Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 08:56 GMT+7

Chuyện về nữ cựu binh dân tộc Tà Riềng

Biên phòng - Những ngày cuối tháng 8-2013, khi về huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) để sưu tầm hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạng của tỉnh, anh Trần Dư, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Giang cho chúng tôi biết: “Tại thị trấn Thạnh Mỹ này có một người phụ nữ dân tộc Tà Riềng, nguyên cựu thanh niên xung phong đã nghỉ hưu, các anh đến đó hy vọng sẽ có thêm nhiều tư liệu về đề tài chiến tranh cách mạng”. Thế là xong việc, chúng tôi tìm đường về nhà bà trong cái nắng gay gắt giữa trưa...

 yv9l_7189a.gif
Bà Zơrâm Nhoi trao tặng những kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Quảng Nam.
Đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ

Chúng tôi tìm đến tổ 9, thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang là nơi bà Zơrâm Nhoi sinh sống sau khi đã nghỉ hưu, cũng là lúc bà vừa đi nhận tiền trợ cấp trên thị trấn về. Trong căn nhà gỗ nhỏ, sau khi rót nước mời khách, bà chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về tuổi thanh xuân và những năm tháng theo Đảng và Bác Hồ làm cách mạng: “Gia đình có 8 chị em, tôi là con thứ 2, chưa đầy 10 tuổi đã phải thường xuyên đi làm rẫy cùng cha mẹ. Nếu tôi đi thoát ly, ở nhà sẽ mất đi một người lao động, nên phải thuyết phục mãi, bố mẹ mới đồng ý. Thế là vào cuối năm 1962, khi mới tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi đã tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm dân công hỏa tuyến của xã Đắk Tôi, huyện Nam Giang”.

Bà Zơrâm Nhoi, SN 1945, quê ở làng Đắk Tà Vâng, xã La Dêê - một xã giáp với nước bạn Lào. Những ngày đầu tham gia kháng chiến, cô gái Tà Riềng Zơrâm Nhoi gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Bởi nơi đây, ngoài các cán bộ, chiến sĩ là người Kinh, còn có người Cơ Tu, Ve, Lào... cùng tham gia hoạt động kháng chiến. Với sự nhanh nhẹn, mưu trí, từ một chiến sĩ tình nguyện, năm 1968, bà được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Chính trị viên phó Đại đội 13, Tiểu đoàn Bình Sơn, thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5.

Bà nhớ lại, những năm 1968-1970, chiến trường Quân khu 5 là một trong những nơi ác liệt nhất. Hôm đó, vẫn còn mờ sáng, anh em trong đơn vị có người đang ra suối rửa mặt, bắt cá... Bất chợt, cây cối bốc cháy dữ dội, những tiếng nổ cứ ào ào như mưa trút xuống mặt đất. Tiếng ai đó hô to, ra lệnh: B52, tất cả xuống hầm. Ngay sau đó, Zơrâm Nhoi bị thương và mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, bà mới phát hiện mình đang trong bệnh viện, 4 răng hàm bị gãy nên nói không được, ăn cũng không và chi chít các vết thương trên người. Trên ngực bà có 4 mảnh bom bi và 1 mảnh bom găm vào phổi, nhưng không thể phẫu thuật lấy ra được. Dù phải chịu đựng đau đớn, bà vẫn quyết tâm điều trị để trở lại chiến trường. Khi hồi phục, bà tham gia đơn vị công binh làm đường tại khu vực xã Đức Bồng, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đến tháng 3-1972, bà trở lại chiến trường Quảng Đà. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, tổ chức phân công bà về công tác tại trường Văn hóa Hạ sĩ quan, Tỉnh đội Quảng Nam. Tháng 8-1977, bà chuyển ngành về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang) và nghỉ hưu vào năm 1986. Hiện, bà đang trú tại tổ 9, thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, là thương binh hạng 2/4.

Những đóng góp của người nữ chiến sĩ dân tộc Tà Riềng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen...

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Uống xong ly trà, bà tâm sự: Dù sống một mình, nhưng ngôi nhà của tôi có những 3 chiếc giường và vài chiếc chiếu để sẵn. Tôi đã nuôi các em học sinh là con dân tộc Ve, Tà Riềng hay Cơ Tu đến trọ học từ khi nơi đây có trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông (THPT) của huyện. Hằng năm, ít nhất có từ 5-8 học sinh ở các bản làng xa xôi về huyện theo học bậc THPT ở trọ trong nhà. Có người bảo tôi nuôi người dưng, sau này chúng trưởng thành liệu có nhớ đến bà chăng? Tôi cười, trả lời: Nhớ hay không là tấm lòng của các cháu, còn bây giờ, các cháu cần được giúp đỡ để học tập. Tôi chỉ mong các cháu học tập đến nơi đến chốn, trưởng thành về phục vụ quê hương là tốt rồi.

Anh Trần Dư, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho chúng tôi biết: Năm nay bước sang tuổi 68, nhưng bà Zơrâm Nhoi - nữ chiến sĩ người dân tộc Tà Riềng năm xưa vẫn ở vậy không lấy chồng. Nhiều năm qua, bà luôn tận tâm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, về ở trong nhà của bà để học tập. Hầu hết, các em đều là học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ chỉ làm nương rẫy, không có khả năng chu cấp cho các em ăn học. Thương các em ham học, bà tần tảo sớm hôm nương rẫy cùng với đồng lương hưu ít ỏi nuôi các em. Hầu như học sinh ở trọ nhà bà luôn phải sống xa nhà nên những lúc các em đau ốm, bà lại đôn đáo chạy chữa thuốc thang, cơm nước cho các em. Giờ đây, rất nhiều học sinh ngày trước trọ học ở nhà bà nay đã là bác sĩ, giáo viên... Hằng năm, các em vẫn về thăm bà, hỏi han, lo lắng cho sức khỏe của bà. Đây chính là niềm động viên, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với bà.

Trước khi rời thôn Dung, bà Zơrâm Nhoi đã tặng lại Bảo tàng Quảng Nam những kỷ vật một thời đã gắn với bà như: Chén ăn cơm, bi-đông đựng nước uống, bạt, võng, tấm đắp bằng vải dù... mà Cục Hậu cần Quân khu 5 đã cấp phát cho bà trong những năm công tác. Chúng tôi, những người làm công tác văn hóa sẽ mãi giữ gìn những hiện vật đó để trưng bày, giới thiệu cho lớp trẻ hôm nay hiểu về sự cống hiến của lớp người đi trước.

Văn Gia Phúc

Bình luận

ZALO