Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:27 GMT+7

Cuộc trùng phùng đầy nghĩa tình ở Prin C

Biên phòng - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản Prin C (nay thuộc huyện Sa Muồi, tỉnh Sa La Van, Lào) từng là chiến khu cách mạng, nuôi giấu nhiều cán bộ miền xuôi vùng Bình Trị Thiên lên học tập, công tác. Sự cưu mang, đùm bọc của các gia đình người Pa Cô khiến những người đã từng sống, chiến đấu ở mảnh đất này chưa khi nào quên ân tình trong khói bom lửa đạn ấy mà luôn thôi thúc tìm và trở về bên nhau.

Bà Nguyễn Khoa Kim Bội giới thiệu với phóng viên Báo Biên phòng về những kỷ niệm với gia đình người mẹ Pa Cô. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Lá thư gửi từ thành phố Huế

Bà Nguyễn Khoa Kim Bội, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên đại biểu Quốc hội khóa IX đã kể câu chuyện của mình như sau: “Tháng 9/1968, tôi cùng với một số cán bộ cơ sở được Huyện ủy Phong Điền đưa lên rừng khu vực huyện Hướng Hóa (giáp với Lào) để bồi dưỡng, học tập trong mùa mưa theo chủ trương của Khu ủy Trị Thiên. Tôi được bố trí đi học y tế, nhưng tình hình lúc đó khó khăn, lớp học y tá có khoảng 20 người được ông Côn Bước là Xã đội trưởng A Vao (huyện Hướng Hóa) đưa về thôn Prin C ở với một gia đình người Pa Cô để thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân. Prin C khi ấy thuộc huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt nhưng do chính quyền Việt Nam quản lý. Sau hoạch định biên giới, Prin C thuộc sự quản lý của chính quyền Lào và từ năm 1989 thì thuộc huyện Sa Muồi, tỉnh Sa La Van”.

Theo trí nhớ của bà Bội, gia đình mẹ Pa Cô này có 4 người con trai, gồm: Anh lớn nhất tên Quỳnh Nước, là thương binh, mất một chân, có vợ tên là Căn Nương và anh chị có 2 con gái. Anh thứ 2 tên Quỳnh Nưn, có tên khác bộ đội đặt cho là Liên. Anh Nưn mới cưới vợ, chưa có con. Anh thứ 3 tên là Thăng Lơn, là bộ đội huyện Hướng Hóa, chưa có vợ con. Người con thứ 4 tên là Ca Đừng, tham gia du kích xã A Vao, chưa có vợ. Mẹ Pa Cô, bà Bội cùng với 2 con trai chưa vợ ở gian bếp giữa nhà nhưng ăn chung với gia đình anh Quỳnh Nước. Các anh trong gia đình đều biết tiếng Kinh nên hướng dẫn cho bà Bội một số phong tục, trồng trỉa và thu hoạch vụ mùa trên nương.

Trong thời gian ở với gia đình mẹ Pa Cô, bà Bội đã bị sốt rét và được gia đình chăm nuôi rất tình cảm nên nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Bà Bội ở chung với gia đình được hơn 1 tháng thì được rút về ở tập trung tại Trường Hạ sĩ thuộc Trung đoàn 6. Sau đó, bà được cử đi học lớp cán bộ Đoàn do Khu Đoàn thanh niên Trị Thiên Huế tổ chức. Kết thúc khóa học, bà được nhà trường cho về phép thăm gia đình mẹ Pa Cô 3 ngày. Cả gia đình mẹ mừng vui đón bà như một người con về thăm nhà. Ngày trở về đơn vị, cả nhà chuẩn bị cho bà Bội đủ thứ lương thực, rau, củ quả. Mẹ Pa Cô bảo con trai út Ca Đừng gùi đồ cho bà về tận trường. “Nghĩa tình đó, tôi mãi ghi nhớ trong lòng. Sau năm 1975 tới nay, tôi đã nhiều lần nhờ Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Đakrông tìm hỏi tin tức nhưng đều không có câu trả lời. Sau đó có thông tin gia đình này sau khi hoạch định biên giới đã ở luôn bên Lào” - Bà Bội chia sẻ.

Chiến tranh kết thúc đã lâu, tuổi đời mỗi năm một tăng thêm, nhưng bà Bội vẫn canh cánh trong lòng là chưa gặp lại được gia đình ân nhân đã nuôi dưỡng mình lúc chiến tranh. Tháng 8/2018, bà Bội đã viết thư gửi tới Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị nhờ tìm gia đình ân nhân của mình để có thể đền đáp công ơn đã nuôi dưỡng. Và niềm hạnh phúc đến bất ngờ. Vào một ngày, một số điện thoại lạ đã gọi, giới thiệu là Trung tá Hồ Phú Vinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao. Tim bà Bội như ngừng đập khi người lính Biên phòng ấy nói đã tìm được một người tên là Ca Đừng, có chụp ảnh nên “nhờ cô xác nhận lại”. Điều tuyệt vời hơn cả là hiện nay, ông Ca Đừng đang ở Việt Nam.

Vòng tròn ân tình

Năm 2018, đường vào Đồn Biên phòng A Vao vô cùng vất vả, chỉ đi được vào mùa nắng. Bà Bội tuổi đã 70, xe không thể vào A Vao nhưng cũng không thể đợi đến mùa khô để gặp lại những ân nhân của mình. Thế là, gia đình ông Cà Đừng quyết định đi bộ ra xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) để gặp lại bà Bội. Phải mất rất lâu, bà Bội và gia đình ông Ca Đừng mới có thể bớt xúc động để bắt đầu hỏi thăm về cuộc sống của nhau. Tối hôm ấy, không ai có thể ngủ được. Mọi người cùng thức để kể lại những câu chuyện mà chưa một ai quên dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.

Khi biết gia đình 3 người anh đầu vẫn còn sống nhưng hiện tại đang ở bên Lào, một lần nữa, bà Bội viết đơn đề nghị UBND thành phố Huế tạo điều kiện để có thể xuất cảnh vì “nhất định phải gặp lại để cảm ơn”. Đó là những cuộc trùng phùng đầy nước mắt nhưng là những giọt nước mắt hạnh phúc sau bao nhiêu năm xa cách nay mới gặp lại. Chỉ ở với nhau chưa đầy 2 tháng và xa cách 50 năm, thế nhưng “kể cả con anh Nước khi ấy còn rất nhỏ mà nay vẫn nhớ tôi. Có lẽ tất cả đã coi tôi là một thành viên của gia đình” - bà Bội xúc động nói.

Bà Nguyễn Khoa Kim Bội vẫn thường nhờ cán bộ Đồn Biên phòng A Vao mua lương thực cho gia đình ông Ca Đừng. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Câu chuyện ân tình chưa dừng ở lại đó. Đối với ông Ca Đừng - người duy nhất trong gia đình mẹ Pa Cô ngày ấy, hiện nay ở Việt Nam, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau khi được nhập tịch Việt Nam năm 2018, ông Ca Đừng được cấp đất, được Đồn Biên phòng A Vao hỗ trợ cây, con giống, tuy nhiên vì tuổi cao, sức yếu nên thu hoạch cũng không đáng bao nhiêu. Mùa khô năm 2019, bà Bội đã thực hiện được dự định đến thăm gia đình ông Ca Đừng và bà con thôn Pa Ling. Chuyến đi ấy, bà Bội và con trai đã mang rất nhiều quà tặng mọi người. Trong thâm tâm, bà dự định sẽ còn nhiều lần quay trở lại nơi đây. Tuy nhiên, sau khi bị tai nạn, sức khỏe của bà Bội không cho phép quay trở lại, thế nhưng, bà vẫn luôn giữ liên lạc.

Thượng tá Hồ Phú Vinh nay đã là Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị, anh cho biết: “Sau hoạch định biên giới, sự lựa chọn nơi sống quyết định quốc tịch của người dân nên người dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào vẫn luôn là anh em ruột thịt. Bởi vậy, việc tìm ân nhân cho bà Bội không khó, nhưng cũng gặp trở ngại vì người đồng bào thường đổi tên theo con. Rất may, câu chuyện kết thúc có hậu. Biết ông Ca Đừng khó khăn, bà Bội nhờ Đồn Biên phòng A Vao thường xuyên ghé thăm, thấy ông Ca Đừng hết gạo, nhu yếu phẩm thì thông báo giúp để bà gửi tiền lên mua. Trước khi tôi chuyển công tác có bàn giao lại cho đồng chí kế nhiệm tiếp tục làm cầu nối liên lạc cho gia đình ông Ca Đừng và bà Kim Bội”.

Thực ra, gia đình ông Ca Đừng không chỉ đùm bọc bà Nguyễn Khoa Kim Bội, mà còn có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Bản thân ông Ca Đừng hiện vẫn giữ 39 tờ phiếu biên nhận của các đơn vị đã tiếp nhận hàng tấn lương thực, thực phẩm từ gia đình của ông. Thế mới biết, tấm lòng của gia đình ông Ca Đừng với cách mạng rộng, dài và cao vút tựa như dải Trường Sơn.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO