Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 02:35 GMT+7

Cùng nhân dân cả nước vượt qua “bão kép”

Biên phòng - Trong tuần qua, bão liên tiếp uy hiếp miền Trung và miền Bắc trong khi ở đồng bằng sông Cửu Long, nước lũ dâng cao đã làm vỡ nhiều tuyến đê xung yếu, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người dân. Cùng với các cấp, các ngành từ Trung ương và địa phương, lực lượng BĐBP đã sát cánh cùng nhân dân các địa phương phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Bão lũ hoành hành khắp 3 miền

Ở khu vực miền Trung, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam nước biển dâng cao, kèm theo sóng to, gió lớn.

Tại Quảng Bình, nhiều vùng trên địa bàn đã xảy ra mưa lớn, trong đó đáng chú ý là các xã Lâm Thủy, Kim Thủy thuộc huyện Lệ Thủy do mưa nguồn đổ về đã chia cắt và cô lập nhiều thôn, bản.

Tại Quảng Trị, hơn 2500 ha lúa, 200 ha màu bị ngập, 1,6 ha cá nước ngọt đang kỳ thu hoạch bị ngập và cuốn trôi. Riêng ở huyện Vĩnh Linh do tiến độ thu hoạch chậm 1.500 ha/3.100 ha nên đã có hàng trăm ha lúa bị ngập sâu trong nước, đặc biệt ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy có trên 150 tấn lúa sau thu hoạch đã nảy mầm do ngập úng lâu ngày trong nước.

Còn tại Thừa Thiên - Huế, mưa to đã gây ngập nhiều tuyến đường chính của thành phố, nhiều xã vùng trũng trên địa bàn bị cô lập như xã Hương Vinh, Hương Phong (Hương Trà), Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền).

Tại Hội An (Quảng Nam), sóng lớn khiến 500m bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng lấn sát vào đường ven biển…

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nước lũ dâng cao đã làm nhiều tuyến đê trọn yếu bị vỡ khiến hàng nghìn ha lúa thu đông bị ngập chìm trong nước lũ. Hai tỉnh thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ này là Đồng Tháp và An Giang.

Tại Đồng Tháp, các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự đã phải tạm ứng hàng chục tỉ đồng để kịp thời gia cố đê bao. Theo Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão của tỉnh, đến ngày 29-9, nhiều đoạn bờ bao bảo vệ lúa thu đông tại các huyện đầu nguồn chỉ còn cao hơn mặt nước 0,1-0,3m và mực nước các nơi tiếp tục lên nhanh từ 5-13 cm/ngày.

Hiện nay, nhiều hộ dân đang đứng trước cảnh trắng tay do toàn bộ tài sản lúa thu đông đã bị mất trắng. Tình trạng này cũng đã và đang đe dọa nghiêm trọng nhân dân trên địa bàn tỉnh Anh Giang…

Trong khi miền Trung đang khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão số 4, miền Nam đang phải chống chọi với nước lũ thì ở miền Bắc, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định lại đang phải đối mặt với cơn bão số 5.

Từ tối 29-9, tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), gió bắt đầu mạnh lên cấp 6-7, kèm theo mưa nặng hạt, sóng biển bắt đầu dâng cao. Đến 18g cùng ngày, người dân sơ tán từ đảo Cát Hải (huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng) đã bắt đầu sơ tán sang đảo Cát Bà trú bão nhưng sau đó do mưa bắt đầu nặng hạt và gió trên biển mạnh dần lên nên việc sơ tán dân phải tạm dừng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ trưa chiều 30-9, bão số 5 với sức gió mạnh cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Mọi công tác chuẩn bị đang được Trung ương và các địa phương khẩn trương triển khai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của cho nhân dân.

 203IMG_0507.gif BĐBP Nam Định lên đường giúp nhân dân các xã ven biển phòng chống bão số 5
Lực lượng BĐBP sát cánh cùng nhân dân

Được chuẩn bị khá chu đáo nên từ khi cơn bão số 4 (Haitang) và số 5 (Nesat) bắt đầu hình thành trên biển Đông, các đơn vị BĐBP đã nhanh chóng triển khai lực lượng sẵn sàng ứng phó.

Ở các tỉnh ven biển, các đồn biên phòng đã tổ chức thông báo kêu gọi và hướng dẫn tàu, thuyền vào bờ tránh bão an toàn và vận động người dân nuôi trồng thuỷ sản tại các lồng bè, lều chòi ven biển nhanh chóng sơ tán và tìm mọi biện pháp phòng, chống bão. Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức sơ tán dân tại các vùng trũng, thấp ở cửa sông, ven biển, các khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Triển khai lực lượng tham gia đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, giúp dân chằng chống, gia cố nhà cửa, thu hoạch lúa mùa, bảo vệ các công trình công cộng như trường học, cơ sở y tế…

Theo báo cáo của Phòng cứu hộ, cứu nạn BĐBP, đến nay, các đơn vị BĐBP tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã phối hợp cùng các địa phương thống kê, thông báo kêu gọi được gần 40 nghìn tàu, thuyền với gần 180 nghìn ngư dân và trên 3 nghìn lồng bè, lều chòi nuôi trồng thuỷ sản với gần 6 nghìn lao động biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và di chuyển vào bờ an toàn. Bên cạnh đó, các đơn vị đã duy trì 3.415 cán bộ, chiến sỹ/252 phương tiện các loại tham gia giúp dân phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cho biết, trong cơn bão số 4, các đồn biên phòng đã phối hợp với địa phương vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, Cửa Hội… tổ chức kêu gọi được trên 4 nghìn tàu, thuyền với gần 20 nghìn ngư dân đánh bắt hải sản trên biển vào bờ neo đậu tại các bến, cửa lạch an toàn và không có phương tiện ở vùng nguy hiểm.

Đơn vị cũng đã phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự trên địa bàn triển khai tốt các phương án sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển và đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men… cho các vùng bị bão lũ chia cắt dài ngày theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại Quảng Bình, lực lượng BĐBP tỉnh đã kêu gọi được 4.266 phương tiện/18.631 lao động vào bờ trú ẩn an toàn. Đơn vị đã huy động gần 300 cán bộ, chiến sĩ và 16 phương tiện các loại cơ động tham gia giúp dân phòng, chống và khắc phụ hậu quả bão lũ.

Tại Quảng Trị, để giúp nhân dân thu hoạch nhanh số diện tích lúa bị ngập, BĐBP tỉnh đã điều động gần 200 cán bộ, chiến sỹ xuống các địa phương trực tiếp tham gia…

Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 5 và dự báo sẽ hình thành cơn bão số 6 (Nalgae) nhiều khả năng đổ bộ vào nước ta, hiện nay các đơn vị BĐBP đang “căng” hết lực lượng để giúp dân chuẩn bị đối phó và khắc phụ hậu quả.                                     

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Đình Khẩn, Phó Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, Bộ Tư lệnh BĐBP đang chỉ đạo Trung đoàn Thông tin 21 và Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố triển khai ngay hệ thống phương tiện kỹ thuật hiện đại vừa được lắp đặt nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống bão ở các cấp…

 

Lê Hữu(tổng hợp)

Bình luận

ZALO