Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:37 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024):

Đất lửa anh hùng - cột mốc kiên trung

Biên phòng - Nhắc đến Quảng Trị, là nhắc đến vùng đất lửa, nơi trận tiền hứng chịu biết bao gươm đao, máu lửa và bom đạn qua các thời kỳ. Cảo thơm lần dở, ngược về quá khứ, để thấy những gian lao mà nhân dân Quảng Trị qua bao thế hệ đã phải trải qua, khi quê hương của họ từ thời đại Hùng Vương cho tới đến năm 1972 đều được coi là “trọng trấn”, là “cửa ngõ” phía Nam của Tổ quốc. “Quảng Trị anh hùng - Quảng Trị kiên trung - Quảng Trị thành đồng ...”, có biết bao lời tôn vinh và tri ân những hi sinh không gì đong đếm được của vùng đất, con người nơi ấy.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng, BĐBP Quảng Trị tổ chức "Tiết học biên giới" cho học sinh trên địa bàn tại cột mốc 597. Ảnh: Nguyễn Văn Bằng

Ngàn năm trước, vùng đất này thuộc sự quản chế của Nhà nước Văn Lang, nằm trong bộ Việt Thường. Đến thời Bắc thuộc, bộ Việt Thường được phân tách theo quận Nhật Nam. Khi chính quyền Bắc thuộc suy yếu, vương quốc Chăm Pa trở nên hùng mạnh, đã đem quân đánh chiếm vùng đất Việt Thường và đặt chính quyền cai trị, vùng đất Quảng Trị ngày nay trở thành biên địa phía Bắc, có tên gọi là châu Ô. Năm 1306, vua Chế Mân dâng chiếu cầu hôn công chúa Huyền Trân, cống nạp châu Ô và châu Rí làm sính lễ. Vua Trần Anh Tông đã cho đổi tên hai châu thành Thuận Châu và Hóa Châu.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Quảng Trị chính là miền đất “ra ngõ gặp anh hùng, vào nhà gặp dũng sĩ”, là trọng điểm ác liệt của các trận giao tranh chống kẻ thù xâm lược. Đặc biệt, năm 1954, Quảng Trị lại trải qua nỗi đau chia cắt khi Hiệp định Gieneve về Đông Dương tháng 7/1954 đã xác định chọn vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời. Phía Nam sông Bến Hải đặt dưới sự kiểm soát gắt gao của địch. Nhân dân miền Bắc xót thương cho phần máu thịt nơi chiến tuyến bị chia cắt, đã không sáp nhập Vĩnh Linh vào tỉnh Quảng Bình mà giữ nguyên thành một đơn vị hành chính hết sức đặc biệt và đặt tên là “Đặc khu Vĩnh Linh”. Để thực thi nhiệm vụ trên giới tuyến, 100 cán bộ, chiến sĩ được chọn lựa từ Đại đội 354, 340, 348 thuộc 3 huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh đã chuyển quân ra bờ Bắc để thành lập “Đại đội công an giới tuyến” trực thuộc phái đoàn QĐND Việt Nam trong Tiểu ban liên hợp chiến trường Bình Trị Thiên.

Cho tới năm 1959, chấp hành Nghị quyết 58/CT-TƯ của Bộ Chính trị, Bộ Công an ra nghị định thành lập Khu Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh. Tiểu đoàn 41 được bổ sung và phát triển thành Trung đoàn 41 với 1.050 cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị đồn trạm từ Cửa Tùng đến Cù Bai triển khai thành 10 đồn và 1 trạm biên phòng giới tuyến. Trong kháng chiến chống Mỹ, những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Quảng Trị nói chung và An ninh vũ trang Bình Trị Thiên nói riêng đã chiến đấu vô cùng quả cảm. Trên giới tuyến quân sự tạm thời, Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã bắt được 22 tên gián điệp, trong đó có nhiều tên thuộc cơ quan tình báo chiến lược. Trên biên giới miền Tây, những nhóm gián điệp phản động Lào do các tên Lương Thông Xây, Lầu Bá Chay, Uông Băng, Vàng Ga Giê... lần lượt bị sa lưới trước tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân và trình độ nghiệp vụ sắc bén, tinh nhuệ của những chiến sĩ quân hàm xanh.

Năm 2008, dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào tại Quảng Trị được tiến hành. Hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet vinh dự được lựa chọn là hai địa phương đầu tiên khởi đầu công tác này trên toàn tuyến, đánh dấu bằng lễ khởi công xây dựng công trình mốc đôi 605 đầu tiên tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn. Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, theo thỏa thuận của Ủy ban liên hợp, trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị sẽ cắm 62 mốc, từ mốc 577 đến mốc 638, đoạn tiếp giáp với tỉnh Savannakhet cắm 31 mốc, đoạn tiếp giáp với tỉnh Salavan cắm 31 mốc. Sau hơn 3 năm quyết liệt triển khai, ngày 31/8/2012, cột mốc 638 - cột mốc cuối cùng trên thực địa được khánh thành, hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan.

Trên hành trình đến với những cột mốc biên cương, chúng tôi không quên đến dâng hương tại Bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh khi tham gia phân giới cắm mốc năm 1978 theo Hiệp định hoạch định biên giới hai nước Việt, Lào năm 1977. Tham gia phân giới cắm mốc trong điều kiện chiến tranh mới đi qua, bom mìn hậu chiến ngổn ngang, địa hình hiểm trở, thú dữ đe dọa..., lực lượng phải huy động quân số triển khai các đồn, trạm trên vùng mới giải phóng, không bao lâu sau phải trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, song Công an nhân dân vũ trang đã xác định, công tác hoạch định biên giới phải gắn liền với việc xây dựng biên giơi hòa bình, hữu nghị và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên phòng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đã có biết bao công sức, mồ hôi và cả máu của những người lính Biên phòng và đồng bào hai bên biên giới.

Ngày 1/8/1978, đội khảo sát gồm 5 đồng chí đã hi sinh trên đường đi khảo sát thực địa. Là một nhân chứng, Đại tá Nguyễn Văn Lưu, nguyên Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: "Ngày 11/8/1978, Đồn Biên phòng Sen Bụt (nay là Đồn Biên phòng Hướng Phùng) nhận được lệnh đưa đoàn khảo sát song phương của hai Chính phủ Việt Nam và Lào đi thực địa khảo sát tình hình. 6 đoàn viên ưu tú của đồn được lựa chọn lên đường làm nhiệm vụ. Trên đường về thì trời đã tối, cả đội ngủ lại giữa rừng. Nửa đêm mưa to, xảy ra sạt lở, nước bất ngờ đổ xuống cuốn trôi cả lán. Sau nhiều ngày đơn vị và nhân dân tích cực tìm kiếm, chỉ có Thượng sĩ Hồ Văn Trường, Thượng sĩ Châu Văn Dung và kỹ sư Lê Doãn Tường (Cục Đo đạc bản đồ nhà nước) được tìm thấy thi hài, còn Đại úy Nguyễn Văn Tăng và Đại úy Võ Cán có lẽ đã nằm sâu trong đất biên cương”.

Vùng đất các liệt sĩ hi sinh, nay đã có một hệ thống mốc giới bằng đá hoa cương uy nghi, thể hiện vị thế và sự uy nghiêm của quốc gia trên biên giới, cửa khẩu. Hàng quý, Đồn Biên phòng Hướng Phùng đều đặn tổ chức chương trình ngoại khóa “Tiết học biên giới” ngay tại cột mốc 597 cho các em học sinh trên địa bàn thị trấn Khe Sanh. Mốc 597 là mốc đơn, cỡ trung, làm bằng đá hoa cương, cắm trên đoạn biên giới kẻ thẳng thuộc địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tại điểm có độ cao 528,33m và tọa độ là 16.717597, 106.551888. Tại đây, những chủ nhân tương lai của vùng biên giới này sẽ được chào cờ, chào cột mốc, nghe giới thiệu về cột mốc biên giới quốc gia và tìm hiểu về một số quy định ở khu vực biên giới và Luật Biên phòng Việt Nam. Đồng thời, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc năm 1978.

Một mốc quốc giới khác cũng vô cùng ấn tượng với chúng tôi là mốc đơn, cỡ tiểu mang số 637, cắm trên đỉnh núi thuộc địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông tại điểm có độ cao 963,22m và tọa độ là 16.307621, 106.995321. Để tìm hiểu về công tác vận chuyển cột mốc lên hiểm địa này, tôi được Đại tá Nguyễn Nam Trung giới thiệu gặp ông Trần Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hương Linh - đơn vị trực tiếp thi công mốc. Ông Quỳnh cho biết, cung đường vận chuyển cột mốc rất vất vả, các công nhân đảm nhận nhiệm vụ này phải dùng xe đẩy, đòn khiêng, qua suối thì kết bè vượt lên con nước, dốc cao thì phải dùng tời, xích, dây cáp chịu lực để đưa mốc tới vị trí vẹn toàn. Thậm chí, tại nhiểu điểm, đơn vị cùng các đồn Biên phòng phải phối hợp dùng một chiếc thuyền sắt được gắn máy nổ và hàn các chốt sắt để móc cáp vào các cây cổ thụ hoặc các cột gỗ được chôn trên đường di chuyển. Cột mốc được đặt bọc cẩn thận, đặt cố định chắc chắn trong lòng thuyền, máy nổ tạo động lực và trục tời kéo cáp “đưa thuyền vượt núi”, chinh phục những đỉnh cao chon von, khúc khuỷu nhất.

Bảo vệ cột mốc giữa đỉnh trời này, không chỉ có những người lính Biên phòng hai nước Việt Nam - Lào, mà còn có người dân hai bản La Lay A Sói (Lào) và bản La Lay (Việt Nam). Đây là hai bản đối diện, có đoạn biên giới dài hơn 8km với địa hình rừng núi dốc đứng phía Việt Nam và thoải dần về phía bản Lào, gồm có 4 cột mốc là 634, 635, 636 và 637. Trong kháng chiến, đồng bào Pa Kô nơi đây nhường cơm sẻ áo, cùng bộ đội Trường Sơn chiến đấu giải phóng quê hương. Cũng trong giai đoạn này, 5 phân đội trinh sát vũ trang Vĩnh Linh đã tổ chức rất thành công việc phát triển cơ sở bí mật ở bờ Nam sông Bến Hải và đảm nhiệm công tác liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc. Khi thuận lợi, các anh chia phân đội nhỏ để phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương tập kích vào nhiều khu căn cứ quân sự của địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn. Khi khó khăn, các phân đội lại rút lên rừng, qua địa bàn A Ngo để rút sang đất Lào củng cố lực lượng.

Ân tình trong những năm lửa đạn vẫn nồng ấm và bền chặt cho tới hôm nay. Năm 2007, với sáng kiến của những người lính Biên phòng Quảng Trị, cặp bản La Lay A Sói và La Lay đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên tiến hành kết nghĩa bản - bản trên biên giới Việt Nam - Lào, góp phần cụ thể hóa chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO