Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:26 GMT+7

Cuộc sống mới trên những chiến khu xưa

Biên phòng - Những vùng quê cách mạng của tỉnh Đắk Lắk, từng một thời gánh chịu bom đạn của kẻ thù trong kháng chiến chống Mỹ giờ đang đổi thay từng ngày, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hiện hữu trên mỗi nếp nhà, làng quê giàu đẹp, thanh bình, yên ấm.

Buôn căn cứ cách mạng Ea Mdroh ngày càng khởi sắc. Ảnh: Lê Hường

Đổi thay Ea Mdroh

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh buôn làng những ngày bị địch càn quét, đốt phá, dồn dân, lập ấp vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều người dân buôn Ea Mdroh, xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng bào nơi đây một lòng đi theo tiếng gọi của Đảng, đóng góp sức người, lương thực, của cải, vật chất phục vụ cách mạng, nuôi dưỡng, che giấu nhiều cán bộ cách mạng. Vì thế, giặc điên cuồng đốt cháy cả buôn, nên buôn Ea Mdroh còn có tên gọi khác là buôn Cháy.

Ông Y Rang Niê Kđăm, Trưởng buôn Ea Mdroh cho biết: Mặc dù bị giặc càn quét, đốt phá, mất sạch tài sản, nhưng bà con Ea Mdroh vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Tất cả người dân cùng nhau vào rừng trú ẩn, tiếp tục sản xuất phục vụ kháng chiến. Đất nước thống nhất, các hộ dân về lại buôn cũ cắt tre, nứa dựng nhà, đến các buôn khác xin hạt giống để gieo trồng, suốt thời gian dài không được ăn hạt cơm, nhưng bà con quyết tâm cùng nhau xây dựng quê hương. Nhờ sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước giúp bà con dựng nhà, đào giếng nước, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, đồng bào Ê Đê buôn Ea Mdroh bước qua gian khó, đời sống dần cải thiện. Ông Y Dơng Niê Kđăm chia sẻ thêm: "Ngày xưa, bà con chỉ biết trồng cây mì, bắp, khi được cán bộ hướng dẫn, bà con mạnh dạn trồng cà phê, điều, hồ tiêu. Người dân đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới khang trang, đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Mừng nhất là bà con đã bỏ nhiều tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới, thanh, thiếu nhi trong buôn rất ham học, nhiều cháu học đại học, cao đẳng".

Để ghi nhớ công lao của quân và dân buôn căn cứ cách mạng Ea Mdoh, UBND huyện Cư M’gar đã đầu tư xây dựng công trình Khu lưu niệm căn cứ cách mạng tại xã Ea Mdoh. Khu lưu niệm có diện tích 1ha với các hạng mục công trình nhà trưng bày và lưu niệm, văn bia lưu niệm, phù điêu, nhà quản lý và bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Công trình này trở thành "địa chỉ đỏ" trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Mdroh Nguyễn Văn Nam, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với nhiều chính sách thiết thực, xã Ea Mdroh đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, toàn xã còn 11% hộ nghèo, 16,47% hộ cận nghèo. Xã đang xin với huyện, tỉnh giữ gìn lại những nhà dài, kết hợp với khu lưu niệm để phát triển du lịch, giúp cho bà con có thêm trợ lực để thoát nghèo.

Đắk Phơi chuyển mình

Đắk Phơi từng là nơi hoạt động, che chở an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng chủ chốt, đóng góp nhiều công sức, của cải cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1977, xã Đắk Phơi (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trên vùng quê nghèo xác xơ vì bom đạn năm xưa đang từng ngày thay da đổi thịt, cơ sở vật chất khang trang, cuộc sống ngày càng ấm no.

Đồng bào M'nông ở Đắk Phơi áp dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Hường

Già Y Thân Lông Dưng (tên thường gọi là Ama Phương), ở buôn Pai Ar là một trong những nhân chứng hiếm hoi của lịch sử xã Đắk Phơi. Già Ama Phương kể: "Thời chiến tranh, đồng bào các dân tộc khu căn cứ Đắk Phơi ăn than thay muối, khoai, sắn khô thay cơm, nhưng vận chuyển hàng tấn lương thực phục vụ kháng chiến. Có thời điểm, cái đói và bom đạn của quân xâm lược đã cướp đi mạng sống của hơn 1.000 người dân và cán bộ cách mạng. Bây giờ, đời sống của bà con xã Đắk Phơi khác rồi, có đường đẹp để đi, có điện thắp sáng, nước sạch để dùng, trường học, trạm y tế khang trang. Bà con trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cuộc sống ngày ấm no".

Cùng sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sạch, điện thắp sáng và các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo..., sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân xã Đắk Phơi, mà bộ mặt nông thôn khởi sắc, cuộc sống của người dân no ấm, đủ đầy. Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Phơi Y Ngoan Buôn Dáp cho biết: "Toàn xã hiện có gần 1.600 hộ với 7.500 nhân khẩu, trong đó, có 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mnông. Thời gian qua, xã Đắk Phơi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Đến nay, các buôn trong xã đã có điện thắp sáng; đường giao thông từ trung tâm xã vào các buôn từng bước được khang trang, thuận lợi cho việc sản xuất, đi lại của người dân. Toàn xã có 4 trường học (1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở). Tỉ lên hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng lên từng năm".

Không chỉ phát triển kinh tế, xã hội, đồng bào dân tộc M'nông còn bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện, trên địa bàn xã còn giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng, các nghi lễ, lễ hội truyền thống đặc trưng ở của người M'nông Gar như Lễ kết nghĩa anh em, Lễ mừng thọ, Lễ cúng lúa mới...

Lê Hường

Bình luận

ZALO