Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 10:45 GMT+7

Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia trong BĐBP qua 20 năm thi hành Luật An ninh quốc gia

Biên phòng - Căn cứ quy định của Luật An ninh quốc gia (ANQG) năm 2004 và Nghị định số 151/2005/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-BQP ngày 4/12/2008 “Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG trong QĐND Việt Nam”. Theo đó, BĐBP có 2 hệ thống cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG, bao gồm cơ quan bảo vệ an ninh Quân đội được tổ chức theo hệ thống ngành bảo vệ an ninh Quân đội và lực lượng trinh sát BĐBP được tổ chức theo 3 cấp (Cục Trinh sát thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP; phòng trinh sát thuộc BĐBP cấp tỉnh; đội trinh sát thuộc đồn Biên phòng và hải đoàn Biên phòng).

Cán bộ Biên phòng khai thác đối tượng Giàng Seo Thắng (bị bắt ngày 1/5/2012) tham gia vụ bạo loạn tại Huổi Khon, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ngày 30/4/2011. Ảnh: Cục Trinh sát BĐBP

Để góp phần xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ ANQG được chuyên sâu, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 23/1/2009, Tư lệnh BĐBP ra Quyết định số 122/QĐ-BTL chuyển giao chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự xã hội từ Cục Trinh sát sang Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm. Căn cứ đề xuất của BĐBP, ngày 12/8/2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 3222/QĐ-BQP chuyển giao chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và công tác xử lý vi phạm hành chính từ lực lượng trinh sát sang lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc BĐBP.

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo của Quân ủy Trung ương, Cục Trinh sát BĐBP được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng chuyên đề, đối tượng kết hợp địa bàn, khu vực. Từ đó đến nay, lực lượng trinh sát chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xâm phạm ANQG.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định, cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG trong BĐBP đã thường xuyên tiến hành điều tra nghiên cứu địa bàn, mục tiêu, đối tượng, sử dụng hiệu quả biện pháp nghiệp vụ tạo thành thế trận bí mật liên hoàn khép kín trong - ngoài biên giới để tổ chức nắm tình hình. Từ năm 2004 đến năm 2024, lực lượng trinh sát đã thu thập được 461.530 tin có giá trị, hàng chục nghìn trang tài liệu, đồ vật, hàng trăm vật mang tin phản ánh tình hình, âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn của các loại đối tượng liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ ANQG.

Tin của cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG trong BĐBP thu thập được đã phục vụ kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và người chỉ huy BĐBP các cấp nhận định, đánh giá, dự báo sát đúng tình hình và đề ra chủ trương, đối sách phù hợp trong mỗi tình huống và từng giai đoạn cụ thể.

Để thực hiện hiệu quả quyền hạn của cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG trong BĐBP, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức ký kết quy chế quan hệ công tác với Tổng cục II, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; quy chế phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tình báo, an ninh thuộc Bộ Công an; Cục Phát hành kho quỹ thuộc Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng trinh sát BĐBP các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục II, lực lượng Quân báo các quân khu, quân, binh chủng (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quân chủng Phòng không - Không quân; Quân chủng Hải quân; Cục Dân vận, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.

Ngoài công tác phối hợp với các lực lượng chức năng của Việt Nam trong bảo vệ ANQG, cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG trong BĐBP còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh, cảnh sát của các nước láng giềng. Thực hiện các nội dung thỏa thuận trong Bản ghi nhớ giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với các lực lượng chức năng của Campuchia, Lào, Trung Quốc, định kỳ 1 năm/lần, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức hội đàm luân phiên nhằm trao đổi tình hình, phối hợp xử lý, giải quyết các vấn đề về chủ quyền, an ninh biên giới, phòng, chống tội phạm với Tổng cục Di trú, Tổng cục Công an quốc gia thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Hiến binh, Cục Biên giới thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Vương quốc Campuchia; Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Văn phòng Bộ An ninh Lào; Cục Quản lý di dân quốc gia, Bộ Tư lệnh Lục quân Chiến khu miền Nam Trung Quốc.

Từ năm 2005 đến nay, lực lượng BĐBP tổ chức tuần tra chung với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng được 4.196 lần/52.474 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia (Việt Nam - Trung Quốc 2.108 lần/33.026 lượt, Việt Nam - Lào 878 lần/12.820 lượt, Việt Nam - Campuchia 1.210 lần/6.628 lượt). Được sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Quân đội tổ chức nhiều lần giao lưu quốc tế “Biên cương thắm tình hữu nghị” và giao lưu quốc phòng biên giới với lực lượng bảo vệ biên giới các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc, đồng thời mở rộng giao lưu với lực lượng bảo vệ biên giới Myanmar, Thái Lan.

Thông qua trao đổi, hợp tác quốc tế, các vấn đề phức tạp nảy sinh trên biên giới, liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đều được các bên phối hợp xử lý hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Trải qua 20 năm, cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG trong BĐBP đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xác lập, đấu tranh 239 chuyên án (trong đó có 38 chuyên án chính trị); triển khai 9.839 kế hoạch nghiệp vụ, phân công 41.111 lượt cán bộ tham gia đấu tranh với hoạt động xâm phạm ANQG; triệt phá, vô hiệu hóa hoạt động của gần 300 tổ chức, đường dây/hơn 1.500 đối tượng thuộc các tổ chức phản động lưu vong, phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, chống đối chính trị; bắt giữ, xử lý 16 vụ/109 cơ sở ven biên, 17 vụ/35 đối tượng vận chuyển tài liệu bí mật ra nước ngoài.

Qua đó, vô hiệu hóa 36 tổ chức gián điệp, 89 đối tượng ở khu vực biên giới nghi vấn bị cơ quan đặc biệt nước ngoài móc nối; phát hiện, phá rã 11 nhóm/487 lượt đối tượng nhen nhóm FULRO, “Tin lành Đê-ga” ở khu vực biên giới, 57 đường dây/145 đối tượng đưa đón vượt biên, ngăn chặn 176 vụ/1.402 lượt người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên mục đích đi nước thứ 3 “tị nạn”; bắt giữ, xử lý 963 vụ/1.431 đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, thu giữ 1.614 súng các loại, 174.848 viên đạn, 18.781kg thuốc nổ, 726 đầu đạn, lựu đạn, 66.105 kíp nổ, 2.335m dây cháy chậm; khởi tố, điều tra theo thẩm quyền 1.373 vụ/2.285 đối tượng (trong đó có 91 vụ/217 đối tượng xâm phạm ANQG và 146 vụ/405 đối tượng tổ chức, môi giới, đưa đón xuất nhập cảnh trái phép).

Thượng tá Nguyễn Ngọc Khánh, Cục Trinh sát BĐBP

Bình luận

ZALO