Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 12:33 GMT+7

Cơ hội “vàng” cuối năm

Biên phòng - Sau một thời gian dài căng mình chống dịch, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng của cả nước đạt 240,52 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất siêu đã trở lại trong tháng 9 với 0,5 tỉ USD.

Nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp cuối năm là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam. Ảnh: minh họa

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa vẫn nhập siêu 2,13 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.

Nhìn vào con số xuất siêu 16,66 tỷ USD cùng kỳ năm trước, nhiều người không khỏi lo ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề nhập siêu trong những tháng gần đây là không đáng lo, vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu (NK) hàng hóa phục vụ sản xuất, hàng hóa thiết yếu; giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá NK nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, khiến tăng kim ngạch NK.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá NK, xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Tháng 6, dịch Covid-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9, dịch tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Hoạt động xuất khẩu có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại. Nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như: cơ khí, điện tử...

Theo Bộ Công thương, tín hiệu xuất khẩu tích cực trong tháng 9-2021, là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Khoảng cách để chuyển cán cân thương mại từ nhập siêu sang xuất siêu là không quá lớn. Còn khoảng 3 tháng cuối năm, nếu không có biến động lớn, hy vọng doanh nghiệp phía Nam phục hồi được đà tăng trưởng, thì kết thúc năm 2021, thương mại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cân bằng, nếu lạc quan hơn thì có thể xuất siêu.

Các chuyên gia khẳng định, nhu cầu tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử...

Các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội của thị trường trong vài tháng cuối năm để bù đắp những hao hụt về xuất khẩu trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch; khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đàm phán để xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển.

Để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương cần tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt nhất lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đồng thời, làm việc với phía Trung Quốc tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.

Trên cơ sở tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, dự báo, xuất khẩu cả năm 2021 sẽ tiếp tục lập nên kỳ tích, vượt mục tiêu Chính phủ giao, ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO