Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 01:28 GMT+7

Có một "khu vườn cổ tích" mang tên Yok Đôn

Biên phòng - Xưa nay, nói đến Vườn quốc gia Yok Đôn là mọi người nghĩ ngay đến khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, với hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú, trải rộng trên diện tích xấp xỉ thành phố Đà Nẵng. Theo khảo sát mới nhất, Yok Đôn hiện có 1.656 loài động, thực vật, trong đó có nhiều nhóm được xếp vào hàng đặc hữu, quý, hiếm, rất có giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn sinh học cũng như tham quan du lịch và trải nghiệm văn hóa. Bên cạnh “vị thế” nêu trên, ẩn sâu giữa đại ngàn biên giới, Yok Đôn còn có “khu vườn cổ tích” - nơi lưu giữ những nét đẹp mộc mạc, bình dị của tình quân dân...

Một điểm cắt tóc miễn phí phục vụ nhân dân của những người lính BP giữa Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Thái Kim Nga

Có dân là có tất cả

Trên bản đồ thực địa, Vườn quốc gia Yok Đôn có tổng diện tích hơn 1.155km2, nằm trên địa bàn 7 xã, 3 huyện thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Diện tích lớn gấp 1,4 lần tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam (Bắc Ninh), song nếu vào thời điểm những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước thì "khu vườn" này còn rộng hơn thế, với 3 mặt gần như “ôm gọn” tuyến biên giới tỉnh Đắk Lắk, bắt đầu từ bờ Nam sông Ia Lốp kéo dài đến hạ nguồn suối Đắk Đam trước khi “hòa mình” vào dòng Sê Rê Pôk chảy sang đất bạn Campuchia.

Nói như thế để thấy sự mênh mông của đại ngàn biên giới. Năm xưa, muốn vào vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn có khi phải lội bộ mất mấy ngày đường mà tuyệt nhiên không gặp bất kỳ ai, ngoài những chủ nhân của “khu vườn cổ tích” mang tên lính Biên phòng (BP). Họ đã ở đó, lặng lẽ dang rộng vòng tay ôm ấp những khu dân cư, hình thành nên thế trận BP vững chắc dọc theo chiều dài hàng trăm km đường biên giới trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Cũng chính từ nét đặc thù như thế nên hầu hết các đồn BP trong Vườn quốc gia Yok Đôn hoặc là quản lý địa bàn trắng dân, hoặc là phải xuyên qua những cánh rừng già “chim bay mỏi cánh” để xuống khu dân cư mình quản lý. Tuy nhiên, dù xa xôi cách trở đến mấy nhưng có dân là có tất cả. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Đắk Lắk và 2 đồn BP Đắk Ken, Nậm Na thuộc BĐBP Đắk Nông luôn đồng hành trong từng “nhịp thở” của buôn làng biên giới.

Nếu như ở bờ Nam sông Ia Lốp, thuộc địa bàn biên giới huyện Ea Súp (Đắk Lắk), BĐBP ghi dấu ấn qua các công trình đầu tư xây dựng đường giao thông, trạm y tế, điện lưới, nước sạch sinh hoạt, thì khi tiến vào vùng lõi Vườn quốc gia, buôn Đrăng Phôk thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) được ví như trung tâm của “khu vườn cổ tích” với cánh đồng lúa nước rộng 30ha, được BĐBP và chính quyền địa phương triển khai xây dựng cách đây gần 2 thập kỷ. Cùng với đó là sự trợ giúp của người lính về y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, đưa buôn Đrăng Phôk đi từ không đến có, từ “vùng trắng” với những hiểm họa của nghèo nàn, lạc hậu đến vùng nông thôn mới đầy ắp nét đẹp tình quân dân.

Tương tự, ở cuối Vườn quốc gia Yok Đôn, nơi con suối Đắk Đam sắp “hòa mình” vào dòng Sê Rê Pôk, các đồn BP: Sê Rê Pôk, Bo Heng, Yok Đôn (BĐBP Đắk Lắk) và Đắk Ken, Nậm Na (BĐBP Đắk Nông) dù quản lý hay không quản lý địa bàn cư dân cũng cống hiến tất cả tình thương và trách nhiệm của mình (các đồn BP ở nơi không có dân thì vươn ra địa bàn vùng đệm) để mỗi mùa Xuân đi qua, biên giới lại ấm áp hơn trong vòng tay người lính.

Có dân là có Bộ đội Cụ Hồ và có tất cả. “Khu vườn cổ tích” của tình quân dân mang tên Yok Đôn cứ như thế đơm hoa, kết trái suốt bốn mùa.

“Con cá” trong khoảnh khắc thăng hoa giữa đại ngàn

Nếu ví công tác dân vận của Quân đội nói chung, lực lượng BĐBP nói riêng như một bức tranh thiên nhiên sinh động nhất thì những gì diễn ra trong “khu vườn cổ tích” Yok Đôn luôn đầy đủ mọi sắc màu.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk tặng sách, vở cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga

Bên cạnh dấu ấn về an sinh xã hội, tạo ra “chiếc cần câu” giúp người dân phát triển một cách bền vững như đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh, các mô hình thoát nghèo bền vững, “Con nuôi đồn BP”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Thắp sáng đường quê”... thì việc người lính BP mang từng “con cá” (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) đến tay người dân không chỉ khỏa lấp những thiếu hụt cả về vật chất lẫn tinh thần, mà còn tạo nên những khoảnh khắc thăng hoa giữa đại ngàn biên giới. Có thể nói, trong “khu vườn cổ tích” mang tên Yok Đôn thì không điều gì là không thể, kể cả việc chắt chiu từng bó rau xanh từ sườn rừng, hay những con cá, chai nước mắm mặn mòi hương vị biển khơi để mang đến cho nhân dân một nụ cười.

Với riêng tôi, ấn tượng nhất có lẽ là những chuyến đồng hành cùng các đồn BP mang “con cá” trao tay nhân dân trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, hay những đợt tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí trong cộng đồng. Ở đó, tôi được cảm nhận niềm hạnh phúc của cả người cho đi và nhận lại. Biên giới mênh mông giữa đại ngàn nhưng thật gần gũi, cô đọng trong ánh lửa bập bùng đêm xoang Tây Nguyên do lính BP “thổi hồn” vào đó để bùng lên.

Từ những tân chủ nhân bên dòng sông Ia Lốp, thuộc địa bàn biên giới huyện Ea Súp, đến người bản địa giữa vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, hay xa hơn nữa là những thôn, buôn bên con suối Đắk Đam thuộc xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (Đắk Nông), địa bàn Đồn BP Nậm Na và Đắk Ken quản lý, nơi đâu cũng hòa chung niềm vui trong ngày hội “Xuân BP ấm lòng dân bản”, “Ngày hội BP toàn dân” để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn BP Sê Rê Pôk chia sẻ: “Mặc dù đứng chân trên địa bàn vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, đất rộng, người thưa, nhưng khi nói đến công tác dân vận, có thể khẳng định Đồn BP Sê Rê Pôk chính là hình ảnh thu nhỏ của Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng.

Ở đây, chúng tôi đã dành tặng những “chiếc cần câu” và “con cá” giúp nhân dân phát triển một cách toàn diện nhất. Chúng tôi có mô hình giúp dân thoát nghèo bền vững, có những địa chỉ "Nâng bước em tới trường", "Con nuôi đồn BP", điểm khám chữa bệnh, cắt tóc miễn phí cho mọi đối tượng và mới đây nhất là khánh thành, đưa vào sử dụng khu vui chơi dành cho trẻ mầm non ở xã Krông Na, 2 giếng khoan, đường điện thắp sáng phục vụ nhân dân ở buôn Đrăng Phôk.

Vào các ngày lễ, Tết, chúng tôi tổ chức các chương trình "Xuân BP ấm lòng dân bản", "Ngày hội BP toàn dân", thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo trên địa bàn..., tạo nên những khoảnh khắc thăng hoa trong tình quân dân biên giới...”.

Vâng, có dân là có Bộ đội Cụ Hồ và có tất cả. Giữa Vườn quốc gia Yok Đôn, người lính BP với những “chiếc cần câu” và “con cá”, đôi khi thật mộc mạc và bình dị vẫn tạo nên một mùa Xuân đầy hoa trong “khu vườn cổ tích”.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO