Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Đảm bảo an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên biển

Biên phòng - Cùng với nhiệm vụ quản lí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép trên khu vực biên giới biển của tỉnh, BĐBP Cà Mau còn kết hợp đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao cảnh giác, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, nhất là đối với ngư dân đang hoạt động trên biển. BĐBP tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng cơ động giúp dân trong mọi tình huống.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền vùng biển và sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi hoạt động trên biển. Ảnh: Lê Khoa

Khu vực biên giới biển của tỉnh Cà Mau gồm 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển. Vùng biển Cà Mau rộng 80.000km2, có 3 cụm đảo ven bờ, gồm Cụm đảo Hòn Khoai, Cụm đảo Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc. Tuyến bờ biển 254km trên địa bàn có gần 100 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển, thuận lợi cho việc ra vào làm ăn, giao lưu hàng hóa của nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Vùng biển Cà Mau cũng là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế.

Đại tá Phạm Anh Chương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết: “Cà Mau hiện nay có trên 4.600 phương tiện đang trực tiếp hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển của tỉnh. Ngoài ra, với vùng biển rộng, lượng hải sản dồi dào, vùng biển Cà Mau còn thu hút một lượng lớn phương tiện của ngư dân các tỉnh lân cận về khai thác, đánh bắt.

Trong khi hàng ngày, trên biển, thời tiết luôn diễn biến bất thường, giông lốc, sóng to, gió mạnh đã gây ra nhiều vụ tai nạn, gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân. Mùa mưa bão năm nay đã đến, cùng với nhiệm vụ “Chống dịch như chống giặc”, BĐBP Cà Mau xác định, công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”.

Để chủ động trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân khi ra vào hoạt động trên biển phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện; không giải quyết cho ra biển khi không đảm bảo an toàn. Quá trình hoạt động trên biển, các đơn vị duy trì nghiêm hệ thống thông tin liên lạc với ngư dân, đặc biệt qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, để kiểm soát được vị trí của từng tàu cá trên biển. Qua đó, khi ngư dân gặp sự cố rủi ro trên biển báo về thì công tác hỗ trợ của BĐBP luôn kịp thời.

Điển hình, ngày 24-5 vừa qua, Đồn Biên phòng Sông Đốc nhận được thông tin, tàu đánh cá CM 99552 TS do anh Nguyễn Văn Lanh, 31 tuổi, trú tại khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời làm thuyền trưởng, tàu xuất bến qua cửa Sông Đốc từ ngày 22-3, ra biển hoạt động đến hơn 22 giờ, ngày 23-5 thì bị sóng đánh chìm trên vùng biển cách cửa Sông Đốc khoảng 3 hải lí, 9 người đi trên tàu gặp nguy hiểm vì trôi dạt trên biển, cần được cứu hộ, cứu nạn.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Sông Đốc trưng dụng 2 tàu đánh cá của ngư dân địa phương, cử 5 cán bộ, chiến sĩ do Đại úy Lê Thành Út, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ chỉ huy ra biển tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đến khoảng 0 giờ, ngày 24-5, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tiếp cận được khu vực tàu chìm và tổ chức tìm kiếm, đến hơn 6 giờ sáng ngày 24-5 thì cứu vớt được cả 9 người gặp nạn, đưa vào bờ an toàn.

Gần đây, vào khoảng hơn 8 giờ sáng, ngày 3-9, sà lan số KG 57278 do ông Trần Quốc Ngọ, 55 tuổi, trú tại xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng, đi trên sà lan còn có bà Nguyễn Thị Thu Thủy (vợ ông Ngọ) và ông Mai Hữu Đạt, trú tại xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là thuyền viên, khi sà lan đang neo đậu trên khu vực vùng biển cách cửa Khánh Hội khoảng 5 hải lí về hướng Tây Nam thì bị sóng to, gió mạnh nhấn chìm.

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Khánh Hội cử 6 cán bộ, chiến sĩ, huy động tàu cá CM 95679 TS và 5 ngư dân địa phương ra biển tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Đến khoảng 11 giờ 40 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đã phát hiện, cứu vớt kịp thời cả 3 người đi trên sà lan, đưa vào bờ an toàn.

Cũng thông qua hệ thống giám sát hành trình, BĐBP còn kiểm tra, giám sát được lịch trình di chuyển của các tàu cá để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Điển hình, từ ngày 20 đến ngày 26-8 vừa qua, qua công tác kiểm tra, kiểm soát và công tác theo dõi, truy vết lịch trình hoạt động của các tàu đánh cá trên biển, các đơn vị BĐBP tỉnh đã phát hiện 15 tàu/123 thuyền viên ra vào các tỉnh lân cận thuộc vùng có dịch Covid-19 trong thời gian dưới 14 ngày. Trên cơ sở đó, đề nghị địa phương quyết định cách ly tại tàu 113 thuyền viên và đưa đi cách ly tập trung 10 thuyền viên theo quy định.

Theo báo cáo của BĐBP Cà Mau, từ đầu năm 2021 đến ngày 7-9, trên vùng biển Cà Mau xảy ra 13 vụ tai nạn, làm chết 13 người, mất tích 2 người, bị thương 1 người, chìm 5 tàu cá; thiệt hại trên 5 tỷ đồng. BĐBP tỉnh đã điều động gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ, huy động gần 20 tàu thuyền, cứu vớt hàng chục ngư dân gặp nạn trên biển, đưa vào bờ an toàn và tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sạt lở đất.

Đại tá Phạm Anh Chương cho biết: “Ngoài các tàu tuần tra của BĐBP đủ điều kiện tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, tùy vào cấp độ thời tiết, đến nay, các đồn Biên phòng trong tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 21 Tổ tàu thuyền an toàn với 748 thành viên, trên tàu có gắn bảng “Tàu an toàn”, có đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện, các tàu đều có công suất từ 250CV và trọng tải từ 50 tấn trở lên. Các đội tàu thuyền an toàn đã tham gia tích cực cùng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển, đảo của tỉnh, tạo niềm tin cho bà con ngư dân an tâm bám biển. Nhất là trong thời gian này, tất cả các đơn vị đang tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ chủ quyền vùng biển, phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép”.

Đại tá Phạm Anh Chương thông tin thêm: “Mùa mưa bão năm 2021 được cảnh báo sẽ có nhiều diễn biến bất thường. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có kế hoạch triển khai cụ thể đến từng đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu, thuyền trên địa bàn ra vào hoạt động trên biển; phối hợp với các lực lượng của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trước khi ra biển. Ngoài ra, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ luyện tập các phương án, xử lý các tình huống xảy ra trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ. Thường xuyên tổ chức tập luyện kỹ thuật bơi, phương pháp tiếp cận người gặp nạn trên biển và lai kéo tàu bị tai nạn đảm bảo an toàn. Cùng với đó, khi có giông lốc, bão xảy ra, các đơn vị tổ chức lực lượng xuống địa bàn, phối hợp với địa phương vận động nhân dân di dời vào nơi an toàn và chằng néo nhà cửa, bảo vệ tài sản của nhân dân”.

Lê Khoa

Bình luận

ZALO