Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 07:47 GMT+7

COP28 với bước tiến lịch sử

Biên phòng - Tuần qua, tại thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Tham dự COP28, có trên 170 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đã đăng ký phát biểu tại hội nghị; tham dự còn có trên 50 nghìn đại biểu đến từ các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông và các tổ chức có liên quan khác. COP28 được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tầm nhìn chung về một tương lai carbon thấp và lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Chủ tịch COP28 Sultan al Jeber phát biểu tại lễ khai mạc COP28. Ảnh: UNFCCC

Bước tiến quan trọng về tài chính khí hậu

Chủ đề của COP28 là "Gắn kết - hành động - hiệu quả", diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua một năm kỷ lục về nhiệt độ và những cam kết về khí hậu hiện nay là không đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu.

Trong số những quyết định quan trọng phải đưa ra tại hội nghị là sự sẵn sàng của các quốc gia trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và thay thế chúng bằng các nguồn nhiên liệu tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió. Bình luận từ giới chuyên gia quốc tế cho biết, trong sự phát triển của nhân loại, vai trò của năng lượng hóa thạch nói chung và than đá nói riêng rất quan trọng. Than đá, dầu mỏ, khí đốt là nguồn cung năng lượng chủ yếu trên toàn cầu. Tuy nhiên, năng lượng hóa thạch cũng bị xem là "thủ phạm" chính tàn phá môi trường và gây biến đổi khí hậu.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ liên quan vấn đề này, Cơ quan năng lượng quốc tế mới đây đưa ra quan điểm mạnh mẽ khi hối thúc ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch phải quyết định giữa việc làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng khí hậu hay chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Quan điểm không nhận được sự đồng tình của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo tổ chức này, mọi quyết định đều phải tính đến những vấn đề như an ninh năng lượng, tiếp cận năng lượng hay khả năng chi trả năng lượng.

Phát biểu trước thềm sự kiện, Chủ tịch COP28 Sultan al Jeber thừa nhận dù khó khăn, việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch là không thể tránh khỏi: "Khi chuẩn bị đăng cai COP28, tôi tự hỏi liệu thế giới có thể cùng nhau giải quyết vấn đề cấp bách của thời đại hay không, liệu thế giới có thể cắt giảm một nửa lượng khí thải trong 7 năm tới hay không. Câu trả lời của tôi là có. Chúng ta cần giảm dần lượng khí thải từ tất cả các lĩnh vực và tất nhiên là cả nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đầu tư vào công nghệ để tăng cường tất cả các giải pháp thay thế khả thi".

Ngay trong ngày đầu hội nghị đã ghi nhận một bước tiến quan trong việc huy động tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây vốn được xem là nội dung phức tạp nhất nhưng cũng quan trọng nhất trong tất cả các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu. Truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin, COP28 đã đạt được bước đột phá ngay trong ngày đầu tiên, sau khi các quốc gia nhất trí đưa vào vận hành Quỹ tổn thất và thiệt hại.

Chủ tịch COP28 gọi đây là bước tiến lịch sử, bởi lần đầu tiên Hội nghị COP đạt được một quyết định ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị. Bước tiến trong vấn đề phức tạp như tài chính khí hậu càng được kỳ vọng sẽ tạo đà cho cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu trong những ngày tới đây.

Chia sẻ kinh nghiệm, khẳng định cam kết

Tham dự các hội nghị, diễn đàn, phiên thảo luận quan trọng trong khuôn khổ COP28, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhìn lại những thành tựu của đất nước trong những năm gần đây, giới chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã thành công bước đầu trong quá trình hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị COP.

Quang cảnh phiên khai mạc COP28 vào ngày 30/11/2023 tại thành phố Dubai, UAE. Ảnh: Reuters

Nổi bật trong đó, ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam trong hành trình chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính là việc đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG). Thông qua JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác với các nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế và khu vực tư nhân để vận động hỗ trợ thực hiện cam kết tại COP26, các chương trình hợp tác song phương và đa phương, hỗ trợ khối doanh nghiệp phát triển công nghệ ít phát thải.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính; rà soát, cập nhật danh mục cơ sở trên địa bàn... Nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió trên địa bàn. Các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện các hàng chục dự án điện gió gần bờ theo thẩm quyền, đồng thời xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn quản lý.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty... đã rà soát, đề xuất sửa đổi văn quy phạm pháp luật và cập nhật, bổ sung cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực phù hợp với cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; xây dựng hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cho cơ sở; áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí metan trong các hoạt động; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; đầu tư, cải tiến công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; triển khai các giải pháp thu hồi và lưu giữ carbon, đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2...

Tại Hội nghị COP27 diễn ra ở Ai Cập vào tháng 11/2022, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và thể hiện rõ nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việt Nam đã nộp Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ 2, trong đó phản ánh các hành động cụ thể cần thực hiện từ nay tới năm 2030 phù hợp với lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” và cam kết giảm 30% phát thải khí metan. NDC cập nhật lần 2 của Việt Nam đã tăng nỗ lực đáng kể so với NDC nộp năm 2020. Đồng thời, Việt Nam khẳng định, chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO