con nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất của người lính BP. Cùng với việc hỗ trợ nguồn con giống phát triển chăn nuôi, năm 2021, Đồn BP Sa Loong (BĐBP Kon Tum) đã khởi động mô hình trồng lúa nước cho hộ gia đình thiếu nhân lực mà lại thừa “thực lực” này. Đây là lần đầu tiên cả nhà A Liên “xắn quần xuống ruộng” nên mọi công đoạn từ đào đất, lật cỏ, chọn giống, bỏ phân đều là một bài học, không chỉ dành riêng cho các thành viên trong gia đình, mà còn là nơi để bà con DTTS Xê Đăng trong vùng tiếp cận học hỏi.

Cũng đã có một vài “trục trặc” nhỏ, bởi ngay cả người lính BP cũng vừa học, vừa làm, song cuối cùng, nụ cười cũng đã nở trên môi của cả người cho đi và nhận lại. Trong ngày thu hoạch vụ lúa đầu tiên, ông A Liên đã phải ngỡ ngàng thốt lên: “Mình không bao giờ nghĩ chỉ với 4 sào đất mà lại thu về được hơn 60 bao lúa. Như vậy, mỗi năm làm 2 vụ, ít nhất nhà mình sẽ có được 6 tấn lúa, trong khi trước đây năm nào thuận lợi nhất cũng chỉ được 6 tạ mà thôi. Nếu không có BĐBP giúp đỡ, chắc chắn nhà mình sẽ không bao giờ làm được như thế...”.

Những câu chuyện tương tự như gia đình A Liên xuất hiện trên khắp 99 thôn làng thuộc KVBG của tỉnh Kon Tum. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, người thì chưa được “lấp đầy” kiến thức, nhưng cũng có nhà thiếu tư liệu sản xuất, chi tiêu không hợp lý dẫn đến tích lũy bằng 0. Điều này càng chứng minh vai trò không thể thiếu của BĐBP và tính hiệu quả của chiến dịch “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững trên KVBG” - tên gọi đầy đủ của Cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum triển khai từ năm 2021 đến nay.

... Đến việc trị liệu "căn bệnh" biết mà chưa làm

Nếu như việc trợ giúp người “chưa biết làm” trên KVBG luôn gắn với sự đồng hành chặt chẽ đầy tình thương và trách nhiệm của người lính BP Kon Tum, thì việc giải quyết căn bệnh “biết mà chưa làm” còn cần thêm những giải pháp “trị liệu” tối ưu nhất. Nói một cách dễ hiểu, ứng xử với người “chưa biết làm” đôi khi còn đơn giản, dễ dàng hơn nhóm “biết mà chưa làm”.

Cán bộ Đồn BP Đắk Plô, BĐBP Kon Tum giúp đỡ đồng bào DTTS Giẻ Triêng trên địa bàn tận dụng lợi thế đất triền đồi để trồng cây sâm dây. Ảnh: Thái Kim Nga

Đây là “căn bệnh” còn khá phổ biến không chỉ trên KVBG tỉnh Kon Tum mà vẫn còn thấp thoáng đâu đó ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Tây Nguyên và nó biểu hiện trên cả đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều hộ gia đình mặc dù biết sản xuất lúa nước năng suất vượt trội so với lúa nương một vụ nhưng vẫn giữ khư khư lối canh tác truyền thống, biết chăn nuôi đàn gia súc theo hướng nuôi nhốt tập trung hiệu quả hơn nhiều nhưng vẫn lựa chọn cách thả rông, biết chuyện ma chay cúng tế, cưới hỏi dài ngày tốn kém, duy trì các hủ tục vừa mất an toàn vệ sinh, vừa ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục nhưng vẫn không chịu thay đổi.

Cùng với đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, làm đến đâu tiêu đến đó, thậm chí có gia đình sẵn sàng giết mổ trâu, bò, kể cả đó là con giống từ các kênh hỗ trợ xóa đói giảm nghèo để phục vụ “bữa tiệc cộng đồng” kéo dài từ ngày này sang ngày khác hơn là bán nó để lấy vốn tái đầu tư cho sản xuất.

Để hạn chế thực trạng nêu trên, những người lính BP nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên một mặt, tham mưu, phối hợp với chính quyền cơ sở (xã, thôn, làng) giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong cộng đồng; mặt khác, triển khai các “cánh quân” tinh nhuệ nhất như đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn BP tham gia sinh hoạt chi bộ thôn làng, phụ trách hộ gia đình, cán bộ người DTTS đồn BP kết nghĩa hộ gia đình DTTS trên địa bàn tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giáo dục bà con nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các hương ước, quy ước xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa.

Qua việc triển khai thực hiện các chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, BĐBP Kon Tum đã từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, huy động đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng nhà ở, trao tặng sinh kế, hỗ trợ cây con giống, trợ giúp học đường cho người nghèo trên địa bàn biên giới, trực tiếp đồng hành, giúp đỡ hơn 200 hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện cuộc vận động không chỉ khẳng định dấu ấn, vai trò của BĐBP trên địa bàn biên giới, mà còn mang đến nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, tiếp thêm nguồn năng lượng để chúng tôi tiếp tục cống hiến, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng địa bàn biên giới ngày càng ổn định và phát triển” - Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Kon Tum chia sẻ.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO