Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 08:59 GMT+7

Chuyện về cây đàn ghi-ta của lính văn công trong vùng địch

Biên phòng - Tôi nguyên là diễn viên của Đội văn công E50, thuộc Khu tả ngạn sông Hồng chuyên hoạt động trong vùng địch hậu của chiến trường đồng bằng Bắc bộ. Những năm 1950 - 1952, khu vực này nằm gọn trong thế bao vây và dày đặc đồn bốt của giặc Pháp và quân ngụy. Vì vậy, đơn vị chúng tôi phải phân tán nhỏ lẻ bám đất, bám dân chiến đấu, cơ động chống lại những cuộc càn quét, phá tan âm mưu bình định của địch để xây dựng vùng căn cứ du kích, bảo vệ nhân dân làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Do đặc thù nhiệm vụ của đơn vị nên Đội văn công chúng tôi phải hoạt động theo kiểu du kích. Quân số chỉ có 8 người, do anh Hoàng Diệp làm Đội trưởng (sau này là Trưởng phòng Tuyên huấn BĐBP). Do không có chiến sĩ nữ nên chúng tôi cứ phải kiêm nhiệm các môn ca, múa, kịch… Khi địch mở rộng càn quét lớn, chúng tôi phải giấu đàn xuống hầm bí mật hoặc gửi vào làng "tề" (do địch cai quản) để cùng bộ đội tham gia chiến đấu.

Lúc ấy, nhạc cụ vô cùng thiếu thốn, phải nhờ người sang tận thị xã Hưng Yên mới mua cho được cây đàn ghi-ta và cái kèn ác-mô-ni-ca. Anh em chúng tôi cũng có thêm được mấy cái đàn măng-đô-lin, nhị, sáo trúc… Tiết mục thì hầu hết là tự biên tự diễn. Khi có tiết mục phải yêu cầu có nữ diễn viên, chúng tôi phân công nhau đảm nhiệm.

Để đóng vai nữ, chúng tôi phải vào làng mượn chị em khăn vuông làm khăn đội đầu hoặc khâu mấy cái lại làm váy. May mà anh Trần Minh, Đội trưởng Đội văn công Trung đoàn 42, cho một phần ba cái dù chiến lợi phẩm đem cắt ra nhờ chị em khâu cho mấy cái váy…

Đêm ấy, tại Kiến Xương, Thái Bình, chúng tôi biểu diễn phục vụ lễ mừng công chiến thắng đường 39 - Thanh Lê. Trên sân đình, không âm thanh, ánh sáng, nhập nhòe dưới ánh sao đêm, le lói hai ống đuốc bằng dọc đu đủ đổ dầu tẩm giẻ. Mở đầu chương trình là bài đồng ca “Hát mừng chiến công" sáng tác tự biên. Kế đến là những bài hát "tủ" như: “Noi gương chị Nguyễn Thị Chiên” của Đỗ Nhuận; “Nông dân là quân chủ lực” của Lưu Hữu Phước…

Trong số chúng tôi, chẳng ai có được giọng hát đơn ca mà toàn là những "ca sĩ bất đắc dĩ" của những anh nông dân chỉ quen hô "vắt vắt" đánh trâu theo đường cày nên cứ hát hai, ba người và tốp ca cho chắc ăn. Riêng về bộ phận nhạc, ai có thứ gì thì luân phiên nhau mà đánh. Đệm đàn ghi-ta thì suốt từ đầu đến cuối bài chỉ có một gam. Ở đội chúng tôi có anh Bảo Ngọc chơi ghi-ta khá hơn cả. Khi đánh những bài vui, anh ngoáy những ngón tay trên đàn rồi còn dùng khuỷu tay đập trên mặt đàn thay tiếng trống nghe rất vui tai.

Chúng tôi biểu diễn xong chẳng có hoa tươi, chẳng có tràng pháo tay cổ vũ mà chỉ có những ánh mắt, nụ cười hân hoan trìu mến vẫy tay của các anh bộ đội và những thôn nữ dịu hiền.

Cuối năm 1953, tiết trời đông giá lạnh. Ở thị xã Thái Bình, bọn địch đã tập trung quân, mấy bốt lân cận thỉnh thoảng lại bắn pháo sáng lóe lên rực sáng một góc trời.

Ông Thăng, Xã đội trưởng, chủ nhà từ đâu đi về, cởi áo tơi, bỏ nón, lặng lẽ vào bàn rít điếu thuốc thật dài. Dưới ánh đèn dầu hỏa lúc tỏ lúc mờ, ông ngồi đó như đang suy nghĩ điều gì.

Gian bên của ngôi nhà ông Thăng được gia đình cho chúng tôi trải rơm làm ổ, tấm chăn vải quá mỏng làm chúng tôi rét quá, không sao ngủ được. Anh Hoàng Diệp lấy mấy cái váy vải dù ra, cứ ba anh đắp chung một cái, từ đó mới có tý hơi ấm. Đầu nhà, tiếng giun dế kêu inh ỏi, mái hiên tí tách mưa rơi. Nằm vừa ấm chỗ thấy lập lòe ánh đèn pin, tiếng đi vội vã chạy xộc vào nhà: "Dậy! Dậy…! Cấp tốc hành quân" - Tiếng anh Thuận bên văn thư sang thông báo.

Chúng tôi vội vã thu dọn dụng cụ biểu diễn chuẩn bị lên đường.

Ra khỏi làng, trời mưa càng nặng hạt, gió thổi mạnh dần. Mảnh ni lông không sao che kín được cả người lẫn đàn, tôi đành phải úp mặt cây đàn vào ngực, dò dẫm bước đi.

Bốt Cao Từa thỉnh thoảng pháo sáng lại lóe lên, chen vào đó là những tiếng nổ từ bốt Lê bắn cầm canh nghe lọng óc. Không gian thật vắng lặng. Không ai được nói chuyện, chỉ có tiếng lép nhép của những bước chân đi trong tiếng mưa rơi trên đường làng. Chúng tôi cứ thế đi qua nhiều cánh đồng và từ làng nọ sang làng kia, thỉnh thoảng lại nghe tiếng "oạch" của ai đó "vồ ếch".

Bao năm hoạt động trong vùng địch hậu, bao cuộc hành quân muôn vàn gian khổ đã quá quen thuộc, nhưng chúng tôi vẫn ngại những cuộc hành quân luồn càn chiến đấu trong mưa dầm gió bấc. Khoảng 3 giờ sáng thì chúng tôi tới bờ sông. Một con đê lù lù chắn ngang trước mặt. Vào trong đê, vườn tre, vườn chuối rậm rạp um tùm, chúng tôi như đi vào hũ nút.

Lệnh "Một" truyền xuống: "Cởi quần áo, vượt sông!". Bộ đội nhanh chóng ba lô, súng đạn lặng lẽ qua sông. Đội văn công của chúng tôi cùng mấy anh trong E bộ vào nhà dân xin cây chuối làm bè chuyển tài liệu.

Tôi đang lo lắng tìm cách mang cây đàn qua sông, lúng túng thế nào bị tuột tay rơi cây đàn xuống nước, đàn nổi lềnh bềnh như con thuyền nhỏ. May qúa, một sáng kiến lóe lên, tôi vội lấy tấm ni lông cuốn quần áo vào đàn làm thành cái phao bơi. Do bơi thạo, tôi nhanh chóng lấy quần áo của một số anh em không biết bơi mang sang trước, rồi quay sang đón nốt mấy anh còn lại. Trông anh nào cũng trần như nhộng, ngồi thu lu như đười ươi giữ ống.

Khi đưa anh Hoàng Diệp là người cuối cùng ra giữa dòng sông, tôi đã thấm mệt. Thỉnh thoảng đám bồng trang lại trôi đến như muốn nhấn chìm chúng tôi xuống nước. Tôi bị uống mấy hụm nước ho sặc sụa, nhưng sợ ho to bị lộ, mồm phải ngậm lại nên càng bị sặc hơn.

Thế rồi mấy anh em chúng tôi cũng qua được dòng sông rồi chạy theo đơn vị.

Mừng vì đưa được đồng đội qua sông, nhưng rất lo là sợ hỏng mất cây đàn ghi-ta. Dầm mưa suốt đêm, đàn ngấm nước bong ra là cái chắc. Nó mà hỏng thì chữa ở đâu, mua ở đâu bây giờ. Không có nó thì chúng tôi có khác gì người lính vào trận không súng, không đạn. Thật may, qua cuộc hành quân này, "báu vật" của chúng tôi vẫn an toàn.

Trong những buổi biểu diễn sau đó, cây đàn ghi-ta của chúng tôi tiếp tục đóng vai trò là chủ công. Nó đã cùng chúng tôi đi suốt trong những ngày kháng chiến gian khổ. Lúc phơi mặt căng dây vang lên động viên bộ đội, lúc lặng lẽ nằm im dưới hầm bí mật hoặc tạm lánh vào làng "tề" để chúng tôi cầm súng đạn theo đơn vị đi chiến đấu.

Từ ngày ấy trở đi, cây đàn đã theo tôi qua các Đoàn nghệ thuật. Năm 1957, tôi vẫn mang theo cây đàn về xây dựng Đoàn văn công Quân khu Hữu Ngạn. Cây đàn ghi-ta đó bây giờ đã đi vào dĩ vãng, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về nó.
Doãn Duyên
(Thiếu tá, nguyên Đội trưởng đội Hát, Đoàn văn công Công an nhân dân vũ trang)

Bình luận

ZALO