Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:23 GMT+7

Chuyện về những cựu chiến binh Biên phòng Làng Nủ

Biên phòng - Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phúc Khánh nói với tôi: “Những ngày qua, anh em Biên phòng luôn hết mình vì bà con”. Câu chuyện của ông Sơn luôn nhắc đến sự hy sinh, vất vả của các huấn luyện viên và đội chó nghiệp vụ Trường Trung cấp 24 Biên phòng có mặt ngay khi trận lũ quét kinh hoàng (ngày 10/9) ập xuống​​ thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn luôn đồng hành, giúp đỡ cán bộ BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: Văn Chương

Mỗi sớm tinh mơ ở thôn Làng Nủ, người dân lại ngước mắt nhìn lên đỉnh núi Con Voi và mong mây trắng bay trên bầu trời xanh, vì nếu mây màu xám tro thì mưa lại trút xuống đỉnh núi và nước chảy ở con suối cuối làng sẽ có màu đất đỏ. Một cụ già đứng nhìn những huấn luyện viên dắt chó nghiệp vụ ra bãi tìm kiếm, rồi thốt lên: “Ơ..., nhà đầu xóm kia cũng có người từng đi lính Biên phòng - ông Nguyễn Văn Dựa, vợ và con bị lũ cuốn đều chết hết rồi!”.

Từ câu chuyện của ông Dựa, tôi được đồng bào dân tộc Tày dẫn đi thăm rất nhiều cựu chiến binh từng là chiến sĩ Biên phòng. Xã Phúc Khánh là nơi cư trú của khoảng 60 cựu chiến binh Biên phòng. Trên con đường bê bết đất đỏ dẫn vào Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, bà con chỉ vào một người cán bộ đang đi ra mép suối gặp gỡ bà con nhân dân, vào khu trại hướng dẫn việc cấp phát hàng cứu trợ, đó là ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Phúc Khánh, nguyên là chiến sĩ Biên phòng.

Gặp ông Nguyễn Mạnh Sơn, tôi nhận ra đây là người trước đó đã gặp ở nhiều nơi. Ông Sơn luôn có bước đi thật nhanh, hết qua cánh đồng đầy vết nham nhở và cột nhà trôi nổi, ông lại đến gặp bà con nhân dân trong bản, bắt tay anh em bộ đội và động viên rất chân tình. Ông Sơn sinh năm 1978, nhập ngũ tháng 3/1999. Nói chuyện một lát, ông Sơn thốt lên khiến tôi giật mình: “Hôm qua, anh em Biên phòng tìm thấy một thi thể nằm sát lối đi, anh tên là Nguyễn Văn Xứ, từng là chiến sĩ của BĐBP Lào Cai”.

Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng, Phó Hiệu trưởng Tham mưu tác chiến Trường Trung cấp 24 Biên phòng thường đứng lặng trước bãi bùn lầy, mắt nhìn về phía chân núi Con Voi. Nơi Thượng tá Sáng và đội chó nghiệp vụ xuất phát vào mỗi buổi sáng là trước ngôi nhà của cựu chiến binh Hoàng Văn Hòa. Ngôi nhà của ông Hòa nằm trên mỏm đất cao sát chân núi, từ đây có thể bao quát hết các hoạt động tìm kiếm trên dòng suối cạn. Vừa bước lên bậc thang và cất tiếng chào hỏi, ông Hòa đã vội vã bắt tay và rót nước ra mời.

Bà Hoàng Thị Den (bên trái), vợ cựu chiến binh Hoàng Thế Nhiệm và bà Hoàng Thị Son nói chuyện cùng các cán bộ BĐBP. Ảnh: Văn Chương

Ông Hòa nói: “Tôi nhập ngũ năm 1979, đi lính 4 năm 6 tháng, có tham gia xây dựng nhà tạm ở Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai”. Ông Hòa bắt đầu kể về những ngày đầu ngồi ở ngôi nhà này và rất xúc động vì thấy cảnh anh em BĐBP đóng chiếc hòm nhỏ để chôn cất một phần thi thể của một cháu thiếu nhi. Ông Hòa cho biết, mấy năm nay sức khỏe không được tốt, vì vậy, ông không thể đi xuống cầu thang để ra đường gặp anh em BĐBP hằng ngày đi qua. Nhưng mỗi khi gặp các chiến sĩ Biên phòng thì lại nhớ tháng ngày có mặt trên biên giới vào thời điểm khó khăn và nguy hiểm nhất.

Khi được hỏi đến cựu chiến binh Biên phòng là ông Nguyễn Văn Dựa, ông Hòa cho biết, gia đình ông Dựa có hoàn cảnh quá bi đát, trận lũ ập tới và ông Dựa may mắn thoát chết, nhưng lại đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, còn vợ và con của ông Dựa thì đã qua đời. Nhận xét về cựu chiến binh Biên phòng Nguyễn Văn Dựa, ông Hòa nói: “Sau khi xuất ngũ trở về đia phương, phần lớn anh em đều là công dân gương mẫu, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”.

Ở thôn Làng Nủ, nỗi ám ảnh lớn nhất giờ này là mưa đổ. Trời chỉ nắng được trong 2 ngày 20 và 21/9, sau đó lại đổ mưa, đồng bào lại tiếp tục lo ngại có sạt lở núi. Trong tiếng mưa rơi lộp bộp trên tàu lá cọ sau lưng nhà, cựu chiến binh Hoàng Thế Nhiệm nhìn ra cửa sổ và nói: “Trời phải nắng thì anh em BĐBP mới bớt vất vả”. Ông Nhiệm nhập ngũ từ năm 1984, từng là chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long. Ông là người rất nhiệt tình với anh em BĐBP, cho bộ đội mượn nhà để 10 cán bộ ở, ông còn vận động gia đình của con gái là Hoàng Thị Thiệp hỗ trợ, dành không gian để 4 cán bộ BĐBP ở nhờ.

Ông Nhiệm kể, thời điểm năm 1984, tình hình còn nhiều khó khăn, ông cùng những người lính Biên phòng trên lưng ngựa đi sát cánh cùng bà con ổn định cuộc sống. Từ ngày có BĐBP về làng, ông cùng vợ thu xếp tạo điều kiện cho anh em ở tại nhà, ấm trà ông pha vào mỗi buổi sáng cùng với câu chuyện trên ngôi nhà sàn với anh em BĐBP là kỷ niệm khó quên.

Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh và ông Lý Văn Học, Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng xuất thân là chiến sĩ Biên phòng. Công việc lo cho dân sau thiên tai khiến ông Mạnh phải làm việc cả ngày lẫn đêm và không có thời gian để tâm sự về những năm tháng quân ngũ. Ông Mạnh chỉ lướt đi rất nhanh, bắt tay anh em, nói câu chân tình: “Gặp lại đồng đội cũ, chúc anh em cố gắng giữ sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn tâm sự: “Trong đợt lũ quét, nhiều thân nhân gia đình của các đồng chí cựu chiến binh BĐBP đã bị mất mát, anh Nguyễn Văn Xứ và anh Nguyễn Văn Chung qua đời, anh Nguyễn Văn Thinh bị thương, anh em trong Hội Cựu chiến binh xã đứng ra lo toan giúp gia đình của người bị nạn, tình đồng chí với nhau như lời thề thứ 7 trong 10 lời thề danh dự của quân nhân trong QĐND Việt Nam”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO