Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:02 GMT+7

Cơ hội tốt để Việt Nam thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo

Biên phòng - Ngày 13-7, tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 - với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự.

2ihaz8u6kf-1761_70beaf10-2d26-ab53-fbd4-64f05fb97577@yahoo.com_Thu_tuong_va_cac_dien_gia_du_Dien_dan_cap_cao_ve_cong_nghiep_4_cham_0_
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: CTV

Cùng tham dự có gần 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. 

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã vào Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến và đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo khi CMCN 4.0 áp dụng tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, không phải bây giờ mà ngay trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, những kết quả mới chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Đồng thời, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về CMCN 4.0; xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 với sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế với tốc độ cao và dự kiến cuối năm nay sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia để thực hiện Nghị quyết này. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của quốc gia, trong đó, chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam. Xây dựng mạng lưới nhân tài, kể cả người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam, các chuyên gia giỏi của quốc tế về CMCN 4.0.

2jflsz513p-1761_ee4cc075-bb4a-502a-d46d-2b12096dc2c8@yahoo.com_Thu_tuong_tham_quan_gian_hang_trung_bay_cong_nghe_cua_tap_doan_Vien_thong_Viettel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày các sản phẩm công nghệ. Ảnh: CTV

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung. Đó là, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, chuyển đổi nghề nghiệp với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Phát triển khoa học công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo... Lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát và tích hợp những công nghệ mới. Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là nhóm hành động, là một lực lượng chủ đạo, tiên phong có ý nghĩa quyết định mức độ thành công trong việc thực hiện cuộc cách mạng này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ủng hộ và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài có thế mạnh về khoa học công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam.

60kyrgnd8l-1761_4b1e5973-d292-ea08-c748-fbfe47d239c8@yahoo.com_Thu_tuong_du_Le_cat_bang_khai_mac_Dien_dan_cap_cao_va_trien_lam_QT_ve_cong_nghiep
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Ảnh: CTV

Trước khi dự Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với gần 50 gian hàng.

Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu với những giải pháp công nghệ hiện đại như hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực,…

Đây là một cơ hội mang đến cho các đại biểu, khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, giải pháp về công nghiệp thông minh trong các nhóm ngành sản xuất, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghệ thông tin. Đồng thời, cũng là dịp kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp.

B.P​​​​​​​​​​​​

Bình luận

ZALO