Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 01:26 GMT+7

Cứu dân - Mệnh lệnh từ trái tim người lính

Biên phòng - Mưu sinh bám biển, ngư dân phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đe dọa tính mạng đến từ các yếu tố thời tiết cực đoan, bất cẩn trong lao động, tai nạn đâm va… Nhiều người đã ở lằn ranh sinh tử, nhưng rồi họ may mắn được BĐBP không quản ngại hiểm nguy, ứng cứu kịp thời. Hành động xả thân cứu giúp người dân của những lính quân hàm xanh góp phần tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân đảm bảo trang thiết bị an toàn trước khi ra biển. Ảnh: Lê Khoa

Trở về từ lằn ranh sinh tử

Người đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến là anh Nguyễn Hoàng Minh (23 tuổi, trú tại ấp Trường Bình, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) - một trong những nạn nhân may mắn được BĐBP Cà Mau và ngư dân địa phương phát hiện, cứu vớt khi đối diện với sự sống và cái chết trong gang tấc.

Được giới thiệu “việc nhẹ, lương cao” qua mạng xã hội, anh Minh đã tìm về một cảng cá ở Kiên Giang để xuống tàu ra biển làm việc theo lời hứa của người giới thiệu là chỉ lựa tôm cá, làm tốt, mỗi tháng chủ tàu trả từ 10 đến 15 triệu đồng. Nhưng khi ra biển, anh không biết thả cào, kéo cào, nên thường xuyên bị thuyền trưởng chửi mắng, đe dọa đánh đập. Nuôi ý định bỏ trốn, anh Minh chuẩn bị một cái can, túi đựng quần áo cá nhân, chờ cơ hội thực hiện. Đêm 19/6/2023, anh đã lén nhảy xuống biển và trôi dạt lênh đênh liên tục 3 ngày trên biển.

“Đói, khát, tôi phải uống nước mặn cầm hơi, tuyệt vọng cùng cực. Trong lúc tuyệt vọng nhất, người lả dần đi, tôi xác định buông xuôi tất cả thì từ xa mờ, tôi nhìn thấy một chiếc tàu đang chạy lại. Trên tàu có mấy anh mặc đồ bộ đội, sau đó, tôi đã được cứu sống”- anh Minh nghẹn ngào kể.

Thượng úy Võ Tiệp Khắc, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc cho biết: “Nhận được tin của ngư dân ngoài biển báo về, phát hiện có một người đang trôi dạt trên biển, cách cửa Đá Bạc khoảng 5 hải lý, chúng tôi xin ý kiến chỉ huy và nhanh chóng tổ chức lực lượng, phương tiện ra biển ứng cứu. Khi được vớt lên, sức khỏe của anh Minh rất yếu. Chúng tôi đã tiến hành chăm sóc sức khỏe, bố trí nơi ăn nghỉ và liên hệ với gia đình đón anh Minh về, đồng thời tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc”.

Ông Nguyễn Văn Linh, cậu ruột của anh Minh thay mặt gia đình từ Hậu Giang đến đón anh về cứ nghẹn giọng khi kể về hoàn cảnh của cháu mình và nhắc đi nhắc lại mãi lời cảm ơn BĐBP: “Cháu tôi thật may mắn mới được cứu sống trở về từ lằn ranh của cái chết. Gia đình tôi luôn ghi nhớ ơn này. Chúng tôi xin cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của cán bộ Biên phòng”.

Anh ráng sống làm lo cho 4 đứa con!

Một câu chuyện cảm động khác mà chúng tôi ghi nhận được khi xuống địa bàn tìm hiểu về tình cảm quân dân là từ vợ chồng anh Giang Thanh Quyết, chị Ngô Thị Tường Linh (trú tại khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau). Gia đình anh Quyết có phương tiện CM2400TS là tài sản lớn nhất để hàng ngày ra biển làm nghề lưới rê. Cuối tháng 4/2023, anh chị điều khiển phương tiện ra biển hoạt động nghề như mọi ngày, sau khi thu gom lưới để chạy vào bờ thì gặp thời tiết xấu, dẫn đến bị chìm ở vị trí cách bờ khoảng 3 hải lý. Cả hai người bị trôi dạt trên biển. Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm đã cử một tàu với 6 cán bộ phối hợp cùng ngư dân địa phương ra biển tìm kiếm.

Đại úy Nguyễn Văn Nhớ, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Rạch Gốc hỗ trợ thuyền viên bị gãy chân lên xe đi Bệnh viện. Ảnh: Lê Khoa

Với chị Linh, nỗi ám ảnh về thời khắc đối mặt với cái chết gần kề vẫn còn in đậm như mới xảy ra hôm qua. Ánh mắt thẫn thờ nhìn ra biển xa, chị Linh kể: “Hai vợ chồng tôi ra biển khoảng hơn 9 giờ, làm đến hơn 11 giờ thấy gió nên rút gọng chạy vô. Chạy gần tới cửa rồi, ai ngờ bị sóng đánh chìm. Vợ chồng tôi ôm được cái phao nhưng sau đó, phao cũng bị đánh bể. Chúng tôi ráng bơi vô. Lúc đầu, tôi bám vai anh Quyết, nhưng được một đoạn, anh Quyết mỏi và nói, nếu hai vợ chồng cứ bám vào bơi như này sẽ nhanh mệt, có khi không bơi nổi, nên tôi bỏ anh Quyết ra, bơi phía sau. Thi thoảng, anh Quyết quay lại hỏi, em bơi được không? Tôi nói, anh ráng bơi vào bờ đi, nếu em chết, anh ráng sống làm lo cho 4 đứa con! Khi gần như kiệt sức thì thấy mấy anh Biên phòng ra trợ giúp. Cũng may, mấy anh ra ứng cứu kịp thời, không thì chúng tôi đã bỏ mạng ngoài biển”.

Thượng tá Trương Bảo Xuyên, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Cà Mau cho biết, để hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển, các đồn, Hải đội Biên phòng trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân về đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi ra biển hoạt động; vận động 100% chủ tàu có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời duy trì hiệu quả hệ thống đài canh, phục vụ công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Khi có tin bão và áp thấp nhiệt đới, các đơn vị sẽ chủ động liên lạc để kêu gọi và thông báo, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển tránh, trú bão. Các đơn vị cũng đã tổ chức lực lượng, phương tiện và huy động ngư dân các địa phương tham gia hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn hàng chục ngư dân gặp nạn bị trôi dạt trên biển đưa vào bờ an toàn.

Năm 2023, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng 9 tàu/75 cán bộ, chiến sĩ và huy động 15 tàu/86 ngư dân, đồng thời, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển, hỗ trợ tìm kiếm cứu vớt được 83 thuyền viên gặp nạn và lai dắt 7 tàu cá gặp sự cố vào bờ an toàn.

Lê Khoa

Bình luận

ZALO