Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 10:48 GMT+7

Cùng dân bản phát triển kinh tế

Biên phòng - Nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị 30 km về phía Nam, Lìa là xã đặc biệt khó khăn, được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân tộc của hai xã A Túc và A Xing theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 17/12/2019. Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm trên 90% dân số toàn xã. Nhìn chung đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, dựa chủ yếu vào trồng sắn năng suất, giá trị không cao.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị trao đổi với bà con về kỹ thuật trồng cây dược liệu cà gai leo. Ảnh: Phương Liên

Tham gia tìm hướng giúp dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với một doanh nghiệp sản xuất dược liệu triển khai trồng thử nghiệm 2,5 ha cây cà gai leo. Cây dược liệu cà gai leo có tác dụng điều trị bệnh viêm gan, nhất là viêm gan B mạn tính thể hoạt động, trong khi thuốc tây điều trị bệnh này rất đắt và có nhiều tác dụng phụ.

Trung tá Trần Trung Dũng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh cho biết, mặc dù mới triển khai từ đầu tháng 1/2021, nhưng cây cà gai leo đã cho thu hoạch 2 đợt, mang lại giá trị 60 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt cộng với thời tiết ủng hộ, một năm cây có thể cho thu hoạch 3 - 4 đợt, hiệu quả kinh tế thu được sẽ còn cao hơn nữa.

Sự thử nghiệm thành công của Đồn Biên phòng Thanh đã mang lại hy vọng mới cho người dân. Trưởng bản A Quan, ông Hồ Văn Tài, người dân tộc Pa Kô tâm sự, một năm gia đình ông chỉ thu được 5 xe sắn, trừ chi phí còn được 18 triệu đồng. Số tiền ấy không đủ trang trải các nhu cầu của cuộc sống. Bởi vậy cũng như gia đình ông, dù rất chăm chỉ, gắn bó với cây sắn nhưng 100% các hộ trong bản đều là hộ nghèo và cận nghèo. Nay tận mắt thấy BĐBP trồng thành công cây cà gai leo cho thu nhập cao, ông và bà con rất mong được hướng dẫn để chuyển sang cây trồng mới. Nguyện vọng này của đồng bào đã được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cảm thấu. Năm 2022, Đồn Biên phòng Thanh triển khai mô hình trồng cây cà gai leo cho 10 hộ dân người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên diện tích 4,5ha.

Tham gia trồng cà gai leo, các hộ sẽ được bộ đội tập huấn, hướng dẫn tỉ mỉ từ khâu làm luống, làm đất, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch. Sản phẩm đã có doanh nghiệp thu mua. Chúng tôi hy vọng các hộ này sẽ là hạt nhân, là mô hình trình diễn để đồng bào trong vùng học tập, làm theo, giúp bà con có điều kiện cải thiện thu nhập và cuộc sống - Trung tá Trần Trung Dũng nói.

Nhà anh Hồ Văn Hồ, dân tộc Vân Kiều ở bản Trùm, xã Ba Tầng có 1 ha sắn, mỗi năm thu nhập chừng 20 triệu đồng. Gia đình anh có 9 nhân khẩu nên với số tiền trên thì luôn thiếu trước, hụt sau. Vì vậy, khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị vận động trồng cà gai leo, anh Hồ mạnh dạn tham gia với diện tích 6.500 m2.

Anh Hồ đã được thu 2 đợt, tổng giá trị 29 triệu đồng. Anh rất phấn khởi vì trồng cà gai leo chí ít cũng cho thu nhập cao gấp đôi cây sắn và chắc chắn có điều kiện lo cho con cái đủ đầy hơn những năm trước.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị hướng dẫn đồng bào bản Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá chăm sóc sắn hàng hoá. Ảnh: Phương Liên

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Bộ Quốc phòng được giao chủ trì thực hiện Tiểu dự án 3: Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Mục tiêu của Tiểu dự án là xây dựng các mô hình gắn kết quân - dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận đảm bảo hậu cần tại các địa bàn chiến lược. Tiểu dự án này được thực hiện tại các xã khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Trồng cà gai leo thảo dược như cách mà các Đồn Biên phòng Thanh, Ba Tầng đang triển khai thí điểm vào dân là một trong những mô hình đang được BĐBP Quảng Trị chỉ đạo nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới theo nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài mô hình này, hiện nay, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đang chỉ đạo Đồn Biên phòng A Vao, huyện Đakrông triển khai mô hình “Vườn rau sạch thôn bản”; phối hợp thôn Ra Ró, xã A Vao thử nghiệm mô hình “Trồng tre lấy măng” trên diện tích 4 ha; Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay phối hợp với Ngân hàng Quân đội chi nhánh Quảng Trị triển khai mô hình “Dê giống khởi nghiệp”,“Heo giống giúp người nghèo”; Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo với mô hình “Bò nuôi nhốt”...

Những mô hình này sẽ góp phần khắc phục tình trạng đa số người dân chưa có sinh kế bền vững và thiếu việc làm ổn định - vốn là những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các xã vùng biên còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh.

Bằng nhiều giải pháp, BĐBP Quảng Trị đang cùng các cấp, các ngành đưa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn, để đời sống của nhân dân khu vực biên giới ngày càng được cải thiện và nâng cao, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều với Đảng, Nhà nước và xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân - dân gắn bó mật thiết, cùng BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới hiệu quả, vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Phương Liên

Bình luận

ZALO