Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 12:31 GMT+7

Có một Sa Ná hồi sinh mạnh mẽ

Biên phòng - Trong câu chuyện ngày cuối năm bên bếp than hồng, người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa còn thảng thốt khi nhắc lại trận lũ quét kinh hoàng cách đây hơn 4 năm đã gây ra những tổn thất lớn chưa từng có cho vùng biên thơ mộng này. 4 mùa Xuân trôi qua, việc tái thiết Sa Ná được cả hệ thống chính trị xắn tay vào cuộc để đến hôm nay, bản làng của đồng bào dân tộc Thái đã hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, bản tái định cư Sa Ná giờ đây đã "thay da đổi thịt" từng ngày. Ảnh: Ngọc Tuấn

Ký ức đau thương

Những ngày cuối năm Quý Mão 2023, chúng tôi trở lại Sa Ná với bao dự cảm tốt lành. Theo lời hẹn, ông Ngân Văn Thêu, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Sa Ná đã chờ đón ở đầu con đường dẫn vào bản. Con đường đất được bộ đội, dân quân, các lực lượng mở tạm để đi bộ vào Sa Ná trong trận lũ tháng 8/2019, giờ đã được mở rộng, kiên cố hóa bằng bê tông rất sạch sẽ.

“Sau đợt thiên tai đau thương, bản Sa Ná đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng khu tái định cư rất khang trang. Các hộ dân trong bản đã vượt qua nỗi đau để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Thời điểm này, bà con đang hồ hởi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sau một năm sản xuất thuận lợi” - ông Thêu hào hứng chia sẻ.

Nhớ lại thời điểm tháng 8/2019, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, địa bàn huyện Quan Sơn có mưa to kéo dài, chính quyền địa phương và các lực lượng đã tuyên truyền, vận động, sơ tán người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Phần lớn các hộ dân trong bản Sa Ná nằm bên sông Luồng cũng đã chủ động sơ tán lên các vị trí cao hơn để tránh lũ. Sáng sớm tinh mơ ngày 3/8, khi nhận thấy trời quang, mây tạnh, các gia đình trở lại bản để thăm nom nhà cửa. Nhưng điều không ai ngờ đã xảy ra, một trận lũ quét bất ngờ ập xuống kéo theo cây cối, các tảng đá lớn san phẳng cả một khu vực rộng lớn. Diễn biến quá nhanh khiến người dân bản Sa Ná không kịp trở tay, 13 người bị lũ cuốn trôi mất tích và tử vong, 21 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, không khí đau thương mất mát bao trùm toàn bản.

Bản Sa Ná bị cô lập, các lực lượng cứu hộ phải mạo hiểm để vượt sông, cắt đường rừng tìm cách tiếp cận người gặp nạn sớm nhất. Rồi cảnh tượng trước mắt khiến nhiều người xót xa, không cầm được nước mắt, bản trù phú trở nên tan hoang, tang tóc. Nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha, trắng tay trước thiên tai. Ngay sau khi nhận được thông tin lũ quét ở Sa Ná, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã dồn nhân lực, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, giúp dân vượt qua nỗi đau mất mát. Trước tình hình cấp bách ở Sa Ná, huyện Quan Sơn khẩn trương triển khai dự án xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng lũ.

Bản làng hồi sinh sau lũ

Chúng tôi tìm đến vị trí cũ của bản Sa Ná bị lũ tàn phá năm xưa, giờ đây được người dân cải tạo thành cánh đồng lúa nước, trong tiết trời Xuân, lúa non một màu xanh mơn mởn. Từ đây, ông Thêu chỉ tay về khu tái định cư được xây dựng khang trang cách đó không xa - nơi 78 hộ dân/343 nhân khẩu đồng bào dân tộc Thái bị ảnh hưởng bởi thiên tai được chuyển về sinh sống. Giữa màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng tái sinh, bản mới Sa Ná trù mật với những dãy nhà kiên cố treo cờ đỏ Tổ quốc, hệ thống giao thông khép kín và các công trình dân sinh còn tươi màu mái tôn...

Một lớp học ở điểm trường tiểu học Sa Ná. Ảnh: Ngọc Tuấn

Thượng tá Dương Thế Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, BĐBP Thanh Hóa cho biết: Ngay sau trận lũ quét, cùng với công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, chính quyền địa phương đã bắt tay vào việc xây dựng khu tái định cư với quyết tâm sớm ổn định cuộc sống cho bà con. Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo là lực lượng đầu tiên vào rốn lũ giúp dân và nhiều người vẫn bám trụ địa bàn suốt thời gian qua để hỗ trợ đồng bào tái thiết bản làng, khôi phục sản xuất.

“Sau khi thiên tai xảy ra, đơn vị tăng cường lực lượng vào Sa Ná cùng chính quyền địa phương hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống tại bản tái định cư và tổ chức lại sản xuất. Đơn vị cũng tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng mô hình Tổ an ninh trật tự tại bản Sa Ná. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không chỉ cuộc sống người dân được nâng lên, bản làng cũng luôn hòa thuận, bình yên” - Thượng tá Dương Thế Anh phấn khởi nói.

Trên đường vào trung tâm bản, ông Ngân Văn Thêu hào hứng mời chúng tôi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi đang mang lại thu nhập cao cho người dân Sa Ná. Đến thời điểm này, tất cả các hộ dân ở Sa Ná đều có nhà kiên cố khang trang và tiện nghi sinh hoạt đầy đủ; cuộc sống sung túc hiện hữu trong từng vườn cây, khu chăn nuôi khép kín. Điểm trường tiểu học, nhà văn hóa cộng đồng có thể được xem là điểm nhấn của Sa Ná, nơi ngập tràn nụ cười rạng rỡ của mỗi người dân trong nắng Xuân ấm áp.

Nhiều người sẽ bất ngờ hơn khi biết, năm 2020, chỉ 1 năm sau cơn đại hồng thủy, Sa Ná được công nhận là bản nông thôn mới đầu tiên của xã biên giới Na Mèo. Điều đó cho thấy sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính người dân nơi đây.

“Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, bản Sa Ná đã hồi sinh mạnh mẽ. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo là những hạt nhân quan trọng, đóng góp rất hiệu quả, thiết thực trong công cuộc chuyển mình, vươn lên của mảnh đất và con người Sa Ná” - ông Ngân Phúc Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo khẳng định.

Viết Lam

Bình luận

ZALO