Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:35 GMT+7

Cuộc chiến chống buôn lậu trên biên giới An Giang

Biên phòng - Do lợi nhuận mang lại rất lớn từ việc buôn lậu, nên các đối tượng vận chuyển hàng không chỉ hoạt động công khai bất kể ngày đêm, mà chúng còn tỏ ra cực kỳ xảo quyệt và liều lĩnh, chấp nhận "bỏ của chạy lấy người" hoặc sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng, để "bảo vệ" hàng lậu khi bị ngăn chặn, bắt giữ.

Bài 2: Cần giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến buôn lậu

Manh động và liều lĩnh

Qua điều tra cho thấy, hầu hết các đối tượng tham gia hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới của tỉnh An Giang đều là người địa phương, vì vậy, chúng không những rất thông thạo địa bàn, mà còn có thể huy động lực lượng đông đảo nhằm chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ hàng hóa, trong đó, vụ việc ngày 20-1-2016, tại khu vực khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên, tỉnh An Giang là một ví dụ điển hình.

Khi tổ công tác của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang phối hợp với Đồn BP Nhơn Hưng bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, trên đường đưa tang vật về đồn thì bất ngờ xuất hiện khoảng 20 đối tượng, dùng hung khí tấn công các chiến sĩ Biên phòng và cướp lại 1 bao tải chứa 500 gói thuốc lá. Tình thế cấp bách buộc tổ công tác phải bắn đạn cao su để cảnh cáo. Tiếp đó, ngày 31-1, một cửu vạn vận chuyển thuốc lá lậu đã đâm thẳng xe gắn máy vào lực lượng Công an huyện Châu Thành, tỉnh An Giang rồi bỏ chạy, bỏ lại tang vật gồm 800 bao thuốc lá ngoại, khi lực lượng này tiến hành bắt giữ.

tqp3_18
Tang vật đường cát nhập lậu bị BĐBP An Giang thu giữ. Ảnh: Đức Thắng

Đối với hoạt động buôn lậu đường cát, sau khi đường dây buôn lậu của "Tỷ đường" (tức Vi Ngươn Thạnh) và 3 đường dây, ổ nhóm khác bị bóc gỡ, tình hình buôn lậu đường lắng xuống trong thời gian ngắn, sau đó lại "trỗi dậy" và diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi hơn và nhiều biến tướng mới.

Rạng sáng 8-3-2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, Cục Hải quan An Giang đã phối hợp cùng Công an xã Vĩnh Xương, Công an xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu tiến hành kiểm tra một ô tô tải đang nhận 121 bao đường cát (tương đương 6,05 tấn) tại khu vực ấp 2, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu thì người điều khiển xe đã cho phương tiện tăng tốc hòng trốn thoát nhưng đã bị lực lượng chức năng truy đuổi, bắt giữ. Qua kiểm tra sơ bộ, tài xế không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số đường trên.

Điều đáng nói là trong những bao đường mang nhãn hiệu của nhiều công ty như: Công ty cổ phần mía đường Hiệp Hòa, Long An; Công ty mía đường Cần Thơ; Công ty mía đường Sóc Trăng; Công ty cổ phần đường Bình Định; Nhà máy đường Phụng Hiệp; Công ty cổ phần mía đường Đắk Nông; Công ty cổ phần mía đường Bến Tre; Xí nghiệp đường Vị Thanh; Công ty mía đường Trà Vinh… Theo nhận định ban đầu, đây là thủ đoạn biến tướng hết sức trắng trợn của bọn buôn lậu đường nhằm gây khó khăn cho việc xác minh, đấu tranh làm rõ của các cơ quan chức năng.

Một điểm rất đáng quan tâm hiện nay, đó là, ngoài đường cát trắng thì các lực lượng chức năng còn thu giữ khá nhiều đường phèn các loại. Đây cũng là một trong những biến tướng của đường lậu. Do bị kiểm tra gắt gao, các đối tượng đã chuyển sang "hóa lỏng" đường cát, sau đó chế biến thành đường phèn. Việc kiểm tra, xử phạt "nước đường" là điều gần như không thể. Rõ ràng, các đối tượng buôn lậu đường đã có những thủ đoạn mới để đối phó với các lực lượng chức năng hết sức tinh vi, xảo quyệt. Bên cạnh đó, chúng mua lại hóa đơn của các nhà máy đường trong nước hoặc hóa đơn hóa giá mua từ các trung tâm đấu giá hàng tịch thu nhằm hợp thức hóa hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là đường cát để tiếp tục tuồn hàng lậu qua biên giới vào Việt Nam.

Quyết liệt đấu tranh

Trong năm 2015, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh An Giang đã kiểm tra, xử lý 3.304 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ 34,6 tỷ đồng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu là 18 tỷ đồng. Riêng thuốc lá lậu, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã kiểm tra, bắt giữ 2.139 vụ/1.094 đối tượng, tịch thu 1.263.444 gói thuốc lá điếu nhập lậu. Các ngành chức năng đã khởi tố hình sự 46 vụ/60 bị can, tịch thu phương tiện vận chuyển hàng cấm gồm 2 ô tô và 299 xe mô tô cùng 15 ghe, xuồng các loại.

Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389) tỉnh An Giang, trong đợt cao điểm chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã bắt giữ 650 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa gần 5 tỷ đồng, trong đó, trên 270.000 gói thuốc lá, gần 200 tấn đường các loại… Trong đó, có nhiều vụ lớn, như ngày 26-1, Đồn BP Phú Hội tổ chức bắt giữ 1 vụ vận chuyển 18.500 gói thuốc lá ngoại qua biên giới; ngày 20-3, Đồn BP Vĩnh Ngươn phối hợp với Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP An Giang bắt giữ 1 vụ vận chuyển trái phép 102 bao đường cát Thái Lan (trọng lượng khoảng 5,1 tấn).

Theo ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, để hạn chế tình trạng buôn lậu, trước hết cần giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến nạn buôn lậu, bắt đầu từ những việc căn cơ như: Xóa hẳn sự tiếp tay vận chuyển hàng lậu của một bộ phận người dân, khắc phục những yếu kém trong công tác thu thập thông tin chưa theo kịp những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu, hoàn thiện nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, trong đó có yếu tố cán bộ, bởi đây là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh trực tiếp với các đối tượng buôn lậu...

Những kết quả chống buôn lậu của các lực lượng chức năng tỉnh An Giang trong thời gian qua rất đáng khích lệ, tuy nhiên, đây mới chỉ phản ánh được "phần nổi của tảng băng chìm" chứ chưa thể hiện hết tính chất phức tạp của hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh An Giang.

Thượng tá Lê Quốc Việt,  Đồn trưởng Đồn BP Phú Hội cho hay: "Các đối tượng buôn lậu rất liều lĩnh và manh động, nhiều lần chúng tôi tổ chức bắt giữ thì các đối tượng này huy động lực lượng, phương tiện để ngăn cản, thậm chí, chúng sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng hòng tẩu tán hoặc cướp lại tang vật". Thực tế cho thấy, khi lực lượng chức năng bắt được một vụ buôn lậu thì các đối tượng buôn lậu lại hoạt động mạnh hơn để "bù lỗ" số hàng hóa bị bắt giữ, vì vậy, cuộc chiến chống buôn lậu vẫn diễn ra hết sức cam go, chưa có hồi kết. Do đó, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Nói về vấn đề này, Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục quần chúng, nhất là những người dân ở biên giới, để bà con hiểu và không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu; đồng thời, kiến nghị cấp trên bổ sung trang thiết bị, công cụ, kinh phí để hỗ trợ lực lượng chống buôn lậu đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo các đồn, trạm BP tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng tham gia buôn lậu, nhất là kẻ chủ mưu, đầu nậu, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng vừa tích cực đấu tranh ngăn chặn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền".

Nguyễn Đức Thắng

Bình luận

ZALO