Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 03:41 GMT+7

Dấu ấn đậm nét trên chặng đường đồng hành cùng người lính và đồng bào các dân tộc nơi biên giới

Biên phòng - Bước sang năm thứ 20 kể từ khi Báo Biên phòng phát hành Phụ trương An ninh Biên giới tới độc giả cả nước. Với việc không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, ấn phẩm An ninh biên giới (ANBG) đã tạo nên bản sắc riêng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam và trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị đón đọc Phụ trương ANBG. Ảnh: Trúc Hà

Khi Phụ trương ANBG được cấp phép xuất bản vào ngày 18/4/2005, Ủy ban Dân tộc đã bổ sung ngay ấn phẩm này vào danh sách các ấn phẩm báo chí thực hiện Đề án cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 1637/QĐ-TTg ngày 31/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ). Sự ra đời của Phụ trương ANBG là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Báo Biên phòng, khẳng định sự lớn mạnh của cơ quan báo chí thuộc BĐBP nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, tập hợp sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Kể từ số đầu tiên phát hành đến nay, Phụ trương ANBG đã xuất bản hàng vạn tác phẩm báo chí, phản ánh hiện thực sinh động cuộc sống lao động sản xuất và bảo vệ biên giới của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ trên biên giới, vùng biển, đảo. Các tác phẩm đăng trên Phụ trương ANBG có tác dụng cổ vũ, động viên ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo của quân và dân, qua đó làm nổi bật hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, khẳng định uy tín, vị trí, vai trò của BĐBP đối với nhiệm vụ hệ trọng của đất nước.

Từ khi tham gia Đề án cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, với nội dung phong phú, hấp dẫn, hình thức trình bày đẹp, bắt mắt, phù hợp với tâm lý, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, cán bộ địa phương và đồng bào các dân tộc, Phụ trương ANBG đã được định danh trong lòng bạn đọc, trở thành nguồn thông tin chính thống về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đây là tài liệu để nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân tìm đọc, nghiên cứu và trở thành phương tiện công tác tư tưởng của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chính trị các cấp. Phụ trương đã mở rộng phạm vi tuyên truyền của Báo Biên phòng lên một bước mới, góp phần quan trọng khắc phục những “khoảng trống” trên mặt trận tư tưởng văn hóa ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo của Tổ quốc, đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức chính trị, định hướng tư tưởng, văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP, cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, biển, đảo.

Những tác phẩm báo chí in trên Phụ trương ANBG đã kịp thời phản ánh hiện thực sinh động của cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu, công tác, học tập, sinh hoạt của cán bộ, nhân dân, chiến sĩ trên các tuyến biên giới, biển đảo, trong các lĩnh vực tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt, kinh nghiệm hay, cách làm giỏi trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh; xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ tài nguyên - môi trường, phòng, chống tội phạm, phòng chống thiên tai, quản lý, xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị...

Cùng với đó, trên Phụ trương ANBG cũng đã có nhiều bài viết tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chống lại các luận điệu sai trái, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, dân quyền để chống phá cách mạng nước ta. Thông qua các bài viết đã nêu rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với vùng sâu, vùng xa, bà con các dân tộc thiểu số nơi biên giới, vùng biển đảo, đặc biệt là đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể khẳng định, Phụ trương ANBG đã góp phần tạo nên “sắc diện” riêng của Báo Biên phòng, cho thấy hiệu quả của Báo Biên phòng nói riêng, BĐBP nói chung trong công tác tuyên truyền ở vùng biên giới, biển, đảo.

Ông Hồ Văn Tịu (đứng giữa) phấn khởi khi việc hiến đất của mình thông qua Phụ trương ANBG đã lan tỏa đến mọi người. Ảnh: Trúc Hà

Với những ý nghĩa ấy, khi Đề án cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn hết hiệu lực, Bộ Tư lệnh BĐBP đã cấp kinh phí để Báo Biên phòng tiếp tục xuất bản Phụ trương ANBG, tiếp tục đồng hành với cán bộ, chiến sĩ, cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Thực tế, ấn phẩm này được cấp ủy, chính quyền địa phương đón nhận, đánh giá rất cao. Theo Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Phụ trương ANBG là kênh thông tin quan trọng. Những thông tin trên ấn phẩm đã bám sát nhiệm vụ chính trị, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, định hướng nội dung tuyên truyền trên cơ sở tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ được giao, có nhiều chuyên trang, chuyên mục, nội dung rất thiết thực, như: Các mô hình kinh tế, các kinh nghiệm làm giàu, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; những kiến thức về bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc; phê phán những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội...

Bà Hồ Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: "Qua theo dõi, tôi thấy bên cạnh Báo Biên phòng, Phụ trương ANBG có nhiều bài viết với nội dung và hình thức đa dạng, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu, tạo được sự chú ý của người đọc là đồng bào các dân tộc. Năm 2023, Phụ trương ANBG đã có bài phản ánh về kết quả của xã Hướng Việt tuyên truyền phòng, chống tảo hôn. Bà con nhân dân phấn khởi khi thấy những nỗ lực của mình đã được ghi nhận. Đối với chính quyền địa phương, những bài báo về tuyên truyền phòng, chống nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống được đăng tải trên Báo Biên phòng, Phụ trương ANBG đã giúp bà con có cái nhìn xa hơn, vượt ra khỏi bản làng, nhận thức sâu sắc hơn với việc loại bỏ hủ tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, từ đó thấy rằng việc loại bỏ hủ tục tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là đúng đắn".

Những bài viết đúng đối tượng, đúng thời điểm khiến Phụ trương ANBG trở nên gần gũi, thân thuộc với nhân dân. Đối với ông Hồ Văn Tịu (thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) thì: “Tôi rất vinh dự khi được phóng viên Báo Biên phòng phỏng vấn, viết bài trên Phụ trương ANBG. Đối với tôi, việc hiến đất để chính quyền địa phương làm khu tái định cư, tổ chức giãn dân, đưa dân ra sát đường biên giới chính là trách nhiệm của một công dân biên giới, của một đảng viên lâu năm. Khi đọc bài viết về việc làm của mình, tôi hiểu rằng, việc làm này có sức lan tỏa, sẽ có nhiều người dân làm như mình. Tôi và gia đình cảm thấy hãnh diện vì điều đó”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO