Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:27 GMT+7

Chuyện về nữ thủ lĩnh "đội quân tóc dài"

Biên phòng - Trong đợt về Quảng Trị, tôi may mắn được gặp bà Hồ Thị Hon, thôn A Sói, xã A Túc, huyện Hướng Hóa. Gần 20 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, quên đi hạnh phúc riêng của mình, bà trở thành đội trưởng của đội quân tóc dài. Qua lời kể của bà, những chiến công oanh liệt của phụ nữ Quảng Trị và "đội quân tóc dài" tái hiện như những thước phim sống động.

 1179b.gif
Giã Vầng hào hứng kể về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy oanh liệt của đội quân tóc dài.
Thời chiến "ba khoan" dặn mình

Bà Hồ Thị Hon, sinh năm 1932, được bà con dân tộc Pa Kô gọi với cái tên thân thuộc "giã Vầng". Hơn 80 tuổi nhưng sức khỏe bà vẫn tốt. Giọng hào sảng, bà hứng khởi khi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời, về những chiến công hiển hách mà đội quân tóc dài đã giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo Quảng Trị, trực tiếp chứng kiến người dân bị giày xéo, mảnh đất chôn nhau cắt rốn bị cày xới bởi mưa bom bão đạn, sự căm hận ấy cứ hun đúc dần trong người con gái Pa Kô nhỏ bé. Năm 1956, giã Vầng tham gia lực lượng dân quân du kích. Tôi hỏi bà, trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ có khi nào bà nghĩ về hạnh phúc riêng không? Bà cười hiền nói: "Mình luôn đặt Tổ quốc lên trên cuộc sống riêng tư. Mình viết đậm ra mảnh giấy nhỏ "ba khoan" gồm "khoan yêu, khoan cưới, khoan con" để tự dặn mình. Những lúc yếu lòng, mình lại lấy mảnh giấy đó đọc. Vả lại, chị em trong "đội quân tóc dài" rất yêu thương nhau, rảnh rỗi là ca hát, tâm sự cho vợi nỗi cô đơn".

Lật giở cho tôi xem những kỷ vật, bằng khen, những hình ảnh, thư tín từ phương xa gửi về, bà kể về những năm kháng chiến: "Năm 1963, được sự phân công của tổ chức, mình đến các xã A Túc, Tà Rụt, A Vào, A Xing, Tù Muồi gặp các lực lượng dân quân du kích để thống nhất kế hoạch đánh địch trên cả mặt trận chính trị và quân sự. Tuyên truyền nhân dân khắp vùng chống lại các cuộc càn quét, đánh chặn các đường tiến quân của địch, yểm trợ cho bộ đội chủ lực của ta tiến đánh sân bay Tà Cơn, Làng Vây, bốt Tà Rụt". Khẽ nhíu đôi lông mày, bà nhớ lại: "Trong trận đó, máy bay Mỹ bay đen trời như đàn quạ đói. Chúng rải bom như trút. Không sợ hãi, lực lượng dân quân du kích vẫn ngoan cường chống trả. Mình trực tiếp giương súng, ngắm và bắn rơi một trực thăng của Mỹ". Năm 1965, trong một trận càn quét dữ dội của Mỹ-ngụy, dưới làn bom dày đặc của máy bay địch, giã Vầng đã bắn rơi được 1 chiếc Cu-ét đang rải chất độc hóa học tại khu vực thôn Ra Hang, xã A Túc. Những chiến công của bà được đồng đội, bà con nể phục. Bà được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công. Với sự chỉ đạo sáng suốt của bà - người đại đội trưởng, lực lượng dân quân du kích xã A Túc đã lập nhiều chiến công, bảo vệ an toàn tuyến đường 14 (đoạn từ Quảng Trị đến Tây Nguyên), góp phần vào thắng lợi giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Không những là đại đội trưởng đội dân quân du kích có nhiều chiến công trên chiến trường, giã Vầng còn rất thành công trong công tác dân vận. Bà luôn tâm niệm "phải tích cực lao động sản xuất thì mới có lực để chiến đấu lâu dài". Bà vận động nhân dân đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm, những nhu yếu phẩm thiết yếu để nuôi quân, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1964-1965. Bà động viên gia đình, hàng xóm đào 30 hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, chăm sóc, cứu chữa thương binh. Đội quân du kích của giã Vầng còn hoàn thành nhiệm vụ thông đường, đảm bảo cho các tuyến xe tiếp tế cho chiến trường.

Không con... mà rất nhiều con

Với những cống hiến, năm 1967, giã Vầng được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã A Túc, người phụ nữ đó lại tiếp tục góp phần xây dựng và đổi mới quê hương. Chiến tranh đã qua đi, nhưng di chứng của nó vẫn đọng lại. Giã Vầng cùng đội du kích xã tích cực thu gom bom mìn trên nương rẫy, vận động bà con từ núi cao về vùng đất bằng để sản xuất, ổn định cuộc sống. Là người đảng viên, một cán bộ, giã Vầng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên những gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, gia đình có người bị chết do bom đạn, bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Chính vì thế, bà được nhân dân A Túc thương yêu, tin tưởng.

Giã Vầng đánh giặc quên cả tuổi xuân, trở thành tấm gương sáng trong kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Trị. Giã Vầng không có chồng nhưng lại rất nhiều con. Bằng đồng lương ít ỏi của mình, giã Vầng đã nuôi 6 cháu có bố mẹ hy sinh vì bom đạn Mỹ; hỗ trợ tiền ăn học cho 5 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, họ đều thành đạt. Một trong số đó là anh Hồ Văn Thu, cán bộ Đài Truyền hình Quảng Trị, thường trú tại khu vực Lìa. Anh Thu xúc động chia sẻ: "Nhờ tình thương bao la của giã Vầng mà tôi đã trưởng thành. Những gì tôi có được hôm nay cũng nhờ công của mẹ. Tôi biết ơn và coi giã Vầng như mẹ ruột của mình".

Hiện tại, giã Vầng đang sống trong ngôi nhà tình nghĩa của báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh xây tặng năm 1999. Bà luôn được các tổ chức đoàn thể quan tâm, chăm sóc, tặng quà nhân dịp lễ, Tết. Lạc quan vào cuộc sống hiện tại, bà cười mãn nguyện: "Đảng và Nhà nước quan tâm đến mình thì mình không lo lắng gì nữa. Thoải mái lắm! Bây giờ có bộ đội, có các con cháu, họ hàng luôn chăm sóc, tuổi già như vậy là vui lắm rồi".

Hồng Vân

Bình luận

ZALO