Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 02:52 GMT+7

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

Cơ chế, chính sách chưa đồng bộ khiến tiến độ giải ngân chậm

Biên phòng - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023, tỉnh Lai Châu được phân bổ 2.189,650 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, kế hoạch giao vốn năm 2022 là 411,636 tỷ đồng; vốn năm 2023 là 546,808 tỷ đồng.

Người dân tộc Dao xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu phát triển chăn nuôi lợn để xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Thu Hằng

Về giải ngân vốn đầu tư, UBND tỉnh Lai Châu cho biết, giải ngân kế hoạch vốn giao năm 2022 đến thời điểm 31/01/2023 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 377,227 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch.

Giải ngân vốn đầu tư năm 2023 là 269,641 tỷ đồng, bằng 49,3% kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 11,797 tỷ đồng, bằng 34,4% kế hoạch.

Về nguồn vốn sự nghiệp, kế hoạch vốn năm 2022 cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lai Châu là 238,103 tỷ đồng. Công tác giải ngân kế hoạch vốn giao đến thời điểm 31/01/2023 của chương trình này là 57,568 tỷ đồng, bằng 24,2% kế hoạch.

Kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2023 cho Chương trình này tại Lai Châu là 385,549 tỷ đồng.

Trong đó, số vốn chưa phân bổ cho các đơn vị là 213,962 tỷ đồng của tiểu dự án 1 - dự án 3 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (do trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung chi hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các đối tượng đã được hưởng chính sách từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng).

Kế hoạch vốn năm 2023 giải ngân đến thời điểm 15/9/2023 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Lai Châu là 33,240 tỷ đồng, bằng 8,9% kế hoạch.

Theo UBND tỉnh Lai Châu để triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đã và đang ban hành rất nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện, tuy nhiên việc ban hành các văn bản cơ chế, chính sách còn chậm, không đồng bộ (vốn giao trước, cơ chế chính sách ban hành sau).

Trên cơ sở văn bản của trung ương, tỉnh cũng phải cụ thể hóa và ban hành rất nhiều văn bản tổ chức thực hiện (hơn 80 văn bản), trong một thời gian rất ngắn nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.

Trong quá trình thực hiện, địa phương gặp nhiều vướng mắc, khó khăn từ cơ chế, chính sách đã được ban hành của trung ương, dẫn đến các địa phương mất nhiều thời gian rà soát, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung.

Đến nay nhiều nội dung, hoạt động (nguồn vốn sự nghiệp) vẫn chưa triển khai thực hiện được, kết quả là một nguồn lực lớn của tỉnh được trung ương hỗ trợ nhưng chậm được khai thông, giải ngân.

Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương hằng năm được trung ương giao chi tiết theo tiểu dự án, dự án thành phần và lĩnh vực chi. Do đó rất khó khăn trong việc điều chỉnh vốn giữa các tiểu dự án, dự án, lĩnh lực chi (một số nội dung có nhu cầu thì nguồn lực không đảm bảo; một số nội dung không có nhu cầu hoặc không triển khai thực hiện được thì nguồn lực trung ương lại phân bổ quá lớn.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng, UBND tỉnh Lai Châu xác định sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải ngân kế hoạch vốn được giao. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022 và trên 95% kế hoạch vốn năm 2023 đã phân bổ cho các đơn vị.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO