Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 01:19 GMT+7

Dấu ấn những đội tuyên truyền lưu động trên khắp miền biên giới

Biên phòng - Những năm qua, dấu chân của những cán bộ tuyên truyền lưu động (TTLĐ) đã in dấu trên khắp mọi nẻo đường vùng sâu, vùng xa ở các bản làng biên giới. Thay vì diễn giải, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, nhân dân bằng những văn bản cứng khắc, khô khan, họ đã thổi một luồng văn hóa mới tới đời sống của đồng bào bằng những tiết mục ca, múa, nhạc, kịch sinh động, nhiều màu sắc và giàu tính biểu cảm. Họ chính là cầu nối quan trọng đưa văn hóa thông tin về cơ sở.

Hội thi TTLĐ toàn quốc với chủ đề "Đường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại" diễn ra tại tỉnh Quảng Bình, ngày 20/4/2024. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình (bên trái) tặng hoa cho các đơn vị tham gia hội thi. Ảnh: Thủy Lê

Thực hiện nhiệm vụ bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những vấn đề có tính thời sự, các đội TTLĐ trong cả nước đã xây dựng nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc, lồng ghép diễn kịch để tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, biển đảo, đem đến cho họ những thông tin bổ ích, lý thú. Với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động, công tác tuyên truyền, cổ động không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng đến mọi tầng lớp nhân dân, mà còn đưa văn hóa đến với đồng bào dân tộc, góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống.

Bằng sự kết hợp sinh động các tiết mục ca - múa - nhạc - kịch, các đội TTLĐ đã mang đến cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới nhiều thông tin bổ ích, thiết thực theo từng chủ đề khác nhau, như: Tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn chủ quyền biển đảo; phong trào xây dựng nông thôn mới; xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh; đảm bảo an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; ma túy học đường, tệ nạn xã hội...

Ngoài những chương trình đi lưu diễn phục vụ theo kế hoạch, các đội TTLĐ còn làm tốt việc biểu diễn phục vụ các hội nghị, lễ hội tại địa phương, đơn vị, tham gia các hội thi, liên hoan... Mỗi chương trình đều được dàn dựng công phu, đầu tư hoành tráng về hình thức và nội dung nên mang lại hiệu quả tuyên truyền rất cao.

Đội TTLĐ tỉnh Lạng Sơn là một trong những đội TTLĐ tiêu biểu, đạt nhiều thành tích cao khi tham gia các Hội thi TTLĐ toàn quốc. Bà Hoàng Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, dưới sự chỉ đạo và định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Đội TTLĐ chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền sát với thực tế của địa phương với những hình thức tuyên truyền sinh động, phong phú, nhằm truyền tải đầy đủ các chủ trương, chương trình, dự án đến với nhân dân một cách thuyết phục, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu.

Trung bình hằng năm, Đội TTLĐ tỉnh Lạng Sơn tổ chức được 100 buổi biểu diễn phục vụ cơ sở, tuyên truyền cho hàng trăm ngàn lượt người nghe và xem, trong đó, có từ 60-70 buổi đội biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và khoảng 30 chương trình văn nghệ tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của tỉnh. Ngoài ra, đội còn thực hiện hàng trăm buổi tuyên truyền bằng xe loa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khắp các vùng biên giới.

Từ đầu năm 2024, Đội TTLĐ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình các địa phương tổ chức 18 đêm lưu diễn phục vụ nhân dân. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, đội đã khéo léo lồng ghép chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào các lời thoại hóm hỉnh trong các tiết mục, vở diễn, cùng với lối diễn xuất chân phương, gần gũi, mang đến cho người xem những tiết mục ấn tượng.

Đặc biệt, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, Đội TTLĐ của Trung tâm Văn hóa Quảng Nam đã triển khai tổ chức TTLĐ với chủ đề: Phòng chống tín dụng đen, bạo lực gia đình và tác hại thuốc lá phục vụ quần chúng nhân dân từ miền núi cao đến vùng đồng bằng, miền biển xa xôi...

Ông Nguyễn Hữu Sĩ, Trưởng phòng TTLĐ, Trung tâm Văn hóa Quảng Nam chia sẻ: “Một trong những vấn nạn đang xảy ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, đó là tình trạng cho vay lãi nặng, tín dụng đen, bạo lực gia đình và tác hại thuốc lá, gây nhiều hệ lụy, tác động xấu, để lại hậu quả nghiêm trọng đối với toàn xã hội và trong từng gia đình, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Do đó, Đội TTLĐ đã tích cực xây dựng chương trình, dàn dựng, tập luyện, đổi mới hình thức truyền tải, qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tình trạng cho vay nặng lãi và tín dụng đen, kêu gọi cộng đồng không tham gia và góp phần chung tay đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống”.

Tiết mục "Lời ru Trường Sơn" do Đội TTLĐ, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Quảng Bình biểu diễn, giành Huy chương Vàng tại hội thi. Ảnh: Thủy Lê

Trong những năm qua, Đội TTLĐ tỉnh Sóc Trăng, các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh luôn nhiệt tình, hăng say với công việc đưa văn hóa thông tin đến với quần chúng nhân dân. Với phương thức hoạt động “nhanh, nhạy, kịp thời, cơ động và hiệu quả”, dù mưa hay nắng, khi đã lên kế hoạch đi TTLĐ tại các cơ sở, các cấp thì đội luôn quyết tâm hoàn thành theo đúng nội dung kế hoạch đã đề ra. Các đội tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: tuyên truyền miệng, cổ động trực quan (xe tuyên truyền, triển lãm ảnh), sân khấu hóa, với các tiểu phẩm kịch nói hấp dẫn, các tiết mục ca múa nhạc giàu tính biểu cảm, với nhiều chủ đề khác nhau.

Chị Lâm Mỹ Hạnh, dân tộc Khmer, xã Viên An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Năm nay, tôi rất vui khi được xem Đội TTLĐ tỉnh đến biểu diễn phục vụ đồng bào. Đội không chỉ mang đến các tiết mục văn nghệ đắc sắc, mà còn biểu diễn nhiều tiểu phẩm hay, ý nghĩa, như tiểu phẩm “Hãy vì cuộc sống xanh”, truyền tải thông điệp để tất cả mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 11 đội TTLĐ tại các huyện, thị xã, thành phố và 1 đội TTLĐ tỉnh (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng). Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tổ chức Liên hoan TTLĐ tỉnh, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho lực lượng diễn viên, tuyên truyền viên của các đơn vị có dịp thi diễn, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Thạc sĩ Lâm Hoàng Viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Công tác TTLĐ, cổ động trực quan, triển lãm ảnh phục vụ địa bàn cơ sở là rất cần thiết, qua đó, nhằm nâng cao kỹ năng của lực lượng tuyên truyền viên, góp phần thúc đẩy phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú, lành mạnh trong cộng đồng”.

Thực tế cho thấy, công tác TTLĐ có sức lôi cuốn rất lớn đối với nhân dân và đạt được hiệu quả tuyên truyền cao. Thế nhưng, hiện nay, các đội TTLĐ đang gặp những khó khăn nhất định, như: Kinh phí thấp, phương tiện hoạt động nghèo nàn, kịch bản tuyên truyền còn đơn điệu, chưa đáp ứng kịp thời những vấn đề có tính thời sự. Theo ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, trong bối cảnh các hình thức nghệ thuật, phương tiện vui chơi, giải trí hiện đại ngày càng chiếm lĩnh đời sống văn hóa, phương thức hoạt động truyền thống của các đội TTLĐ đang tụt hậu dần, số lượng người xem giảm mạnh. Các chương trình thường quá nặng tính thông tin, tuyên truyền hoặc quá nghiêng về yếu tố giải trí nên hoạt động TTLĐ sẽ bị hạn chế. Do đó, cần phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nội dung sát với thực tiễn cuộc sống để tránh gây nhàm chán cho người xem.

Thủy Lê

Bình luận

ZALO