Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 11:29 GMT+7

Đánh giá việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Ngày 10-5, tại Đắk Nông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

vna-potal-dak-nong-giao-duc-la-nen-tang-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-112721948-stand-1
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN

Các đồng chí: Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Điểu K’Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì hội thảo.

Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông và trên 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu, các tỉnh, thành trong cả nước đã tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, hiến kế, kiến nghị các giải pháp nâng cao thực hiện các chính sách giáo dục đào tạo đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc ban hành các chính sách phải gắn liền với thực tế. Đại biểu tỉnh Bình Phước đề nghị, nên duy trì chế độ đào tạo cử tuyển nhưng cần điều chỉnh đối tượng học; sau khi học xong cử tuyển không nhất thiết bắt buộc các địa phương phải bố trí việc làm, nếu Nhà nước bố trí được công việc càng tốt, nếu không cũng là điều kiện cho học sinh được tiếp cận bậc học cao hơn.

Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ từ bậc mầm non; cần duy trì phụ cấp cho giáo viên đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn để thu hút phục vụ; đào tạo bổ sung thêm lượng giáo viên tại chỗ hiện còn thiếu bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Đại biểu tỉnh Đắk Nông cho rằng, hiện học sinh dân tộc thiểu số lớp 12 được hưởng chính sách hỗ trợ đối với các tháng trong năm học chính khóa. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ thêm trong tháng 6, tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện tốt hơn chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.

Các đại biểu cũng tập trung ý kiến, kiến nghị những vấn đề như thực hiện chương trình phổ thông mới; duy trì hay không mô hình các trường dân tộc nội trú; đối tượng tuyển sinh vào các trường dân tộc nội trú...

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu về việc thực hiện các chính sách thời gian qua cũng như những điểm cần thay đổi trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các chính sách không cần quá nhiều nhưng phải bảo đảm rõ ràng và thiết thực.

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị, trong thời gian tới, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế cuộc sống. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất cần tập trung là các chính sách chung đối với giáo dục, đào tạo dân tộc và miền núi, nhất là cần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông kết hợp với chương trình đặc thù.

Nhóm giải pháp thứ hai là duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình giáo dục trường bán trú và nội trú, trong đó chú trọng củng cố điều kiện tốt hơn về sinh hoạt, chế độ và phương thức giáo dục. Nhóm giải pháp thứ ba cần quan tâm là duy trì chế độ cử tuyển nhưng phải trên cơ sở điều chỉnh lại tiêu chí tuyển chọn, phương thức đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo.

Văn Hoàn

Bình luận

ZALO