Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 01:50 GMT+7

Cột mốc trên đất sen hồng

Biên phòng - Tôi đến với miền đất sen hồng bởi đã xuyến xao trước những dòng văn của một người con Đồng Tháp: "Hò Đồng Tháp quê mình thì cũng được nghe nhiều lần rồi, nhưng nghe trong một không gian đầy hương đồng gió nội ở miền biên giới một ngày cuối tuần thì cảm xúc thật dâng trào... Trở lại không khí hôm ra mắt "Hội quán nuôi lươn" của bà con Thường Phước quê mình, mới thấy ấm cúng làm sao, tình nghĩa làm sao! Bảy mươi chín người nông dân nuôi lươn "xúm xa xúm xít" bên nhau, mắt cùng hướng về một ngày mai sẽ có nhiều đổi thay trên miền biên giới này. Sự đổi thay không chỉ đến từ biến đổi khí hậu, từ con nước mùa rồi không theo quy luật của trăm năm trước!".

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, BĐBP Đồng Tháp tuyên truyền cho sinh viên về đường biên, mốc giới tại khu vực cột mốc 240. Ảnh: Ngân An

Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tác giả của những dòng văn ấm áp như phù sa ấy cho tôi biết thêm rằng, quê hương ông xưa kia là một vùng đất đai rộng lớn thuộc Đồng Tháp Mười phì nhiêu do các lưu dân người Việt ở phía Bắc vào khai phá, nổi tiếng hoang vu với lắm bưng, trần, đìa, bàu, với bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng và lau, sậy... cùng các loại muông thú của vùng đầm nước nổi. Dần dà sau này, các Chúa Nguyễn cũng xác lập chủ quyền và đặt bộ máy cái trị, vùng đất thuộc Đồng Tháp ngày nay nằm trên đất phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh và phủ Kiến An, trấn Định Tường.

Điều thuận lành là tôi đã đến với đất này đúng mùa nước nổi, mùa mà dân miền Tây gọi là mùa “nước nhảy lên bờ” nên được trải nghiệm nhiều sản vật địa phương. Nhưng cũng là một hành trình cam go khi phải đến với những cột mốc thiêng liêng bằng ghe hoặc lội bộ trong nước sình. Trên mênh mang nước, từng đám lục bình tím ngắt bồng bềnh trôi về hạ lưu, đâu đó tiếng gà trống gáy ban trưa, tất cả gợi cảm giác thanh bình vô hạn độ. Xe chạy giữa những thảm vàng trĩu hạt và bạt ngàn cao su xanh ngắt. Đó là bằng chứng cho thấy đã qua rồi cảnh người dân biên giới nhọc nhằn mưu sinh trên vùng đất khó. Để có một miền biên viễn an yên như thế, thật khó để nhắc nhớ hết công lao của cha ông trong quá trình khai phóng biên cương đầy nhọc nhằn một thuở.

Sử cũ còn ghi, trong thời gian đóng quân trấn giữ vùng biên cương Tân Châu - nơi con sông Tiền, một nhánh của Mê Kông chảy vào đất Việt - Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã cho nạo vét kênh mương, nối nhánh với sông Tiền, vừa giúp thông luồng cho thủy quân di chuyển, vừa lấy nước cho dân khai khẩn ruộng đất, để lại nhiều thành quả khai canh khai cơ rõ nét. Từ việc xây dựng nền tảng kinh tế, xã hội vững chắc, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục sứ mệnh hoàn thành cương giới quốc gia Đại Việt ở cả vùng miền Tây Nam Bộ.

Là địa bàn hợp nhất của 2 vùng Nam và Bắc sông Tiền, tương ứng với 2 địa danh Sa Đéc và Cao Lãnh nên bản sắc vùng đất cũng vì thế mà có sự đồng nhất trong khác biệt. Đồng Tháp ngày nay thuộc Đồng bằng sông Cửu Long phía Bắc giáp tỉnh Prây Veng, Vương quốc Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, phía Tây giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang. Và lịch sử phát triển hơn 300 năm đã cho thấy, Đồng Tháp không chỉ vang danh với loài hoa sen kiêu hãnh “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như tiết tháo của bậc chí sĩ yêu nước, đất này từ xa xưa đã có những cư dân cổ của nền văn hóa Óc Eo và thời kỳ thịnh trị của vương quốc Phù Nam cổ. Hay trong những năm tháng giành lại độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, Đồng Tháp cũng luôn là thành đồng anh dũng.

Từ những năm trước đây, câu chuyện phân định đất biên cương tôi đã được nghe Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP kể lại rằng, ngay sau ngày giải phóng, những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã nhận được chỉ thị phải bí mật tổ chức khảo sát đường biên, tìm dấu hiệu cột mốc ở 5 khu vực trọng điểm và triển khai các biện pháp đấu tranh giữ đất. Tới năm 1985, Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia ký Hiệp ước hoạch định biên giới thì các tỉnh biên giới Tây Nam đều khẩn trương tiến hành công tác này. “Khi đó biên giới còn nhiều bất ổn, toàn rừng và trảng bàng hoang vu rất ít dân, nhiều mìn gài dưới gốc cây, trong hốc đất. Chúng tôi vừa ôm súng, vừa ôm thước đi dọc đường biên, ăn thì nhờ nhà dân nấu giúp, ngủ thì dựng lán, giăng võng bìa rừng hoặc trải lá nằm ngoài giồng đất cao giữa đồng”, Thiếu tướng Trương Văn Thanh kể lại.

Còn Đại tá Lê Nga, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh lại rất tự hào, bởi ông cùng đồng đội ngày đó đã được cắm những mốc đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Ông chậm rãi kể: “Năm 1987, người dân còn tập trung làm 10km đường biên giới địa phương, từ mốc I-1 đến I1-5. Dấu đường biên này cách đường biên giới mỗi bên là 1m, cao 0,5m và rộng 1,5 - 2,0m. Khi phân định đường biên xong, nhân dân tổ chức trồng tre dọc đường biên về phía đất ta để nhân dân nhận biết. Bà con giúp bộ đội biết bao khổ cực, nhưng họ bảo, mỗi khi thấy cắm được một cái mốc, cũng vui vì biết đó là hòa bình, hai nước không còn chiến tranh, loạn lạc nữa”.

Bước vào giai đoạn mới, cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang cho tới mỗi người dân, công tác phân giới cắm mốc trên thực địa tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp - Prây Veng đã hoàn thành 100% kế hoạch. Theo bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1/25.000, Đồng Tháp có đường biên giới dài trên 50km, tiếp giáp với tỉnh Prây Veng, Campuchia, có 16/16 cột mốc chính và 126/126 mốc phụ, 30/30 cọc dấu. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia (1999-2019), đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc hoàn thành 100% kết quả phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prây Veng giải quyết được vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia giữa hai nước. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu giữa nhân dân khu vực biên giới hai tỉnh và công tác phối hợp kiểm soát giữa các lực lượng chức năng hai tỉnh dọc biên giới được thuận lợi hơn.

Thượng nguồn sông Tiền mênh mang, dài như câu vọng cổ xoải chân sóng đổ nước về 9 cửa phía biển Đông. Tới Đồng Tháp, sẽ là chưa trọn vẹn nếu bạn quên ghé qua cửa khẩu quốc tế Thường Phước để thăm cột mốc số 240 nằm tại cửa khẩu Thường Phước, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thông thương với cửa khẩu quốc tế Kaoh Roka, tỉnh Prây Veng, Campuchia; phía đối diện là cột mốc 241 nằm tại cửa khẩu quốc tế sông Tiền, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Cột mốc số 240 và cột mốc số 241 là cặp mốc song song hai bờ sông Mê Kông - Cửu Long, đánh dấu con sông Mẹ huyền thoại chuyển dòng “nhập cảnh” vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là cột mốc A, được khởi công xây dựng vào tháng 3/2009 trên diện tích 100m2 đất và hoàn thành trong 120 ngày. Ngay sau khi cột mốc khánh thành, các tổ bảo vệ đường biên, cột mốc đã được thành lập trên tinh thần tình nguyện của bà con nơi đây.

Một cột mốc khác cũng rất “nổi tiếng” ở đây là mốc 235(1) cùng các mốc phụ 235/2(2), 235/3(2), 235/4(2). Những mốc này nằm trên đường biên giới chung, dọc theo con sông Sở Thượng chảy qua địa bàn các xã Tân Hội, Thường Lạc và Thường Thới Hậu A, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tiếp giáp với xã Kao Sampov, huyện Ream Chor, tỉnh Prây Veng, Campuchia. Là người từng tham gia hỗ trợ đội phân giới cắm mốc của tỉnh Đồng Tháp khảo sát khu vực này với tư cách người địa phương kiêm phiên dịch, ông Huỳnh Văn Dệ, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh ấp Tân Hòa, xã Tân Hội rất tự hào khi 31 hộ dân của ấp ông và ấp Pou Thmei, xã Kao Sampov phía đối diện chuẩn là “láng giềng quốc tế” khi nhà sát nhà, vườn liền vườn. 20 năm qua, nhân dân hai ấp luân phiên nhau đến chùi rửa, quét dọn xung quanh cột mốc.

Những người anh em khác của mốc 235(1) còn đặc biệt hơn, bởi các mốc nằm trong khuôn viên nhà của người dân. Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cầu Muống, BĐBP Đồng Tháp cho biết, trên đoạn biên giới dài 9km chạy dọc theo sông Sở Thượng do đơn vị quản lý, có tới 9/11 cột mốc nằm sát nhà dân. Anh Tám Trắng, ở ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, là một trong những hộ có cột mốc nằm ngay trước nhà, bỗng nhiên sân sau trở thành “mặt tiền” của đường tuần tra biên giới và kế đó là đường biên giới quốc gia. Anh cười rổn rảng: “Ai sang như tui hông, nhà mặt tiền quốc gia luôn nè”.

Mang theo tiếng cười hồn hậu của người nông dân “nhà mặt tiền quốc gia” ấy tới những xóm ấp giáp biên của miền đất sen hồng, càng ấm lòng hơn trước tình người Đồng Tháp. Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn Đồng Tháp được quan tâm thích đáng. Những mô hình tự quản trong cộng đồng ngày càng được lan tỏa. Đường biên, cột mốc được giữ vững, thể hiện trách nhiệm của người dân Đồng Tháp với cương vực ngàn đời của ông cha.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO