Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 10:15 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024):

Cột mốc nơi "trời thấp, đất cao"

Biên phòng - Có lẽ, trên hành trình tìm đến những cột mốc mang dấu ấn đặc biệt trên bản đồ Tổ quốc, một trong những khoảnh khắc khiến tôi vỡ òa hạnh phúc là khi đứng trên đỉnh Phu Xai Lai Leng - nóc nhà của biên cương xứ Nghệ, nơi con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã từ đây vươn tới muôn nẻo Trường Sơn, dẫn đến chiến thắng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. “Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương”, hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận sâu sắc câu nói ấy của những người cán bộ trắc địa, khi phóng chiếu trong tầm mắt trùng điệp núi lẫn trong mây, mây tỏa trắng rừng biên giới Nghệ An - tỉnh có đường biên giới giáp với nước bạn Lào dài nhất toàn tuyến với khoảng 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô Ly Khăm Xay.

Mốc 422 trên đỉnh Pu Xai Lai Leng cao ngất. Ảnh: Phạm Vân Anh

Từ thời Lý - Trần cho mãi đến thời Hậu Lê, Nghệ An được coi là một miền biên viễn xa xôi có tên gọi là Hoan Châu. Vùng đất này là tiền đồn của quốc gia Đại Việt trấn thủ phương Nam, tiền tuyến chống sự tiến công của Chiêm Thành - quốc gia hùng mạnh của khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ và quân Ai Lao quấy phá ở vùng biên phía Tây. Và Hoan Châu cũng đã trở thành bàn đạp phản công, tiến xuống phương Nam mở mang bờ cõi của các triều đại. Ngày nay, khu vực dọc biên giới Việt Nam - Lào của tỉnh Nghệ An có dãy núi Bắc Trường Sơn cùng rừng quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được đánh giá là nơi có diện tích rừng nguyên sinh và khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á.

Quay trở lại với những cột mốc biên cương, được biết, để hoàn thành việc tăng dày và tôn tạo 116 mốc giới và 44 cọc dấu (trong đó có 3 mốc đại, 40 mốc trung, 73 mốc tiểu) giữa Nghệ An và 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô Ly Khăm Xay của nước bạn Lào, Nghệ An đã thành lập 2 đội cắm mốc. Ròng rã ruốt 5 năm không nghỉ, họ đã vượt núi, đạp rừng, vượt hàng trăm đỉnh cao từ 1.000 - 2.700m, trong đó có “nóc nhà Trường Sơn” là đỉnh Phu Xai Lai Leng để cùng các lực lượng của nước bạn Lào hoàn thành tăng dày những cột mốc chủ quyền đất nước. Không những vậy, lộ giới của họ còn cần phải ngược dòng những con sông Giăng, Nậm Nơn, Nậm Mộ... thường xuyên đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét nơi đầu nguồn sông suối.

Ngày 22/10/2009, cặp mốc đôi số 405 đã được khánh thành tại khu vực cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, khởi đầu tốt đẹp cho công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào, khẳng định thêm tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ hai quốc gia. Mốc 405 (1) là mốc đôi cùng số cỡ đại, làm bằng đá hoa cương, cắm trên bờ suối Nậm Cắn phía Việt Nam thuộc địa bàn xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tại điểm có độ cao 1.001,87m và tọa độ là 19.469709, 104.086762. Cái tên của vùng đất này cũng mang một ý nghĩa thật đẹp theo tiếng Thái nghĩa là “cùng chung dòng suối” biểu thị “Việt Nam và Lào, hai nước chung một dòng nước”. Nơi đó có thung lũng bình yên với những nếp nhà trầm mặc bên mùa hoa cải vàng, mùa hoa đào thắm, có quốc lộ 7C vắt vẻo lưng trời nối miền ngược với miền xuôi, đưa hàng hóa, con người Việt sang với đất bạn Lào và ngược lại.

Trung tá Phan Thanh Hồng, nguyên Đội trưởng Đội cắm mốc số 2 cho biết, với một đường biên giới dài chạy qua địa hình hiểm trở như vậy, quả thực, trách nhiệm của những người làm nhiệm vụ tôn tạo, tăng dày cột mốc ở Nghệ An rất lớn. Đội cắm mốc của hai nước thường xuyên đi cùng và sinh hoạt cùng nhau. Việc thiếu nước sinh hoạt, thiếu rau xanh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là một chuyện rất đỗi thường tình. Nhiều nơi, để có nước sinh hoạt, anh em đã phải đào nhiều hố sâu quanh khu vực dựng trại, lót ni lông sạch để hứng n­ước mưa hoặc sương đêm. Sáng ra, những hố nước ấy được chắt từng bát để rửa mặt, đánh răng và nấu ăn sáng cho cả nhóm. Rồi những ngày đông không thấy ánh mặt trời, ba bề bốn bên chỉ toàn sương mù đặc quánh và tay chân tê buốt.

Một trong những điểm mốc đặc biệt khó khăn mà Trung tá Phan Thanh Hồng nhắc đến chính là mốc 422. Đây là mốc đơn, cỡ tiểu, làm bằng đá hoa cương, cắm trên đỉnh núi Pu Xai Lai Leng thuộc địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tại điểm có độ cao 2.715,40m và tọa độ là 19.197769, 104.181877. Mốc thuộc địa bàn quản lý, bảo vệ của Đồn Biên phòng Na Ngoi, BĐBP Nghệ An. Những người lính ở đây cho biết, nơi biên cương “trời thấp, đất cao” này mang đặc điểm tiểu vùng khí hậu vô cùng khó chịu, trưa thì nóng như thiêu đốt, chiều mưa dông và sấm sét, tối lại lạnh buốt tay chân. Đỉnh núi cao ngự cột mốc kia nằm ở phía Tây Nam của đồn, hút tít trong mây giăng và lá đổ.

Quả đúng như ý nghĩa cái tên Phu Xa Lai Leng trong tiếng Thái là “lang thang đi đâu cũng thấy”, chỉ cần chạm đến đất Kỳ Sơn là có thể nhìn thấy đỉnh núi cao thứ 3 trong dãy Trường Sơn này. Ngọn núi gắn với truyền thuyết về những vị thần núi bảo vệ dân làng và dòng Nậm Khiên nước lành qua bao bản làng, thôn xóm. Dưới chân Pu Xai Lai Leng phía Việt Nam có 17 bản người Mông và 2 bản người Thái. Phía nước bạn Lào là huyện Mường Mộc của tỉnh Xiêng Khoảng. Để đến được mốc 422, phải vượt qua một cánh rừng già ẩn chứa nhiều kỳ hoa, dị thảo ít người biết. Khu vực này đã được các nhà khoa học xác định có sự hiện diện của 726 loài thực vật, trong đó có 270 loài dược liệu quý, cần được bảo tồn, khai thác và phát triển.

Người chiến sĩ Biên phòng dẫn đường cho chúng tôi biết, trước đây, việc tuần tra vượt đỉnh núi này vô cùng gian nan, mất thời gian ít nhất 2 ngày cả đi lẫn về. Đã vậy, thời tiết khắc nghiệt khiến anh em thường bị đói vì nước đun không sôi, cơm nấu không chín, đường đi hiểm trở nên hầu như ai cũng từng bị ngã, từng rách giày và rất nhiều hiểm hung khác đến từ đám côn trùng có độc... Sau khi đường tuần tra biên giới hoàn thành, anh em đi tuần bằng xe máy vượt 36km là lên mốc 422 chỉ trong vòng một buổi.

Nhớ lại những ngày tháng “3 cùng” với các đồng chí Việt Nam, ông Bun Lặm Xạ Nế Hả, nguyên Đội trưởng Đội cắm mốc tỉnh Bô Ly Khăm Xay luôn nhắc đến ân tình của những cán bộ cắm mốc Việt Nam đã giúp đội của mình mang vác vật liệu để dựng mốc phía bên Lào. Vất vả, gian nan thế mà tình đồng chí vẫn sáng đẹp giữa sương mù. Những người bạn Lào cũng chung sức, chung lòng thực hiện nhiệm vụ. Ấm áp biết bao khi những người cán bộ Lào và Việt Nam cùng chụm đầu che gió để nổi lửa nấu cơm, cùng băn khoăn bàn tính bên tấm bản đồ rộng mở và chiếc máy định vị GPRS để tìm bằng ra một khe suối nào đó nằm hút tít trong lòng núi... Ông Bun Lặm Xạ Nế Hả nhắc nhiều đến việc người cán bộ Việt cõng người cán bộ Lào bị ngã trẹo bàn chân hay lúc chia nhau điếu thuốc ẩm vì sơn lam chướng khí...

Tại địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đặt các mốc từ số 436 đến số 441, gồm 2 mốc trung và 5 mốc tiểu, hầu hết các mốc đều phải đi bộ mất 10 - 15 ngày. Đây là địa bàn thuộc vũng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, do Đồn Biên phòng Môn Sơn quản lý và bảo vệ. Vùng đất cam khó vào bậc nhất miền Tây xứ Nghệ này là thuộc vùng văn hóa Môn Sơn - Lục Dạ, nơi có dòng Đan Lai chảy qua trước khi đổ vào sông Lam, để rồi từ đó có tên gọi của tộc người Đan Lai thuộc dân tộc Thổ. Đây cũng là nơi ra đời của chi bộ đảng đầu tiên của miền núi Nghệ An do các đồng chí cán bộ cộng sản người dân tộc thiểu số đứng lên kêu gọi. Với uy tín của chi bộ đảng của người thiểu số và phong trào Nông hội đỏ mà Môn Sơn - Lục Dạ đã dựng nên chính quyền Xô Viết nông thôn, tạo nên nét đặc sắc của phong trào cách mạng giai đoạn 1930 - 1931 tại Nghệ An.

Và Môn Sơn hôm nay còn được biết đến với hành trình nhân ái của những người lính Biên phòng trong giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào Đan Lai. Với tinh thần trách nhiệm và nghĩa đồng bào, những người lính Biên phòng đã hướng dẫn người dân tỉ mỉ cách cầm cuốc, cầm cày, tra hạt, cấy lúa... Ban ngày, các anh lam lũ, lăn lộn cùng bà con trên đồng ruộng; tối đến, các anh dạy chữ, dạy múa hát và tuyên truyền về cách làm ăn, sinh hoạt vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh để mọi người có thêm hiểu biết. Từ già bản đến các em nhỏ đều được khám bệnh, cấp thuốc và hướng dẫn cách phòng bệnh. Các anh còn kiên trì vận động bà con cho trẻ đến trường học, thậm chí sáng ra, các anh đến nhà học sinh đưa các em tới lớp. Hành trình đưa những thôn bản nơi đây vượt qua đói nghèo, lạc hậu, hướng đến no ấm, hạnh phúc đã gần đến đích.

Từ Môn Sơn, lại nhớ đến những cột mốc ngang trời trên đỉnh núi “lang thang ở đâu cũng thấy”, cảm nhận thật rõ nét những đổi thay của biên giới miền Tây xứ Nghệ hôm nay. Dãy núi thiêng huyền bí và hiểm hung trong tâm trí đồng bào Mông, Thái bao đời giờ đây đã được đánh thức bằng trách nhiệm và tâm huyết của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Na Ngoi, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 hay Tổng đội Thanh niên xung phong 10. Những bản làng dưới chân Pu Xai Lai Leng đã trở thành vùng lương thực, vùng rau sạch nổi tiếng cùng các loại lâm thổ sản như chè Shan tuyết, bí đao, gừng, miến dong, gà đen, lợn đen... Đó chính là thành quả của một vùng biên giới hòa bình, ổn định, đoàn kết và phát triển.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO