Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 11:00 GMT+7

Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám 1945

Biên phòng - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một trong những cuộc cách mạng điển hình nhất của thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Tám đã đưa 20 triệu đồng bào thoát khỏi thân phận, cuộc đời nô lệ. Cùng từ đây, cả dân tộc bước vào thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn về vai trò, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự kiện mang tầm vóc vĩ đại của dân tộc và nhân loại. Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Hoàng Chí Bảo về vấn đề này.

- Thưa GS.TS Hoàng Chí Bảo, ngay từ năm 1940, khi mà vẫn còn hoạt động ở nước ngoài thì Bác Hồ đã có những tính toán để chuẩn bị cho một cuộc cách mạng trong toàn quốc. GS.TS có thể cho biết, tinh thần chuẩn bị cho cách mạng đã được Người thực hiện như thế nào?

GS.TS Hoàng Chí Bảo. Ảnh: Diệp Chi

- Một câu nói nổi tiếng của Người lúc đó là, chậm trễ lúc này là có tội với lịch sử và Người chủ trương một cách rất sáng suốt, những việc rất cụ thể, hoãn việc đi học chính trị dài hạn của Cao Hồng Lãnh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và yêu cầu chuẩn bị về nước ngay để lập căn cứ cách mạng. Năm 1940, khi mà Người chủ trương chuẩn bị về nước đón lấy thời cơ thì nhiều đồng chí đặt ra một câu hỏi với Người là: Giành chính quyền thì phải có súng, không có vũ khí làm sao giành được chính quyền. Người đã trả lời: Cách mạng tất nhiên cần đến vũ khí, nhưng ngay bây giờ nếu có vũ khí cũng không có ai mang vác cả, hãy về nước trước, dựa vào dân sẽ có tất cả. Tầm nhìn chiến lược Chủ tịch Hồ Chí Minh là như vậy.

- Nhận thấy tình hình trong nước và quốc tế có sự chuyển biến mau lẹ, ngay sau khi về nước, Bác Hồ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8. Theo ông, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình của Cách mạng Tháng Tám?

- Người về nước và trực tiếp chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 của Đảng ta chuyển hướng chiến lược, theo chúng tôi là cực kỳ quan trọng và đây là một bước ngoặt, ở chỗ đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Lúc này, quyền lợi của bộ phận giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của dân tộc. Cho nên, lời kêu gọi mà chính Người viết sau đó có thể nói là đem lại một sự khích lệ rất lớn cho cả dân tộc, cho toàn dân, toàn quân ta đứng dậy khởi nghĩa sau này. Đấy chính là tầm nhìn, tư tưởng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Tầm nhìn chiến lược và dự báo thiên tài của Bác đã được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm "Lịch sử nước ta" đúng không, thưa GS.TS?

- Đúng thế, năm 1942, Người viết tác phẩm "Lịch sử nước ta", Người đưa ra một dự báo, năm 1945, Việt Nam sẽ độc lập, Người ký tên là Hồ Chí Minh. Đây có thể nói là một dự báo thiên tài. Năm 1942, Người viết "Lịch sử nước ta" để năm 1945, Việt Nam độc lập và thực tiễn đã xác tín hoàn toàn dự báo thiên tài đến kỳ diệu này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Cùng một bối cảnh quốc tế như nhau và nhiều nước còn có điều kiện thuận lợi hơn chúng ta, nhưng chỉ có Việt Nam mới giành được thắng lợi vào thời điểm năm 1945. GS.TS có thể lý giải điều này?

- Tại sao nhiều nước, nhiều Đảng cũng có hoàn cảnh như Việt Nam mà không bao giờ thành công, không bao giờ thắng lợi và phải trả giá đau đớn bởi thất bại. Trường hợp Đảng Cộng sản Indonesia đã có những lần bị mất thời cơ, đã bị tổn thất lớn và cuối cùng thì cách mạng không bao giờ giành được thành công. Mà Việt Nam giành được thành công như vậy, chính là kết hợp, sự tận dụng thời cơ, vượt qua các thách thức, nguy cơ. Trong tất cả những sự kiện đó thì phải nói đến một điều là tính toán, cân nhắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở chỗ Việt Nam phải độc lập, phải giành được độc lập, có chủ quyền và phải làm được tất cả những việc đó trước khi quân đồng minh kéo vào Việt Nam, để chúng ta ở thế chủ động, chủ động buộc họ phải làm việc với chúng ta. Đó chính là tính toán cả chiến lược, sách lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình ảnh tác phẩm "Lịch sử nước ta" của Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản và của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Ảnh: Hương Sen

- Nói đến vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong Cách mạng Tháng Tám, không thể không nhắc đến việc tái thiết đất nước sau khi Cách mạng thành công. Ông có thể cho biết về những đối sách của Bác Hồ để có thể bảo vệ được chính quyền non trẻ?

- Sau ngày lập nước, chúng ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Hơn 95% nhân dân mù chữ. Vậy mà trong khó khăn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã khẩn trương soạn thảo Hiến pháp, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định tính chính danh, chính thức hóa sự lãnh đạo của Đảng với đất nước. Việc tổ chức thành công Quốc hội khóa đầu tiên cũng đã đưa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lâm thời thành Chính phủ chính thức. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nguyên thủ quốc gia.

Đặc biệt hơn nữa là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi một nước cờ táo bạo, đó là tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, chuyển vào hoạt động bí mật. Không có đảng nào trên thế giới mới chỉ cầm quyền chưa đầy 2 tháng mà đã đi một nước cờ chính trị táo bạo như vậy. Tháng 11/1945, Đảng rút vào bí mật để bảo toàn lực lượng. Đảng tuyên bố tự giải tán, nhưng vẫn cầm quyền và lãnh đạo đất nước thông qua Mặt trận Việt Minh. Đây là về mặt sách lược táo bạo, để bảo toàn lực lượng. Tất cả những điều ấy càng cho thấy thêm tầm nhìn chiến lược và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta trong việc lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám, cũng như trong suốt sự nghiệp cách mạng sau này.

- Những đối sách của Bác Hồ đã giúp chúng ta biến nguy nan thành thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành điều kiện thuận lợi để đưa con thuyền cách mạng đến thành công. Đây có phải là bài học rất quan trọng để chúng ta vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thưa ông?

- Hoàn toàn đúng như vậy. Tư tưởng, tổ chức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta nhận thức rõ về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa giành chính quyền và giữ chính quyền, cho chúng ta suy nghĩ đến một luận đề là, chân lý là cụ thể nên cách mạng phải sáng tạo và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta trong Cách mạng Tháng Tám là một đóng góp mẫu mực vào kho tàng lý luận, thực tiễn của cách mạng thế giới và cũng là niềm tự hào chính đáng của Đảng, của dân tộc chúng ta.

- Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Hoàng Chí Bảo!

Lực Nguyễn (thực hiện)

Bình luận

ZALO