Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 04:24 GMT+7

Đất Quảng anh hùng, miền trầm tỏa hương

Biên phòng - "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu", câu nói cách đây gần 100 năm của nhà Tây Nguyên học Jacques Dournes khiến tôi quyết tâm đến với Quảng Nam, miền đất đã đi qua chặng đường hơn 500 năm lịch sử. Tương truyền, tên gọi Quảng Nam mang hàm ý là vùng đất rộng lớn về phương Nam được hình thành từ khá sớm, nổi danh là “đất văn hóa”, “đất khoa bảng” và “miền địa linh nhân kiệt”. Giữa miền Trung nắng gió, phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Tây giáp nước Lào, phía Nam giáp Quảng Ngãi, phía Đông giáp biển Đông, ngoài khơi có đảo Cù Lao Chàm với ngư trường rộng lớn; Quảng Nam cũng là nơi lưu giữ những công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại.

Đội cắm mốc tỉnh Quảng Nam tiến hành xây chân mốc đặt cột mốc. Ảnh: Tuệ Lâm

Viết về lịch sử địa chí Quảng Nam, trang Bách khoa toàn thư mở có viết: “Trải qua suốt quãng thời gian bao thăng trầm cùng dân tộc Việt Nam, danh xưng Quảng Nam đã nhiều lần thay đổi tên gọi: Từ Đạo Thừa tuyên Quảng Nam đến xứ Quảng Nam, trấn Quảng Nam, dinh Quảng Nam thời xa xưa, rồi Đặc khu Quảng Đà trong thời chiến tranh chống Mỹ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tỉnh Quảng Đà) sau ngày thống nhất đất nước và trở lại danh xưng cũ là tỉnh Quảng Nam khi tỉnh được tái lập năm 1997 trên cơ sở chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (hay còn được gọi là tỉnh Quảng Đà) thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Năm 1471, với sự kiện vua Lê Thánh Tông thành lập Thừa tuyên Quảng Nam, Vua Lê Thánh Tông đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Đại Việt đối với vùng đất này”.

Với đặc thù đó, tuyến biên giới đất liền Quảng Nam tiếp giáp với tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào dài 157km, đi qua 14 xã và 82 thôn của 2 huyện Tây Giang và Nam Giang. Đây cũng là nơi khởi đầu dãy Trường Sơn Nam, gồm một hệ thống dãy núi và khối núi, gờ núi cao bao bọc phía Đông của Tây Nguyên, chạy dài từ khối núi Ngọc Linh đến mũi Dinh, là địa bàn còn bảo tồn được một quần thể rừng pơ mu ngàn năm tuổi, được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Khu vực biên giới rộng lớn này cũng là nơi lưu giữ văn hóa của cộng đồng các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cor... với sự tiềm ẩn trong đó biết bao triết lí nhân sinh quan của con người đã quen sống khoáng đạt giữa núi rừng. Ngoài các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, mừng nhà mới hay cưới hỏi, ngày hội dân ca dân vũ tâng tung da dá... Các nhạc cụ như đàn abel, khèn, cùng bộ cồng chiêng 7 chiếc, kèn kơmbuat, đàn ống tre kơrla, trống sơgơr... cũng là nét đẹp văn hóa riêng có của đồng bào nơi đây.

Những năm kháng chiến chống Pháp, biên giới nơi đây luôn sáng đẹp ân tình của cách mạng và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Trong đó, tiêu biểu là câu chuyện về những cán bộ của Khu ủy Khu V chọn cử sang hoạt động giúp bạn xây dựng lực lượng và cơ sở cách mạng tại các tỉnh Nam Lào. Lúc sinh thời, ông Lê Viết Muồng, tên Lào là Buôn Nhơn, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào kể rằng, mình đã cùng với 8 đồng chí khác vừa chiến đấu, vừa công tác giữa bối cảnh cách mạng hai nước đều còn non trẻ, trải qua rất nhiều cam go, thử thách.

Rừng dày sương lạnh luôn rình rập quật ngã con người, lương thực, thực phẩm lúc nào cũng thiếu, còn lòng người biên giới hoang mang, lo sợ và chưa tin tưởng vào cách mạng, vào bộ đội Việt Nam. Hòa mình cùng cuộc sống với dân làng, ông cùng cán bộ trong đội công tác đã tự nguyện “cà răng, căng tai”, đóng khố như đồng bào. Những căn cứ cách mạng vững chắc của hai Đảng, hai đất nước cứ ngày một nhiều hơn trên khu vực biên giới các tỉnh Hạ Lào. Năm 2014, hơn 400 người của các bản Tăng Ta Lăng, Tăng Noong, Chi Tơ... thuộc 2 huyện Kà Lừm và Đăk Chưng của tỉnh Sê Kông đã được nhận khen thưởng và kinh phí hỗ trợ của Tỉnh ủy Quảng Nam vì đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Họ cũng chính là những người đồng chí, đồng đội của Buôn Nhơn những năm tháng gian khó “đóng khố, ăn măng le” đi đánh giặc.

Câu chuyện về những cột mốc trên biên cương Quảng Nam cũng đầy thú vị. Là người con của quê hương Quảng Nam, lại có hơn 20 năm gắn bó với vùng biên giới này, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, nguyên Chính ủy BĐBP Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2017 cho biết: Ngày 28/5/2015, công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào trên thực địa, đoạn biên giới Quảng Nam-Sê Kông đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao. “Hoàn thành công tác này, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Một đồng chí trợ lý biên giới Phòng Tham mưu được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, 2 đồng chí trong Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh được nước bạn Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị. Nhiều cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam được UBND tỉnh tặng Bằng khen...” - Thiếu tướng Văn Ngọc Quế tự hào nói.

Theo lời giới thiệu của Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, tôi đã gặp Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2018. Ông cho biết, trên cơ sở 17 cột mốc chính (từ T1-T17) được cắm từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trải qua gần 6 năm thực hiện kế hoạch tăng dày, tôn tạo, đến nay đoạn biên giới Việt-Lào qua địa phận tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông có 60 cột mốc, trong đó có một cột mốc đại 717 cắm tại cửa khẩu Đăk Tô, huyện Nam Giang, 17 cột mốc trung, 42 cột mốc tiểu và 7 cột dấu đi qua 14 xã vùng biên của 2 huyện Tây Giang và Nam Giang, 6 khu của 2 huyện Kà Lùm, Đăk Chưng của tỉnh Sê Kông.

Đứng bên cổng trời Azứt, hay còn được gọi là cổng trời Đông Giang cao trên 1.300m, nơi ảo huyền những hang động kì bí, Trung tá Nguyễn Minh Dương, nguyên cán bộ Đội cắm mốc của tỉnh Quảng Nam chia sẻ một "bí quyết" khi đi rừng là cần phải biết chống cái lạnh khi ngủ giữa rừng, nhất là ở những điểm cao trên 1.200m so với mực nước biển. Anh em phải chọn nơi có khe nước, có cây to để mắc võng, che lều bạt hoặc dựng lán trại để tránh sương, tránh mưa. Đêm xuống, mỗi người phải mặc 2-3 lớp áo quần, mặt dưới võng bọc lớp ni lông và phải đi ngủ sớm trước khi nhiệt độ hạ xuống đến thấu xương. Có nhiều đồng chí bị ruồi vàng đốt sưng tấy, nhưng cứ nghĩ chuyện bình thường nên vẫn hăng hái tham gia công tác. Mãi đến khi thấy sức khỏe có biểu hiện khác lạ, anh em về xuôi kiểm tra thì mới phát hiện bị nhiễm trùng máu.

Cột mốc cao nhất trên tuyến biên giới này là mốc quốc giới số 735, là mốc đơn, cỡ tiểu, làm bằng đá hoa cương, cắm trên đỉnh núi thuộc địa bàn xã Đăk Pre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tại điểm có độ cao 1.382,77m và tọa độ là 15.421368,107.603352. Đại úy Dương Văn Chiến, cán bộ đội cắm mốc nhắc đến cơn mưa rừng trên hành trình nghiệm thu cột mốc năm ấy. E ngại nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên cả đoàn quyết định làm hai: một đội thì về thôn Pêtapoóc (xã Đăk Pring) để dựng lán, nấu ăn; đội còn lại sẽ tiếp tục đi nghiệm thu mốc còn lại. Khi về đến điểm tập kết, tất cả lạnh run, vắt bu bám đầy người.

"Suốt 6 năm làm nhiệm vụ, khi trở về đơn vị, tôi không thể quên có những lúc cả đoàn 16 con người chỉ còn lại hai bánh lương khô, phải san sẻ ăn dưới cơn mưa mà thương. Những lúc dừng chân bên bờ suối, mệt quá, chỉ ước có được ly nước mía uống thì sướng nhất trên đời. Vất vả, khổ cực muôn phần, nhưng đối với người chiến sĩ Biên phòng chúng tôi, thì không có gì vinh dự, tự hào hơn khi được giao nhiệm vụ đi cắm mốc trên đỉnh Trường Sơn" - anh Chiến chia sẻ.

Còn y sĩ Phạm Tường Vân, cán bộ của Đội cắm mốc lại kể cho tôi nghe câu chuyện mà anh là “nhân vật chính”. Đó là vào năm 2013, khi các anh tham gia cắm mốc quốc giới số 717 tại cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc thuộc địa bàn xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tại điểm có độ cao 1174,43m và tọa độ là 15.541551, 107.369729. Trong một lần dừng chân ngủ nhờ tại nhà dân ở bản Tăng Nông, huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông, anh phát hiện cháu bé 10 tuổi bị bỏng nước sôi đã 10 ngày có dấu hiệu nhiễm trùng. Lập tức, anh đã sát trùng, tiêm và đắp thuốc cho cháu bé.

Và suốt gần hai tuần liền, vừa thực hiện nhiệm vụ cùng đội, anh lại tranh thủ đến chăm sóc, chữa trị vết thương cho cháu. Khi nhiệm vụ hoàn thành, cũng là lúc vết thương do bỏng của cháu bé được chữa lành hoàn toàn. Tiếp lời y sĩ Vân, Trung tá Nguyễn Minh Dương khẳng định, chúng tôi không những gắn bó với Đội cắm mốc tỉnh bạn như anh em, mà đối với nhân dân biên giới 2 huyện Đăk Chưng, Kà Lùm của bạn cũng hết sức ân tình.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP Quảng Nam cho biết, sau khi tôn tạo, tăng dày cột mốc, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” tại Quảng Nam đã có sức lan tỏa mạnh. BĐBP tỉnh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã thành lập được 37 Tổ tự quản đường biên, mốc giới với 733 thành viên; 171 Tổ tự quản an ninh trật tự với 1.718 thành viên. Điều đáng mừng là hầu hết các xã biên giới nơi đây đều đã đạt căn bản tiêu chí nông thôn mới, tạo nên những bản làng đẹp bồng bềnh trong biển mây bềnh bồng và lồng lộng gió biên thùy đưa hương đượm ngát, thơm như hương quế, ngát như vị trầm ẩn sâu giữa trập trùng biên giới cao xanh.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO