Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:43 GMT+7

Chuyện ghi ở Trung Thịnh

Biên phòng - Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước chăm lo cải thiện, nhưng miền núi vẫn còn vô vàn gian khó, đặc biệt là ở một địa phương địa hình chia cắt mạnh, giao thông còn cách trở như huyện Xín Mần. Có đến nơi đây mới thấm thía phía sau những nụ cười rạng rỡ của những người thầy đang nuôi dưỡng, dạy dỗ cho các cháu và những y, bác sĩ ngày đêm chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc là sự gian truân, vất vả mà chỉ có tình yêu nghề mới là hành trang quan trọng nhất để họ bám trụ được trên mảnh đất mù sương này.

Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Trung Thịnh. Ảnh: Thanh Hội

Ngày vui y tế vùng cao

Nằm trên mỏm đồi cao, trạm y tế xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần mới được đầu tư xây dựng khang trang vẫn còn thơm mùi sơn mới. Dù cơ sở hạ tầng đảm bảo tốt nhưng thiết bị y tế còn thiếu thốn nhiều. Theo bác sĩ Đỗ Thị Mỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang: Cả tỉnh được đầu tư 46 trạm y tế thì riêng huyện Xín Mần được đầu tư đến 10 trạm, trong đó, có 4 trạm được xây mới, đó là sự quan tâm rất lớn với Xín Mần. Huyện có 18 trạm y tế thì hầu hết hạ tầng đã được đầu tư, tu sửa, tuy nhiên, trang thiết bị thì còn thiếu thốn nhiều, nên việc đoàn đến thăm khám để phát hiện bệnh sớm và cấp thuốc cho người dân là việc làm hết sức ý nghĩa.

Hôm nay, người dân ở các thôn, bản của xã Trung Thịnh vui như hội. Trên mỗi gương mặt học sinh luôn rạng rỡ trong bộ quần áo đẹp nhất. Tại các nẻo đường, bà con nô nức kéo đến trạm y tế xã, tiếng í ới gọi nhau xen lẫn tiếng nói cười của người dân bản địa rộn ràng khắp các bản. Mặc dù không hiểu được tiếng địa phương, nhưng trong đoàn ai cũng cảm nhận được niềm vui làn tỏa từ người dân. Bác sĩ Trần Đình Đức chia sẻ: "Bà con vui, chúng tôi cũng quên cả mệt mỏi, mặc dù khám ở đây lâu hơn bình thường. Người dân rất ít khi được tiếp cận với y tế, do ngôn ngữ bất đồng nên mỗi bàn khám đều được bố trí một cán bộ y tế xã làm “phiên dịch viên” để trao đổi, tư vấn". Bác sĩ Bùi Văn Hiệu vừa siêu âm, vừa phải ra tay ám chỉ bằng hành động, nhiều từ chuyên môn cũng gây khó khăn cho những “phiên dịch viên” khi trao đổi lại với người dân bản địa.

Đang khám bệnh, trời bỗng đổ mưa xối xả. Điện phụt tắt. Những đám mây mù nhanh chóng ùa vào phòng, lạnh toát. Chỉ ít phút mà trời đang sáng bỗng đột ngột mịt mùng như đêm tối. Gió từ dưới thung thông thống thổi lên, giật từng hồi làm lật đổ cả bức phông dù được dựng lên ở khoảng sân trống. Bác sĩ Nguyễn Đức Uyên lấy đèn pin, nhẹ nhàng soi khám cho kịp tiến độ. Phòng bên, bác sĩ Trịnh Văn Hùng vẫn miệt mài thăm khám cho bệnh nhân dưới ánh đèn pin, mồ hôi ướt đầm khoảng áo blu. Cẩn trọng xem chỉ số huyết áp cho từng người dân, anh cho biết: "Chúng tôi phải chú trọng kê đơn tập trung vào thuốc điều trị huyết áp". Anh trăn trở: "Chưa lý giải được nguyên nhân vì sao người dân ở đây có chỉ số huyết áp tâm thu rất cao, rất nhiều người chỉ số lên đến trên 200mmHg, thậm chí, có người lên đến 240 mmHg mà họ vẫn sống và làm việc bình thường. Với chỉ số này, nếu là người miền xuôi thì phải cấp cứu lâu rồi và có nguy cơ rất lớn tới tính mạng".

Hành lang trạm y tế đông nghịt, phải len lỏi một hồi mới tới được phòng cấp thuốc nằm ở cuối dãy nhà. Dược sĩ Lê Thị Mơ và chị Nông Thị Tùy thoăn thoắt lấy thuốc theo đơn cho người dân, mồ hôi chảy dài trên má, nhưng các chị vẫn luôn cẩn trọng dặn dò kỹ lưỡng người nhà bệnh nhân từng loại thuốc, bởi: "Mặc dù có giấy hướng dẫn rõ ràng, nhưng nhiều người không biết chữ” - Dược sĩ Lê Thị Mơ chia sẻ. Cụ Ly Sào Khún, 96 tuổi, chỉ tay vào anh con trai đi cùng và chậm rãi từng câu: “Chả biết chữ đâu, về nhà nó bảo uống thôi á”. Nói rồi, cụ khoát tay chỉ lên phía đỉnh núi mờ sương, cười phúc hậu: "Nhà ở tít trên kia, ít được xuống núi khám bệnh lắm, nay được cán bộ y tế khám thế này, vui lắm!".

Được bác sĩ ở tận “dưới xuôi” lên trực tiếp khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc nên ai nấy đều phấn khởi. Xách túi thuốc to đùng, cụ Thèn Văn Pín, ở bản Cốc Chiu nói: "Nhà nghèo lắm, chẳng có tiền ra huyện khám bệnh đâu á, nay được cán bộ vào tận đây khám, lại được cho cái chữa bệnh thế này, vui lắm!". Chỉ tay vào cơ số thuốc và một số thiết bị đoàn tặng, bác sĩ Vương Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện trải lòng: Xín Mần là huyện đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt mạnh. Các tập tục lạc hậu vẫn còn nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu gặp rất nhiều gian khó, nhất là công tác phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sau sinh và phòng dịch. Đặc biệt là xã Trung Thịnh, đường sá hiểm trở, dân cư thưa thớt và nằm xa cơ sở y tế, nên được đoàn bác sĩ đến thăm khám như thế này là nguồn động viên rất lớn đối với đồng bào Trung Thịnh cũng như cán bộ Trung tâm Y tế Xín Mần.

Chuyện học ở ngôi trường bên sườn núi

Nằm cheo leo ở sườn núi dốc là Trường Trung học cơ sở Trung Thịnh. Ngôi trường được xây dựng kiên cố bằng dãy nhà 2 tầng tựa lưng vào núi. Sau cơn mưa, những đám mây trắng tinh bồng bềnh trôi qua những thửa ruộng bậc thang, tạo nên không gian sống động. Chỉ tay về những ngôi nhà xa hút, thầy Lèng Văn Nam, Hiệu trưởng nhà trường bùi ngùi: "Đó là bản gần, chứ nhiều em học sinh ở những bản xa cách trường cả chục cây số, nên việc duy trì sĩ số lớp học là vô cùng vất vả. Có ngày mưa lũ, lớp vắng học trò, các thầy cô phải dạy bù vào ngày nghỉ".

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Công cho biết: "Học tại điểm trường này có 448 học sinh thì đa số người dân tộc Nùng, trong đó, số học sinh thuộc hộ nghèo chiếm tới 76%. Có một bếp ăn bán trú và 7 phòng ở phục vụ cho gần 200 em được nuôi ăn, ở tại trường, một số ở gần nên các em tự đi lại, số còn lại do không có chỗ ở nên vẫn phải trèo đèo lội suối đi về trong ngày".

Đại diện đoàn công tác trao quà cho các cháu Trường Tiểu học bán trú Trung Thịnh. Ảnh: Thanh Hội

Khi đời sống người dân còn khó khăn thì việc quan tâm cái chữ cho con em vẫn còn là chuyện xa vời. Theo cô Tổng phụ trách Đội Mạc Thị Nhung: Cha mẹ đầu tuần cho các cháu kèm theo bộ quần áo dự phòng đến giao cho các thầy cô, cuối tuần đón về nhà; còn lại, mọi việc lo cho các cháu trong tuần, giáo viên phải đảm nhiệm. Địa phương không giáp đường biên nên chế độ đãi ngộ không được ưu tiên theo quy định, nhưng khó khăn thì không khác gì xã biên giới, các thầy cô giáo phải là những người thực sự yêu nghề, mến trẻ mới bám trụ được tại điểm vùng cao này. Hằng ngày, ngoài việc dạy cái chữ, các thầy cô còn như những người mẹ thứ hai trong việc chăm sóc các cháu, khó khăn nhất là trường lại nằm xa chợ và trạm y tế xã.

Sân trường hôm nay vui như mở hội, niềm vui thể hiện rõ trên từng gương mặt thơ ngây của đám học trò. Chải lại mái đầu cho đám học sinh, cô Nguyễn Thị Thúy Điền chia sẻ: "Phải xa cha mẹ từ nhỏ, nên các cháu có tính tự lập rất cao, chăm ngoan và biết nghe lời thầy cô giáo". Phía sân trường, từng tốp học sinh quét dọn sân sạch bóng; trong phòng học, một nhóm các em hỗ trợ các cô chú chia từng suất quà rồi nhanh chóng chuyển xếp lên bục gọn gàng. Có lẽ, vui nhất vẫn là các em ở phòng bên, được trang điểm và khoác lên mình bộ quần áo mới để chuẩn bị “công diễn” văn nghệ trước các “du khách”. Mặc chiếc áo mới vừa được tặng, em Thèn Anh Tuấn, lớp 7C cảm động: "Con cảm ơn các cô chú, mùa Đông năm nay con không bị rét nữa rồi".

Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đầu tư với hàng loạt các chính sách cho vùng dân tộc, miền núi, đời sống người dân không ngừng được cải thiện song vùng cao Xín Mần nói chung và xã Trung Thịnh nói riêng vẫn còn vô vàn gian khó. Chủ tịch UBND xã Trung Thịnh Nguyễn Minh Công chia sẻ: "Với số học sinh thuộc hộ nghèo còn cao như Trung Thịnh, thì được nhận những phần quà của đoàn là sự động viên rất lớn đối với các cháu".

Tiếp nhận 190 chăn ấm và các đồ dùng phục vụ học tập từ đoàn để trao cho từng cháu, ông Ngô Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cảm động: "Từ nay, các cháu ở đây sẽ ấm áp hơn rồi, sự ấm áp không hẳn từ những phần quà các anh tặng, mà còn bởi tình người và sự yêu thương đã được lan tỏa từ những tấm lòng thiện nguyện". Ông Lê Thanh Hội, Trưởng đoàn công tác đáp lời: "Món quà không có giá trị nhiều về vật chất, mà có ý nghĩa động viên về tinh thần, như một thông điệp: Cộng đồng luôn bên cạnh trong những lúc khó khăn và “Không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình vươn lên học tập của các cháu".

Thanh Hội

Bình luận

ZALO