Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 08:05 GMT+7

Cổ Sơn tự - Cột mốc tâm linh giữa vùng biên giới

Biên phòng - Có một ngôi chùa mà người dân quê tôi hay gọi là chùa Nổi - Ngôi chùa nằm giữa vùng biên giới nơi tiếp giáp với Campuchia. Chùa còn có tên gọi khác là Cổ Sơn tự, tọa lạc tại ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Chùa không lớn, kiến trúc đơn giản, nhưng vào ngày rằm, lễ, Tết luôn có đông khách thập phương từ phương xa về viếng chùa, cầu may, cầu duyên, cầu gia đạo bình an. Nơi đây còn là di tích lịch sử và mang đậm nét văn hóa cổ xưa.

Chùa Nổi trầm mặc bên dòng sông Vàm Cỏ Tây. Ảnh: Diệp Linh

Chùa Nổi trầm mặc soi mình bên dòng sông Vàm Cỏ Tây hiền hòa, thơ mộng, nép mình dưới những tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ngôi chùa được xây dựng cách đây hơn 200 năm, tức là vào thời vua Gia Long. Buổi sơ khai, chùa có tên là Bửu Sơn, sau đó mới đổi tên thành Cổ Sơn tự, nhưng người dân địa phương lại quen gọi là chùa Nổi. Tôi được nghe ông bà, cha mẹ kể lại, những năm mùa lũ đỉnh điểm như năm 1978, năm 1986 và chứng kiến đợt lũ năm 2000, nước lũ dâng cao, nhà cửa trong vùng đều bị ngập, chỉ riêng ngôi chùa này thì nước chỉ “mấp mé” đến mép cổng nên nhân dân đổ về đây tránh lũ. Cứ như vậy, qua năm này tháng nọ, ngôi chùa được người dân trong vùng gọi là chùa Nổi.

Bên cạnh đó, còn có giai thoại xa xưa kể rằng, chùa Nổi trước đây chỉ là một gò đất nhô cao hơn so với những vùng đất xung quanh, cây cối mọc um tùm rất hoang sơ. Hằng năm, khi lũ về, khắp nơi đều chìm trong biển nước, duy chỉ có nơi này là không bao giờ bị ngập. Chính vì thế mà đám trẻ đi chăn trâu, cắt cỏ thường tụ tập tại đây. Lúc rảnh rỗi, chúng thường nghịch đất rồi nặn thành những bức tượng. Sợ con ham chơi quên mất việc chăn trâu, những bậc phụ huynh ném những bức tượng bằng đất xuống sông.

Điều kỳ lạ là những bức tượng này không bị chìm mà vẫn nổi trên sông. Nhận thấy có điều khác lạ, người dân trong vùng đoán rằng đây là vùng đất linh thiêng, nơi Phật ngự nên mọi người vớt các bức tượng lên rồi lập thành một cái am nhỏ để thờ cúng, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn sự bình an. Ít lâu sau, câu chuyện kỳ lạ đó được lan truyền rộng rãi. Vậy là, không ai bảo ai, người góp công, người góp của chung tay xây dựng ngôi chùa.

Sau nhiều lần bị xuống cấp, hư hỏng và chiến tranh tàn phá, trải qua nhiều đợt trùng tu và đợt trùng tu lớn nhất vào năm 2001, ngôi chùa vẫn còn giữ được tổng thể hài hòa, trang nghiêm, cổ kính với một gian chính điện và nhiều gian thờ nằm bên ngoài. Chùa được kiến tạo theo kiểu dáng truyền thống. Trước mặt chánh điện uy nghiêm với đôi rồng chầu, dọc theo hành lang là những hoa văn sen đúc nổi. Ngày đôi lần dưới tán cây, tiếng tụng kinh, gõ mõ làm không gian thêm phần bình yên, an lạc.

Chùa còn được bao phủ bởi những tán cổ thụ lâu năm. Bước qua cổng tam quan, gặp “cụ” trôm mõ to lớn, hùng vĩ cùng những hàng dầu cao vút như tô thêm vẻ uy nghiêm của Cổ Sơn tự. Với phong cảnh hữu tình, 1 cây trôm và 5 cây dầu cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam vào năm 2019.

Chùa Nổi còn là di tích lịch sử cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại đây, các vị sư ở chùa tham gia cách mạng, nuôi giấu và làm tai mắt cho cán bộ cách mạng. Chính vì vậy, hàng chục lần, địch đã bắn phá ngôi chùa. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, chùa Nổi được xem là pháo đài của ta đánh quân Pôn Pốt.

Nơi đây còn minh chứng cho một nền văn hóa Óc Eo rực rỡ, bảo tàng Long An đã tìm thấy khối lượng di vật lớn, đa dạng, trong đó chủ yếu là đồ gốm còn tương đối nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên, gồm: Nồi, chum nhỏ, tô, bình đáy tròn, chậu, mâm, bồng, cà ràng,... một số công cụ bằng xương thú như: rìu, đục,... và các khuôn đúc bằng đất nung.

Điều thú vị là di tích này có niên đại hơn 3.500 năm, nhưng lại có rất nhiều vỏ trấu trong đồ gốm và nhiều dấu tích của các tấm chiếu đan bằng lá và dọi xe chỉ dùng để dệt vải... Chứng tỏ, từ xa xưa, chủ nhân của vùng đất này đã biết dệt chiếu, dệt vải, biết thuần dưỡng nhiều loài động vật như heo, chó, trâu...

Đứng trên chiếc cầu sắt bắc qua con sông hiền hòa, bình yên thỉnh thoảng vọng lại tiếng chuông ngân vang, tiếng mõ, tiếng kinh cầu linh thiêng mà lòng tôi không khỏi tự hào. Dường như, đó chính là tiếng gọi huyền bí của bậc tiền nhân, những người đầu tiên đi mở cõi ở vùng đất này vọng về, như một lời nhắc nhở con cháu về lòng biết ơn, tôn tạo và gìn giữ những giá trị thiêng liêng từ nét văn hóa bản địa giữa vùng biên giới quê hương.

Diệp Linh

Bình luận

ZALO