Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 12:14 GMT+7

Dấu ấn của người anh hùng với cuộc vận động thắm tình đồng đội, nghĩa biên cương

Biên phòng - Để nói về Thượng tướng Võ Trọng Việt, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh BĐBP, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn nhớ về ông với hai điểm nổi bật. Thứ nhất, ông là vị Tư lệnh đầu tiên của lực lượng BĐBP được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa XI và XII; đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, XIV. Thứ hai, tài đức và sự sáng tạo của ông trong cuộc đời binh nghiệp gắn với hàng loạt các cuộc vận động, mô hình, chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Thiếu tướng Vũ Đông Lập, Cục trưởng Cục Quản lý Biên phòng Trung Quốc tiếp đón đoàn BĐBP Việt Nam do Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh BĐBP Việt Nam dẫn đầu tham gia hội đàm nhằm đánh giá kết quả thực hiện Biên bản ghi nhớ về việc thiết lập cơ chế hợp tác Biên phòng 3 cấp giữa Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng Việt Nam ngày 19/5/2014, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Trần Hoàng Anh

Câu thơ “đất nghèo nuôi những anh hùng” một lần nữa lại ứng với cuộc đời của vị tướng sinh ra nơi ngã ba sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố dồn nước xuôi về sông La xanh thẳm. Thượng tướng Võ Trọng Việt sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở ngôi làng nhỏ xã Đức Khoa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chàng thanh niên Võ Trọng Việt xung phong đi bộ đội vào Tiểu đoàn 22 của Khu IV, nhanh chóng vào guồng huấn luyện để theo đoàn quân vào giải phóng miền Nam. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học trinh sát và trở về Đồn Biên phòng 94, Diễn Châu, Nghệ Tĩnh, nơi có nhiều đồng bào theo đạo Thiên chúa.

Năm 1980, ông được biệt phái nghiên cứu chống FULRO ở các tỉnh Tây Nguyên giữa lúc bọn chúng thường xuyên ức hiếp dân lành, ám sát cán bộ rồi lẩn trốn vào rừng sâu. Khi trở lại quê hương công tác, bản lĩnh của người trinh sát viên này đã góp phần đấu tranh thành công chuyên án lớn có bí số Q.890, lột mặt một số kẻ xấu lợi dụng cơ chế bao cấp và nhân dân khó khăn để tổ chức làm các loại con dấu giả, bằng giả, giấy tờ giả, giả danh cán bộ, viên chức, bộ đội, thương binh tiến hành các hành động trục lợi trắng trợn, công khai, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Những năm đầu thế kỉ 21, trên cương vị Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh, ông đã cùng đồng đội cứu giúp tộc người Mã Liềng, dân tộc Chứt ở Hương Liên, Hà Tĩnh thoát khỏi nguy cơ suy thoái hóa giống nòi vì nghèo đói, lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống và kiếp sống lang thang trong rừng sâu, hang đá. Để sau đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tiếp tục đồng hành bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số ít người như La Hủ, Đan Lai, Brâu... trên biên giới.

Là người trưởng thành từ thực tiễn cơ sở, từng trải qua chiến đấu và thực sự gần dân, sát dân, nên trong 10 năm đảm nhiệm cương vị Chính ủy BĐBP, rồi Tư lệnh BĐBP (2005 -2015), đồng chí Võ Trọng Việt đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ quan trọng, nhiều chương trình, việc làm ý nghĩa, thể hiện rõ nét tâm thế, bản lĩnh và tấm lòng của người lính nơi địa đầu.

Trong đó, đặc biệt phải kể đến các cuộc vận động do chính ông khởi xướng nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ với BĐBP” phát động năm 2009 và Cuộc vận động được cụ thể hóa bằng khẩu hiệu: “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”. Theo đó, đề ra những chủ trương, giải pháp toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm đưa các nội dung trên vào thực tiễn hoạt động của bộ đội, góp phần xây dựng tổ chức, con người vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng những năm sau này.

Đối với nội dung “phát huy truyền thống”, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về truyền thống của dân tộc, của Đảng, của Quân đội và lực lượng BĐBP, đồng chí Võ Trọng Việt đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo toàn lực lượng củng cố, sử dụng tốt các thiết chế văn hóa trong đơn vị, như: thư viện, nhà truyền thống, hệ thống truyền thanh, Phòng Hồ Chí Minh... đảm bảo tiêu chuẩn, quy định; hệ thống bảng biển, khẩu hiệu, pa nô thống nhất, chính quy; công tác biên soạn, bổ sung lịch sử, biên niên sử, sổ vàng truyền thống được các đơn vị quan tâm thường xuyên, đầy đủ. Trong thực hiện nội dung “giữ vững kỷ cương”, ông cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường giáo dục, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; duy trì nghiêm túc việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đơn vị, điều lệnh, các quy chế, quy định, nguyên tắc, chế độ công tác.

Một nội dung của cuộc vận động được đánh giá là “đòn bẩy” quan trọng cho hàng loạt hoạt động nặng tình đồng đội, nghĩa quân dân là nội dung “sống có tình thương”. Với yêu cầu này, dưới sự hướng dẫn của Cục Chính trị, toàn lực lượng đã cụ thể hóa các tiêu chí thực hiện quy chế ứng xử văn hóa trong cơ quan, đơn vị, quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh. Ngoài ra, các đơn vị đã tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Có thể kể đến các đợt vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” với gần 10.000 ngôi nhà và trên 300 công trình dân sinh trên khắp mọi miền biên cương, hải đảo của Tổ quốc; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao tặng 24.766 con bò với tổng trị giá trên 370 tỷ đồng cho đồng bào biên giới cả nước; Chương trình “Nâng bước em tới trường” đỡ đầu cho gần 3.000 học sinh khu vực biên giới, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thành lập Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, “Quỹ hiếm muộn” và triển khai hiệu quả các đề án: “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở Lai Châu, “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai” ở Nghệ An, “Bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt” tại Quảng Bình, Hà Tĩnh…

“Đề cao trách nhiệm” cũng là một nội dung được đồng chí Võ Trọng Việt chỉ đạo hết sức quyết liệt nhằm tăng cường xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng. Các biện pháp công tác biên phòng đều có bước đột phá như tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; chủ động nắm chắc tình hình, tích cực triển khai các đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu qua biên giới...

Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm” đến nay vẫn phát huy ý nghĩa, giá trị trong đời sống tinh thần của bộ đội với nhiều kết quả rất ấn tượng, thực sự là một dấu mốc quan trọng trong công tác Đảng, công tác chính trị của toàn lực lượng BĐBP. Và dấu ấn của người anh hùng Võ Trọng Việt sẽ luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nhắc nhớ, trân trọng.

Đặng Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO