Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 12:06 GMT+7

U-crai-na:

Cuộc chiến giữa Đông và Tây

Biên phòng - Thủ đô Ki-ép của U-crai-na những ngày qua lại rung chuyển bởi những cuộc biểu tình của hàng trăm nghìn người do các đảng đối lập phát động nhằm phản đối chính quyền nước này từ bỏ Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU) vốn được chuẩn bị trong nhiều tháng qua, đòi Tổng thống V.Y-a-nu-cô-vích từ chức và tổ chức bầu cử sớm.

600_25a.jpg
Quảng trường độc lập ở Thủ đô Ki-ép, tâm điểm của làn sóng biểu tình hiện nay.
Làn sóng biểu tình lớn nhất ở U-crai-na trong một thập kỷ qua có xu hướng cực đoan và vượt ngoài tầm kiểm soát, khi người biểu tình bao vây, phong tỏa các cơ quan công quyền, đụng độ bạo lực với lực lượng an ninh. Rõ ràng, quyết định bất ngờ quay lưng với EU đang đẩy U-crai-na rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất kể từ cuộc "Cách mạng Cam" năm 2004, đồng thời cũng gợi lại không khí thời kỳ Chiến tranh lạnh khi bộc lộ rõ hơn cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Đông (Nga) và Tây (EU).

Khi giấc mơ bị đánh cắp

Cả U-crai-na và EU đã từng mơ về những triển vọng tốt đẹp, sau khi hai bên ký Hiệp định liên kết lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" diễn ra ở Thủ đô Vi-nhút của Lít-va, ngày 28-29/11. Tuy nhiên, giấc mơ này "bỗng dưng" tan thành mây khói vào phút chót, khi Ki-ép quyết định hoãn ký Hiệp định. Quyết định này không chỉ khiến chính trường U-crai-na dậy sóng và đứng trước nguy cơ bị chia rẽ sâu sắc, mà còn đẩy chương trình "Đối tác phương Đông" đầy tham vọng của EU trước nguy cơ phá sản.

Ở U-crai-na từ lâu đã có sự phân cực khá rõ ràng giữa một miền Nam và miền Đông, vốn có hệ ngôn ngữ và văn hoá gần với Nga, rất thân Nga, với các khu vực nói tiếng U-crai-na chủ yếu ở miền Tây độc lập hơn và luôn muốn xích lại gần châu Âu. Các cuộc thăm dò ý kiến công bố gần đây cho thấy, có tới 50% người dân U-crai-na bày tỏ mong muốn đất nước mình ký Hiệp định liên kết với EU, trong khi số người ủng hộ việc hội nhập với Nga là 48%. Trong khi đó, Tổng thống U-crai-na Vích-to Y-a-nu-cô-vích lại là người nói tiếng Nga và là đại diện cho khu vực cử tri miền Đông. Thế nên cũng thật dễ hiểu cho tình cảnh ở đất nước thuộc không gian hậu Xô-viết này hiện nay với việc phe đối lập dễ dàng phát động biểu tình quy mô lớn đòi lật đổ chính quyền sau quyết định rời xa EU.

Thực tế, quyết định này cũng đã được Ki-ép đặt lên bàn cân trong bối cảnh đang phải đối phó với một nền kinh tế suy thoái, chịu thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai lên tới 5,5% GDP và mới đây đã bị cơ quan thẩm định tín dụng quốc tế đánh tụt hạng xuống loại có nguy cơ phá sản cao với khoản nợ 2 tỷ USD sắp đến hạn thanh toán. Trong khi những lời hứa của một EU đang phải gồng mình trước gánh nợ công mới chỉ như những ngôi sao lấp lánh ở phía trời xa, thì cuộc chiến thương mại với Nga đã gây ra những hậu quả nhãn tiền, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các khoản tài chính của Nga cũng ít có điều kiện ràng buộc chính trị và cũng ít bị kiểm soát trong chi tiêu hơn. Mát-xcơ-va không đặt điều kiện giải phóng bà cựu Thủ tướng Y-u-li-a Ti-mô-sen-cô (mặc dù không đồng ý với lý do giam giữ), song EU lại ép Ki-ép phóng thích nhân vật chính trị vẫn còn đang có ảnh hưởng này. Ngoài ra, giới chức Ki-ép đã nhìn rõ hậu quả đang diễn ra tại ba nước Cộng hòa Ban-tích thuộc Liên Xô cũ, khi để đánh đổi quy chế thành viên EU các nước này đã phải gánh một khoản nợ công không nhỏ.

Việc U-crai-na, nước lớn nhất trong số 6 đối tác, bất ngờ tuyên bố ngừng ký kết Hiệp định liên kết với EU ngay trước thềm Hội nghị ở Vi-nhút đã khiến chương trình nghị sự bị đảo lộn và kém phần sôi động.

Cơ chế "Đối tác phương Đông" được đề xuất từ tháng 3-2007, nhằm mang lại các giá trị dân chủ châu Âu cho các nước nằm ngoài biên giới phía Đông của EU gồm: A-déc-bai-gian, Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Gru-di-a, Môn-đô-va và U-crai-na. Cơ chế này đưa ra thỏa thuận với 6 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tương tự như các thỏa thuận với các quốc gia Trung Âu trong những năm 1990. Đây là chương trình do EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phối hợp thực hiện, nhằm cạnh tranh với Nga về ảnh hưởng đối với các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Theo đó, các nước đối tác cần thực hiện phần lớn các quy định của EU để được tiếp cận thị trường tự do chung của EU và ngược lại.

Với vị trí chiến lược là cầu nối châu Âu và Trung Á, lại tiếp giáp với 4 nước châu Âu, U-crai-na là đối tác có nền kinh tế lớn nhất, dân số đông nhất và quan trọng nhất trong số 6 nước phương Đông tham gia đàm phán liên kết với EU. Nói cách khác, nếu cơ chế "Đối tác phương Đông" thiếu đi nhân tố U-crai-na, thì sẽ chỉ còn là một chiến lược "hữu danh vô thực".

Cuộc chiến giữa Đông và Tây

Việc Tổng thống V.Ya-nu-cô-vích bất ngờ quay ngoắt 180 độ, từ bỏ hội nhập với EU để ngả sang hướng tái khởi động đối thoại kinh tế với Nga, càng làm nổi bật sự ganh đua giữa Đông và Tây Âu trong vấn đề U-crai-na, nước được coi là chiếc nôi truyền thống Xla-vích ở phía Đông.

Đối với EU, sau những nỗ lực gấp đôi nhằm tìm kiếm một thỏa thuận liên kết với U-crai-na thì đây hẳn là một thất bại đau đớn và thấm thía. Những mất mát này buộc các nhà lãnh đạo EU phải đặt ra câu hỏi về tương lai của cơ chế "Đối tác phương Đông", cũng như sức hấp dẫn của EU trước cuộc chiến tranh giành không gian ảnh hưởng ngày càng gay gắt giữa các cường quốc trên toàn thế giới.
600_25b.jpg
Những người dân U-crai-na muốn hướng sang EU. Ảnh: AP

Đối với Nga, sau vấn đề Xy-ri thì sự việc này chắc chắn là một thắng lợi ngoại giao mới. Một trong những mục tiêu chính của chính sách ngoại giao của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin trong nhiệm kỳ này là xây dựng phạm vi ảnh hưởng của Nga, bao trùm lên gần như toàn bộ khu vực Liên Xô trước đây. Với dân số 45 triệu người, lãnh thổ rộng, nguồn lực kinh tế dồi dào và mối quan hệ lâu đời với Nga, U-crai-na là một phần quan trọng trong kế hoạch của ông Pu-tin. Một nhà phân tích đã từng nói: "Nếu như U-crai-na hướng về phía Tây mà không phải phía Đông thì coi như chính sách ngoại giao của Tổng thống Nga bị đổ bể".

Viễn cảnh một thỏa thuận liên kết EU - U-crai-na đã là một chủ đề gây ra sự tranh giành ảnh hưởng căng thẳng giữa EU và Nga trong những tháng qua. Khi mà Hội nghị Vi-nhút đang tới gần, Điện Crem-li đã thông báo "giải thưởng" là các loại hợp đồng ưu đãi trị giá "hàng chục tỷ USD" nếu Ki-ép xa lánh EU và trong trường hợp ngược lại, các sản phẩm của U-crai-na sẽ bị cấm nhập vào Nga. Việc Mát-xcơ-va đề xuất giảm giá khí đốt cho U-crai-na trước mùa đông lạnh giá đang đến gần cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự cân nhắc của Ki-ép. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đảng Các khu vực của Tổng thống Y-a-nu-cô-vích cũng vẫn là một chính đảng thân Nga. Và từ lâu, châu Âu cũng hiểu rằng, Ki-ép sẽ dấn vào tiến trình đàm phán để gia nhập Liên minh Hải quan do Nga khởi xướng, gồm các thành viên Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và nay mai là Ác-mê-ni-a.

Một U-crai-na không bình yên chắc chắn không phải là điều mong muốn của cả EU cũng như Nga và cuộc khủng hoảng hiện nay có thể sẽ để lại một "vết thương nặng nề" với Ki-ép. Tuy nhiên, sau quyết định này, việc Ki-ép muốn tiến gần với EU cũng là một vấn đề, bởi hai năm tới, cả EU và U-crai-na đều diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng, trong đó sẽ có nhiều thay đổi với những con người mới, chính sách mới.
Cẩm Linh

Bình luận

ZALO